top of page

Bạn hiểu gì về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam?

Tài chính tiêu dùng là một trong những khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để giúp bạn hiểu đúng và đủ về tài chính tiêu dùng cũng như cách sử dụng các sản phẩm tài chính tiêu dùng hiệu quả hơn, Vietdata xin giới thiệu đến bạn chuỗi bài viết “Bạn hiểu gì về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam”.



Trong bài viết đầu tiên, Vietdata sẽ cung cấp thông tin tổng quan về thị trường tài chính tiêu dùng, bao gồm định nghĩa và các phân khúc sản phẩm tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.


Tài chính tiêu dùng là gì?


Tài chính tiêu dùng là việc các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay trực tiếp cho cá nhân/ hộ gia đình với mục đích mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.


Tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Bởi lẽ nhu cầu tài chính của con người không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch…, đặc biệt khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi.


Có những phân khúc nào trong tài chính tiêu dùng tại Việt Nam?


Trên thế giới, tài chính tiêu dùng khá phát triển, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển, phần lớn dân số đều có dư nợ vay tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam mới còn khá non trẻ, và dư địa tăng trưởng được nhận định còn rất lớn.


Hiện các sản phẩm tài chính tiêu dùng tại Việt Nam gồm các phân khúc sau: Thứ nhất, cho vay tiêu dùng từ ngân hàng. Thứ hai, cho vay từ các công ty tài chính. Thứ ba, cho vay qua thẻ tín dụng. Thứ tư, cho vay qua hình thức Buy Now Pay Later (BNPL - mô hình fintech). Thứ năm, kinh doanh cầm đồ.



Thứ nhất, sản phẩm cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại (NHTM)


Thông thường, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng có lãi suất thấp hơn so với các công ty tài chính, nhưng đòi hỏi khách hàng phải có điều kiện tín dụng tốt. Tại một số NHTM, đây thường là những món vay không cần tài sản đảm bảo, nhưng được bảo đảm thông qua tài khoản nhận lương, và thường là các sản phẩm vay liên quan về xây và sửa chữa nhà cửa, mua ô tô...


Đây là phân khúc chiếm một tỷ trọng đáng kể trên thị trường tài chính tiêu dùng, là một phần quan trọng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, tín dụng tiêu dùng của hệ thống NHTM đạt gần 2.4 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20.13% dư nợ tín dụng cho nền kinh tế. Có thể thấy, thị phần lớn của dư nợ tiêu dùng vẫn nằm trong tay các NHTM (hơn 80%).


Thứ hai, cho vay từ các công ty tài chính


Theo điều 4 Luật các tổ chức tín dụng, công ty tài chính là một trong những hình thức tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Các công ty tài chính do NHNN cấp phép và quản lý giám sát.


Các sản phẩm vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường có mức lãi suất và phí cao hơn so với của NHTM, đi kèm là các tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng thấp hơn. Đặc biệt, một trong những khác biệt đặc trưng của nhóm này so với nhóm sản phẩm của ngân hàng là không cần chứng minh tài chính, chỉ cần Hộ khẩu và/hoặc CMND/căn cước công dân.


Các sản phẩm thông thường của các công ty tài chính là cho vay mua xe honda (liên kết với các showroom), mua trả góp các món hàng giá trị nhỏ hơn 20 triệu (thông qua liên kết với các đại siêu thị, siêu thị/cửa hàng điện máy).


Tính đến cuối 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng ước đạt khoảng 192 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 8% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1.61% dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với một số tên tuổi nổi bật như FE Credit, HD Saison, Home Credit…


Thứ ba, cho vay qua thẻ tín dụng


Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền mà khách hàng đã sử dụng từ thẻ tín dụng để thanh toán các chi phí tiêu dùng như mua sắm, du lịch, ăn uống, thanh toán hóa đơn và các chi phí khác.


Bản chất của thẻ tín dụng là chi trước trả tiền sau, ngân hàng phát hành thẻ sẽ cấp cho khách hàng một hạn mức nhất định được gọi là hạn mức tín dụng. Khách hàng được cho vay tiền trong hạn mức tín dụng này để chi tiêu trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng toàn bộ khoản vay hoặc trả góp hàng tháng. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay (trả góp), khách hàng sẽ phải trả thêm một khoản tiền lãi cho ngân hàng.


Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán có mặt tại Việt Nam lâu năm, và hiện là phương thức thanh toán khá phổ biến tại khu vực thành thị. Nó cung cấp cho người dùng các lợi ích như tính linh hoạt, tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên để được cấp thẻ, yêu cầu tối thiểu là chủ thẻ cần chứng minh thu nhập thông qua tài khoản lương.


Thứ tư, cho vay qua hình thức Buy Now Pay Later (BNPL - mô hình fintech)


Đây là mô hình mới nổi lên ở Việt Nam. Mua trước trả sau (Buy now pay later hay BNPL) là một mô hình thanh toán cho phép người tiêu dùng mua hàng trước và trả tiền sau trong một khoảng thời gian nhất định, thường không tính lãi suất hoặc phí. Đặc điểm của sản phẩm khá tương đồng với sản phẩm thẻ tín dụng.


BNPL khác với thẻ tín dụng ở một số đặc điểm như thời gian miễn lãi (thời gian khách hàng thực hiện nghĩa vụ chi trả dư nợ mà không phải trả phí/tiền lãi cho những khoản chi đó), điều kiện đăng ký và mức độ phổ biến. Cụ thể:


Thời gian miễn lãi: Với thẻ tín dụng, thời gian miễn lãi từ 45 - 60 ngày tùy theo từng sản phẩm thẻ tín dụng và quy định của mỗi ngân hàng. Với BNPL, hình thức này cho phép người dùng chia nhỏ khoản mua sắm, thanh toán nhiều lần không cần trả lãi trong khung thời gian quy định thường là từ 15 - 90 ngày.


Điều kiện đăng ký: Điều kiện đăng ký đơn giản hơn thẻ tín dụng. Nhìn chung các công ty chỉ yêu cầu số điện thoại và CCCD/CMND, không quy định về hạn mức thu nhập cá nhân.


Mức độ phổ biến: BNPL chưa được phổ biến rộng rãi, chỉ có một số doanh nghiệp chấp nhận và phân khúc sản phẩm thường liên kết với thương mại điện tử, shop thời trang, đồng hồ (nhóm sản phẩm có giá trị giao động dưới 5-7 triệu đồng).


Thứ năm, dịch vụ cầm đồ


Dịch vụ cầm đồ thông thường được cung cấp dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, hoặc các doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh “6492 - Hoạt động cấp tín dụng khác; chi tiết: dịch vụ cầm đồ”. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên không chịu sự quản lý và giám sát của NHNN như các hình thức cho vay kể trên.


Tại Việt Nam, hoạt động cầm đồ dưới hình thức các hộ kinh doanh cá thể đã tồn tại từ lâu, và khá phổ biến tại các tỉnh thành nhỏ, hoặc khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, xu hướng “doanh nghiệp hóa” dịch vụ kinh doanh này mới bắt đầu manh nha. Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (F88) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đẩy mạnh quá trình “chuyên nghiệp hóa mô hình cầm đồ”.


Mặc dù, lãi suất cho vay của các dịch vụ cầm đồ vẫn chịu sự chi phối của Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015, tức lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết lãi suất và phí thực tế được áp dụng phổ biến tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ này đều vượt khung quy định (và được “lách” dưới nhiều hình thức, loại phí khác nhau).


Mặc dù lãi suất thực tế người đi vay phải trả khá cao, tuy nhiên nhu cầu vay mượn của phân khúc này là rất lớn do điều kiện cho vay dễ dãi. Chính vì điều kiện cho vay dễ nên việc thu hồi nợ cũng có phát sinh nhiều vấn đề. Thậm chí các hình thức và phương thức thu hồi nợ đôi khi biến tướng. Điển hình gần đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp Công an Tp. Hồ chí Minh và 1 số tỉnh thành trên cả nước kiểm tra, khám xét các trụ sở, điểm giao dịch của các công ty Công ty cổ phần kinh doanh F88 và một số công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thu hồi nợ hộ.


Trong bài viết tiếp theo, hãy cùng Vietdata tìm hiểu về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng và thực trạng phát triển của ngành tại Việt Nam nhé!


Nguồn: Báo cáo Tài chính tiêu dùng 2022 của Vietdata


Comments


bottom of page