Ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hàng tiêu dùng sau thời kỳ ảm đạm do Covid-19 đang dần “hồi sức” và có xu hướng bứt tốc nhanh chóng, có thể thấy sự mở rộng và nâng cấp của các siêu thị hiện đại là yếu tố đóng góp lớn cho xu hướng này. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Technavio, thị trường bán lẻ tại Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 163,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,4% từ năm 2022 đến năm 2027.
Bức tranh ngành hàng bán lẻ Việt trong khoảng thời gian 2019 – 2022 mang màu sắc chủ đạo là gam màu tối. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, toàn kinh tế bị ảnh hưởng mà ngành bán lẻ tiêu dùng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu sụt giảm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ nửa cuối năm 2021 trở đi, màu sắc bức tranh đã tươi sáng trở lại và các tín hiệu cho thấy bán lẻ đang phục hồi, đặc biệt là nhờ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết nguyên đán 2023. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, khảo sát của Vietnam Report cho thấy, so với trước đại dịch, hơn 53,8% tổng số doanh nghiệp bán lẻ đạt kết quả kinh doanh tương đương và cao hơn. Doanh số bán lẻ tăng trưởng như vậy được giải thích bởi thu nhập tăng và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và các ngành liên quan như vận tải và lưu trú, cũng như hiệu quả của các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Nhờ sự xâm nhập của những tập đoàn quốc tế như Central Retail, Lotte, Aeon, ... cùng những tên tuổi địa phương như Masan (Wincomerce), Saigon Co.op, lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang có động lực để phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam là 142 tỷ USD, dự kiến đạt 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào tổng GDP. Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cùng với chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng tăng được xác định là động lực chính cho sự tăng trưởng này.
Theo Statista, giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2019 – 2021 giảm dần, năm 2021 doanh thu ghi nhận là 4.657 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.680 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019.
Từ trước đến nay, luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tên tuổi trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn khi mảnh đất “màu mỡ” này có thêm sự đầu tư từ các ông lớn ngoại địa và nội địa. Điều này lý giải tại sao sân chơi của ngành bán lẻ tiêu dùng không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà có cả doanh nghiệp nước ngoài như các thương hiệu đến từ Thailand (Central Group); Hàn Quốc (Lotte Mart); Nhật Bản (siêu thị Aeon)…
Trong bài viết này, Vietdata sẽ đề cập đến một số chuỗi bán lẻ, siêu thị đang được người tiêu dùng quan tâm trong thời gian gần đây.
Saigon Co.op
Thành lập từ năm 1989, Saigon Cop.op được biết đến là “ngôi sao” trên thị trường bán lẻ với các thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife. Sau 30 năm hoạt động, Saigon Co.op là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam với 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng. Tính đến 2018, Saigon Co.op đạt 100 siêu thị trên cả nước, hơn 600 điểm bán với hơn 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày.
Saigon Co.op đến hết năm 2022 đã vượt Wincomerce, trở thành đơn vị bán lẻ lớn nhất Việt Nam với doanh thu ghi nhận gần 30.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 – 2021, doanh thu của chuỗi này có sự sụt giảm khá nhanh. Năm 2021, Saigon Co.op báo doanh thu 30.671 tỷ đồng, bốc hơi gần 5.000 tỷ so với 2019. Lý giải cho sự đi xuống của hoạt động kinh doanh này không chỉ do tình hình dịch Covid mà còn liên quan đến “lùm xùm” của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Chuỗi này đã bị điều tra về việc góp vốn siêu tốc, bất thường. Một số lãnh đạo cấp cao của nhà bán lẻ này vi phạm nguyên tắc quản trị, điều hành, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam.
Cùng chung thực trạng nhiều chuỗi bán lẻ sụt giảm lợi nhuận sau thuế trầm trọng, có doanh nghiệp còn báo lỗ hàng trăm tỷ đồng thì lợi nhuận của Saigon Co.op cũng “bốc hơi” hơn 150 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 là hơn 800 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019.
Saigon Co.op đang đẩy nhanh tiến độ để có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Tập đoàn này mong muốn giữ vững vị thế đứng đầu về số lượng cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên cả nước nhằm đem lại nhiều sản phẩm chất lượng tới tận tay cho người tiêu dùng cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết năm 2023, Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng dựa trên nền tảng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng liên quan đến bữa ăn gia đình, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng xanh ... Chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ được ưu tiên mở rộng.
Wincomerce
WinCommerce của Tập đoàn Masan, là đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ đang nắm trong tay mạng lưới hơn 3.000 siêu thị WinMart và WinMart+. Trong năm 2022, WinCommerce đã tái cấu trúc thành công toàn bộ chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ và hoàn tất chuyển đổi thương hiệu trong tháng 4.
Về việc chuyển đổi thương hiệu, ngày 15/1/2022, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp WinCommerce (thành viên Tập đoàn Masan) đã tổ chức Lễ công bố chuyển đổi thương hiệu hệ thống bán lẻ VinMart thành WinMart. Trước đó, thương vụ sáp nhập chuỗi siêu thị VinMart vào Masan bắt đầu từ tháng 12/2019. Tập đoàn Masan mua lại mảng bán lẻ từ Tập đoàn Vingroup, theo đó, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần The CrownX (đơn vị hợp nhất của VinCommerce và Masan Consumer) sau sáp nhập.
Sau khi mua lại chuỗi siêu thị trên từ VinGroup, tới nay Masan đã tái cấu trúc, cải thiện chất lượng dịch vụ và thay đổi đáng kể trong phương pháp tiếp cận khách hàng. Từ giữa năm 2021, Masan đã bắt đầu đưa hàng loạt tiện ích vào bên trong các siêu thị mini WinMart+ như kiosk Phúc Long, Reddi, kiosk dược phẩm, tiện ích tài chính của Techcombank. Mục tiêu của mini-mall là đến năm 2025 sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Hướng tới 30.000 điểm bán trên toàn quốc và doanh thu một năm là 7- 8 tỉ đôla, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.
Wincomerce cũng là chuỗi siêu thị tranh giành vị trí dẫn đầu với Saigon Co.op về doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng. Doanh thu thuần của Wincomerce trong giai đoạn 2019 – 2021 có sự tăng trưởng nhẹ. Theo đó, năm 2021 doanh thu của chuỗi đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2019, góp phần đưa WCM vượt mặt anh lớn Saigon Co.op lần đầu tiên trong suốt giai đoạn 2019 - 2022. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Masan, tính đến cuối năm 2022, WCM đạt 29.369 tỷ đồng doanh thu, đã sụt giảm 5% so với năm 2021. Đồng thời, chuỗi cũng đã mở mới 730 siêu thị mini trong năm 2022, tổng số WinMart+ đến cuối năm đạt 3.268 cửa hàng với biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng là 6,5%.
Trong giai đoạn trước đó, đặc biệt là năm 2020, WinCommerce phải đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+ để tái cấu trúc thay vì thúc đẩy doanh số, tăng thị phần. Sau 7 quý gánh lỗ từ khi mua lại chuỗi bán lẻ Vincomerce thì đến quý 3/2021, Masan bắt đầu ghi nhận tín hiệu hồi phục từ chuỗi này. Đỉnh điểm là vào 2020, lợi nhuận sau thuế của WCM ghi nhận âm tới hơn 3000 tỷ đồng, đến năm 2021 thì chỉ còn báo âm gần 150 tỷ đồng. Đây cũng là những cố gắng thay đổi cả về chất và lượng tại chuỗi siêu thị này.
Hiện tại, Masan đang hướng tới cung cấp các nền tảng phục vụ tiện ích cho khách hàng, tại đại hội cổ đông Masan, ông Nguyễn An Nguyên, nhà sáng lập Trusting Social, cho biết nền tảng đầu tiên mà công ty sẽ cùng với Masan xây dựng là nền tảng siêu cá nhân hóa. "Chúng tôi biết chính xác khách hàng sẽ mua gì trước khi họ nghĩ đến việc đó. Điều này đã xảy ra ở Mỹ, khi nhà bán hàng gửi hàng cho người tiêu dùng. Nếu khách hàng không muốn mua thì có quyền trả lại. Tuy nhiên, do khả năng dự báo quá tốt nên tỉ lệ trả lại rất thấp", ông Nguyên chia sẻ. Nền tảng thứ 2 là khách hàng thân thiết. Nền tảng thứ 3 là Masan và Trusting Social sẽ cho ra mắt nền tảng tiếp cận tài chính cho người tiêu dùng bằng việc phát hàng thẻ tín dụng dành cho mọi người (khách hàng bình dân) EVO mà không cần chứng minh thu nhập.
Go!, Big C, Tops market (Central Retail)
Ngày 1/3/2021, sau 22 năm hoạt động tại Việt Nam, thương hiệu Big C được tập đoàn mẹ Central Group tái định vị thương hiệu, đổi tên mới là Go! và Tops Market. Vào thời điểm hoàn tất thương vụ mua thành công Big C Việt Nam từ Casino Group hồi tháng 4/2016, dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm nhưng nhà bán lẻ Thái vẫn muốn đổi tên ngay sau đó.
Central Retail (thuộc Central Group), nhà bán lẻ Thailand đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới, thông qua việc nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quyết định này của tập đoàn bán lẻ đang sở hữu chuỗi siêu thị Go! & Big C và Top Market đã tiếp tục khẳng định tham vọng lớn của đại gia bán lẻ Thailand cũng như sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ nước ta.
Trong mảng bán lẻ hàng tiêu dùng, công ty TNHH Dịch vụ EB (Hệ thống Big C Việt Nam) đại diện cho hệ thống siêu thị Go!, Big C, Tops market ghi nhận doanh thu gần 16.500 tỷ đồng vào 2021, giảm gần 4% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của chuỗi siêu thị giảm rõ rệt qua từng năm trong giai đoạn 2019 – 2021. Năm 2020, chuỗi ghi nhận mức lợi nhuận gần 60 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 70% lợi nhuận sau thuế so với 2019. Đỉnh điểm tới 2021, chuỗi báo âm hơn 100 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của dịch trong giai đoạn này đối với chuỗi bán lẻ này rất nặng nề, bước qua năm 2022, kinh tế dần ổn định trở lại và nhu cầu của người dân tăng cao, kết quả của chuỗi trở nên khả quan hơn. Central Retail cho biết, mục tiêu của Central Retail là thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại. Hiện, thị trường Việt Nam mang lại 22% tổng doanh thu, là thị trường mang về cho Central Retail nhiều tiền nhất sau Thái Lan.
MM Mega Market
MM Mega Market là thương hiệu mới ra đời vào tháng 1/2017 sau thương vụ M&A đình đám của Tập đoàn TCC Thái Lan mua lại thành công chuỗi đại siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam từ đại gia bán lẻ Đức.
Dù mới ra mắt vài năm trở lại đây nhưng MM cũng cho thấy kết quả kinh doanh khả quan, là một trong những kênh phân phối áp dụng nhiều chính sách đổi mới nhằm phục vụ khách hàng. Doanh thu thuần của chuỗi siêu thị trong giai đoạn 2019 – 2021 có sự thay đổi theo chiều hướng giảm qua từng năm. Năm 2019 MM mang về doanh thu 14.000 tỷ đồng và giảm gần 3% vào năm 2021. Sự sụt giảm doanh thu này được nhận xét là ít hơn so với các chuỗi bán lẻ khác, điều này cũng nhờ một phần các chính sách đổi mới tích cực của MM Mega Market trong tình hình dịch bệnh. Trong năm 2020, doanh nghiệp đã triển khai 2 mô hình kinh doanh mới – Depot tại Phú Quốc (12/2020) và Lâm Đồng (1/2021). Cũng trong tháng 12/2020, doanh nghiệp này tiếp tục khai trương mô hình phân phối mới là Trung tâm phân phối và bán sỉ thực phẩm (Food Service Center) và vận hành trạm trung chuyển thịt heo đầu tiên tại miền Bắc.
Sau SATRA (Tổng công ty thương mại Sài gòn) và Saigon Co.op thì lợi nhuận sau thuế của MM tăng trưởng khá tốt. Đây cũng là hệ thống siêu thị hiếm hoi có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong giai đoạn Covid-19. Cụ thể, năm 2019 lợi nhuận sau thuế của chuỗi mới đạt mức hơn 140 tỷ, tăng lên hơn 230 tỷ vào năm 2021, tăng hơn 60%.
Tính đến hết tháng 11/2022, thương hiệu đã đạt mốc tăng trưởng đến 70% so với năm 2021, cho thấy các chính sách và tiêu chí “tươi - sạch – ngon” của MM đã gây được tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, chứng minh yếu tố chất lượng sẽ trở thành điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market Việt Nam cho biết, với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ yêu thích của khách hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình Việt, MM Mega Market đã thực hiện chiến lược "Mùa nào thức nấy", nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nông sản Việt. Tại MM Mega Market cũng thường xuyên triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng khác, gồm: Hội chợ trái cây nhiệt đới; Tuần lễ nông sản Việt...
AEON
Aeon chính thức hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, đây là doanh nghiệp trực thuộc AEON - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Đến ngày 07/10/2011, Công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức thành lập, đầu tư nhiều lĩnh vực kinh doanh bán lẻ đa dạng.
Tập đoàn AEON xem Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 chỉ sau Nhật Bản để phát triển chiến lược kinh doanh. Kể từ khi khai trương TTMS đầu tiên AEON Tân Phú Celadon vào năm 2014, tính đến cuối năm 2021, AEON đã mở rộng hệ thống mô hình kinh doanh này lên 6 trung tâm; hơn 40 cửa hàng chuyên doanh.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, Aeon “ngược gió” vươn lên và ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng đều qua từng năm. Năm 2021, doanh thu chuỗi này được ghi nhận là gần 7.500 tỷ đồng, trong khi năm 2019 con số doanh thu chỉ là hơn 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 14%. Kể từ năm 2020 đến nay, AEON Việt Nam đã triển khai liên tiếp 2 mô hình kinh doanh mới tại thị trường miền Bắc là siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu cùng TTBHTH & ST tinh gọn AEON The Nine. Ở thị trường TPHCM, AEON thay đổi, cải tiến lại hệ thống siêu thị Citimart, cửa hàng tiện lợi MiniStop. Chuỗi cũng tập trung chú trọng việc phát triển những sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng để thu hút khách hàng, đẩy mạnh kênh thương mại điện tử và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt …
Tuy nhiên, theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của AEON lại không được khả quan như vậy, lợi nhuận chuỗi này tăng trưởng theo chiều hướng âm mà cụ thể năm 2021 AEON báo lỗ hơn 75 tỷ đồng. Xu hướng giảm đã xuất hiện từ năm 2020 khi mà lợi nhuận AEON sụt giảm hơn 60% so với năm trước, chỉ còn gần 95 tỷ đồng.
Sau Covid, ngành bán lẻ hồi phục trở lại, Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Thế mạnh của công ty là ở các trung tâm mua sắm và nhiều siêu thị của tập đoàn này tại Việt Nam có quy mô khoảng 300 m2. Các địa điểm mới sẽ có diện tích từ 500 m2 trở lên. Aeon sẽ tạo sự khác biệt với dòng sản phẩm tươi sống và sản xuất sẵn được áp dụng tại Nhật Bản.
Lotte Mart
Lotte Mart là công ty con của tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), là chuỗi siêu thị lớn bán nhiều loại hàng tạp hoá, quần áo, đồ chơi, đồ điện tử và các hàng hoá khác. Lotte Mart vào Việt Nam từ năm 2008. Trước đây, tập đoàn Lotte từng coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm thứ ba sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng tập đoàn này đã rút khỏi Trung Quốc vì ảnh hưởng địa chính trị và nâng Việt Nam lên vị trí thứ 3.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, doanh thu Lotte Mart đạt 6.835 tỷ đồng vào năm 2019 rồi giảm xuống 5.921 tỷ đồng vào năm 2020 - mức tương đương với năm 2018. Tuy nhiên, giống như hầu hết các chuỗi bán lẻ siêu thị khác, Lotte Mart vẫn lỗ ròng. Điểm sáng là mức lỗ đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid, doanh thu của Lotte Mart giảm mạnh xuống dưới 5.000 tỷ đồng. Do cơ cấu chi phí chủ yếu là tài sản cố định cho nên lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2021 cũng báo lỗ 821 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Công ty Lotte Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do tập trung đầu tư vào hệ thống cửa hàng bán lẻ (đầu tư vào tài sản dài hạn) với quy mô lớn. Xét về các chỉ tiêu tài chính, mặc dù khả năng thanh toán tổng quát của công ty trong 2 năm 2020 - 2021 đều lớn hơn 1, tương đương trung bình ngành. Tuy nhiên do cơ cấu tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng chính trong tài sản nên khả năng thanh toán hiện hành thấp (dưới 0,5) dẫn đến rủi ro thanh toán ngắn hạn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của mảng bán lẻ tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận lãi, nhưng Lotte tiếp tục tuyên bố các kế hoạch tập trung vào thị trường Việt Nam sau khi tạm biệt Trung Quốc.
SATRA
Ngày 02/11/1995, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn được thành lập, với 27 doanh nghiệp thành viên và vốn điều lệ 893,5 tỉ đồng. SATRA đã xây dựng và phát triển trở thành một trong những Tổng Công ty Thương mại lớn với hơn 70 doanh nghiệp gồm công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh. SATRA là đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM bao gồm Khu Trung tâm Thương Mại Bình Điền (Chợ đầu mối Bình Điền) vốn được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là các trung tâm thương mại Centre Mall, Siêu thị Tax, Siêu thị Sài Gòn (Satra Mart), chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods; chuỗi cửa hàng xăng dầu, Satra Bakery & Café, Nhà hàng Việt...
SATRA trong mùa dịch cũng bị ảnh hưởng theo toàn ngành chung, theo đó, doanh thu của chuỗi năm 2021 bị giảm hơn một nửa so với năm 2019, đạt hơn 4000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn giữ vững được lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn này, không những không bị suy giảm mà còn có dấu hiệu tăng trưởng. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của chuỗi bán lẻ ghi nhận lãi gần 3500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2019 – năm dịch Covid tác động mạnh mẽ làm tê liệt thị trường Việt Nam.
Để đạt được những kết quả như vậy, Satra trong mùa Covid đã tập trung lãnh đạo các đơn vị thành viên chủ động chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu, hàng hóa để thực hiện đúng kế hoạch sản xuất, dự trữ, kinh doanh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu thị trường; đồng thời, tham gia tốt chương trình bình ổn thị trường theo kế hoạch của thành phố.
SASCO
Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất được thành lập năm 1993. Các sản phẩm của SASCO bao gồm kinh doanh các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, các dịch vụ sân bay, dịch vụ vận tải, đầu tư khai thác các dự án kinh doanh du lịch và bất động sản.
Ngành hàng không được nhận xét là một ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và các dịch vụ liên quan cũng theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giai đoạn năm 2019 trở về trước, SASCO ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều qua từng năm, đạt mức 2895 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, từ 2019 – 2021, doanh thu công ty “lao dốc” nhanh chóng. Cụ thể, doanh thu SASCO năm 2020 và 2021 lần lượt là 918 tỷ đồng và 321 tỷ đồng, tương ứng giảm 68% và 89% so với đỉnh điểm 2019. Bước sang năm 2022, khi giãn cách xã hội được nới lỏng và kinh tế phục hồi, doanh thu SASCO đã tăng trưởng lại tươi sáng hơn, ghi nhận kết quả hơn 1400 tỷ đồng vào cuối năm.
Lợi nhuận sau thuế cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi khi mà doanh nghiệp báo lãi 210 tỷ đồng vào năm 2022 – vượt mức lãi 2 năm trước và bằng một nửa lợi nhuận năm 2019. Năm 2021 lãi của doanh nghiệp chỉ còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm gần 98% so với lãi năm trước.
Có thể thấy, sau 2 năm bị “đóng băng” thì SASCO đã hồi phục trở lại và tiếp tục đầu tư, đưa ra những chính sách mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng tốt hơn.
Xu hướng ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong tương lai
Việt Nam được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” cho ngành bán lẻ tiêu dùng với dân số gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, tiêu dùng gia đình chiếm 70-80% GDP, thu nhập bình quân đầu người dự báo sẽ đạt 5.000 USD vào năm 2025… Nhìn chung, sau khi trải qua giai đoạn dịch Covid, bức tranh màu sắc toàn ngành đã trở nên tươi sáng hơn, các chuỗi bán lẻ đang quay lại đường đua và phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên lợi nhuận thu được vẫn chưa hồi phục như trước năm 2019 – giai đoạn dịch Covid chưa diễn ra.
VNDirect ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023, nhờ tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt; biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân; tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Hoa Kỳ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam.
Đồng thời tồn tại một thực tế cần nhìn nhận đúng, đó là hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước. Cùng với đó, vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Đó là chưa kể tới tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh còn diễn biến phức tạp.
Ngành bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sức mua ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Thương mại điện tử cũng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình ngành, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng trực tuyến cho nhu cầu mua sắm của họ. Ngoài ra, các nhà bán lẻ nước ngoài dự kiến sẽ tham gia thị trường, tiếp tục mở rộng sự đa dạng của hàng tiêu dùng có sẵn. Tuy nhiên, cũng có thể có những thách thức, chẳng hạn như sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp địa phương và nhu cầu của các nhà bán lẻ để thích ứng với việc thay đổi sở thích của người tiêu dùng.
Nguồn: Báo cáo ngành Bán lẻ 2022 của Vietdata
Comentarios