top of page

Chỉ chiếm 5% thị phần ngành F&B, bức tranh kinh tế của các chuỗi nhà hàng ăn uống như thế nào?

Mặc có nhiều biến động trong kinh tế từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 và thị trường chung được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo báo cáo gần đây, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.3 nghìn tỷ đồng.



Sau hai năm sinh tồn vì đại dịch Covid-19, thị trường F&B năm 2022 đã lấy lại được mức tăng trưởng, thậm chí vượt mức trước Covid-19. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam ghi nhận có khoảng 338.6 nghìn nhà hàng với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng 2%. Quy mô doanh thu ngành F&B cũng tăng ấn tượng 39% so với năm 2021, lên mức đạt gần 610 nghìn tỷ, vượt thời điểm trước dịch năm 2019.


Với sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến đạt giá trị gần 940 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.


Xét về cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B trên cả nước năm 2022, doanh thu có sự phân hóa mạnh mẽ khi 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ (nhà hàng, quán ăn) trong khi chỉ có 5% thị phần được ghi nhận đến từ các chuỗi dịch vụ ăn uống. Lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam.



Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các chuỗi dịch vụ ăn uống không phát triển. Mặc dù chiếm thị phần nhỏ trong doanh thu ngành ăn uống nhưng với sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tại thị trường Việt Nam (26% dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2026), thị trường chuỗi đồ ăn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt trong các đô thị loại một.


Một số mô hình kinh doanh các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam nổi tiếng như Kichi Kichi, King BBQ, Hotpot Story hay Sumo BBQ,…Thông thường, các nhà hàng này thuộc sở hữu của những chủ nhân khác nhau và luôn cạnh tranh nhau như: KFC, Lotteria, Pizza Hut, The Pizza Company. Nhưng nó cũng có thể nằm trong một chuỗi nhà hàng lớn được sở hữu bởi một đơn vị kinh doanh. Các “ông lớn” sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Việt Nam như: Golden Gate, Redsun, Redwok,...


Một số tập đoàn kinh doanh nhiều chuỗi thương hiệu nhà hàng

Golden Gate

Thành lập từ năm 2005, Golden Gate là tập đoàn tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm: Lẩu, Nướng, Á, Âu và quán cà phê. Sau 18 năm thành lập, Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm và vẫn đang không ngừng nỗ lực phát triển hơn.


Những thương hiệu quen thuộc Golden Gate như Kichi-Kichi, Manwah, Hutong, Ashima, K-Pub, GoGi, Sumo Yakiniku, iSushi, Crystal Jade Hongkong Kitchen, Cowboy Jack's… đều là những cái tên mang tính quốc dân, đã được nhiều người biết và trải nghiệm.


Doanh thu của Golden Gate có sự dao động trong 3 năm. Năm 2020, doanh thu đạt gần 4600 tỷ đồng. Doanh thu giảm 27% vào năm 2021 và tăng 110% vào năm 2022, đạt gần 7000 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận của Golden Gate đạt hơn 65 tỷ đồng vào năm 2020. Con số này giảm mạnh vào năm 2021 xuống mức lợi nhuận âm gần 431 tỷ đồng. Sau đó lợi nhuận đã tăng mạnh trở lại vào năm 2022, đạt hơn 658 tỷ đồng.


REDSUN

Được thành lập từ tháng 02 năm 2008, Redsun-ITI Corporation hiện nay đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Redsun-ITI đã khẳng định vị trí top đầu trong lĩnh vực ẩm thực với 13 thương hiệu lớn như: King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Meiwei, Khao Lao,…


Với hơn 200 nhà hàng tại khắp các tỉnh thành phố toàn quốc và cả nước ngoài, Redsun-ITI đã, đang và sẽ luôn đem tới cho quý khách những thương hiệu ẩm thực cao cấp, các chuỗi nhà hàng sang trọng, những món ăn tuyệt hảo và dịch vụ đẳng cấp.


Tình hình phát triển trong hai năm gần đây của Redsun có sự giảm sút. Cụ thể, năm 2021 doanh thu của Redsun đạt hơn 350 tỷ đồng. Đến năm 2022, doanh số giảm hơn 60%, ghi nhận 140 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù vẫn ghi nhận lãi âm nhưng mức độ lỗ đã giảm 20% trong 2 năm từ mức âm 116 tỷ đồng năm 2021 xuống âm 93 tỷ đồng năm 2022.


VFBS

VFBS - Thành viên thuộc tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPPG), hoạt động trong nhiều lĩnh vực chủ yếu về kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu quốc tế. VFBS chuyên kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu thực phẩm & thức ăn nhanh của nước ngoài.


Với 13 năm chặng đường phát triển từ năm 2010-2013, VFBS hiện đang phân phối ba thương hiệu độc quyền: Burger King, Domino's Pizza, Popeyes với hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc và được vận hành bởi 3000 nhân viên.


Doanh thu của thương hiệu dao động nhẹ trong 2 năm 2020 và 2021 ở quanh 650 tỷ đồng và tăng mạnh vào năm 2022, đạt gần 920 tỷ đồng, tăng 40 % so với doanh thu 2 năm trước. Về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận ghi nhận mức âm và thay đổi liên tục trong ba năm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận đạt âm 70 tỷ đồng. Con số này tăng lên 46.5% vào năm 2021, đạt âm 102 tỷ đồng và giảm 82% vào năm 2022, đạt gần âm 19 tỷ đồng.


REDWOK

Chảo Đỏ (Red Wok) tiền thân là công ty Gói và Cuốn được thành lập từ năm 2006. Đây cũng là một trong những công ty tiên phong kinh doanh về chuỗi nhà hàng món Việt. Tháng 6 năm 2017, công ty Gói và Cuốn chính thức đổi tên thành công ty Cổ phần Ẩm thực Chảo Đỏ (Red Wok).


Năm 2018, Red Wok đã mua lại Quán Ụt Ụt, với 2 nhà hàng đồ nướng nổi tiếng (Quán Ụt Ụt) và 5 nhà hàng bia thủ công (Bia Craft) tại TP.HCM. Hiện nay, Red Wok sở hữu các thương hiệu: Wrap&Roll, Lẩu Bò Sài Gòn, Quán Ụt Ụt, BiaCraft và là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho nền Ẩm thực Việt Nam.


Doanh thu năm 2020 của Red Wok đạt khoảng gần 130 tỷ đồng. Con số này giảm xuống 60 tỷ đồng vào năm 2021 và tăng trở lại mức 150 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận trong 3 năm của thương hiệu luôn ghi nhận mức âm và có sự giảm lỗ theo từng năm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận đạt âm 40 tỷ đồng. Mức lỗ giảm nhẹ 4% so với năm 2020, đạt âm 38.5 tỷ đồng. Đến năm 2022, mức lỗ giảm 36%, đạt mức âm 25 tỷ đồng.



MESA Group

Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa được thành lập năm 1995, hoạt động trong lĩnh vực phân phối, sau đó mở rộng sang lĩnh vực truyền thông, ẩm thực, viễn thông, đầu tư và phát triển bất động sản.


Trải qua 28 năm hoạt động, công ty đã nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức, tiếp thị, bán và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả và kinh tế nhất. MESA không chỉ nổi tiếng về phân phối sản phẩm mà còn phát triển rất mạnh ngành dịch vụ với hệ thống chuỗi nhà hàng cao cấp cho các nhãn hàng nổi tiếng như: nhà hàng Hamburger Carl, gà rán Texas Chicken, nhà hàng Nhật Ootoya, nhà hàng lẩu thái MK.


Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MESA Group có sự tăng, giảm liên tục trong 3 năm. Năm 2020, doanh thu đạt gần 8000 tỷ đồng. Doanh thu giảm 6% vào năm 2021 và tăng gần 29% vào năm 2022, đạt gần 9700 tỷ đồng. Xét về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 17 tỷ đồng. Con số này giảm xuống 42% vào năm 2021, đạt gần 10 tỷ đồng và tăng 115% vào năm 2022, đạt gần 21 tỷ đồng.



In Dining

In Dining ban đầu có tên là Nova F&B - mảng dịch vụ nhà hàng, đồ uống của Nova Service thuộc NovaGroup. Tuy nhiên, công ty CP Nova F&B đã được "sang tay" cho nhà đầu tư Singapore. Với thương vụ M&A này, nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp quản và khai thác chuỗi thương hiệu cà phê, nhà hàng, club… do Nova F&B phát triển hoặc được nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam từ các thương hiệu trong khu vực.


Trong hơn 3 năm phát triển tập trung, Nova F&B hiện có 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu dần quen thuộc với khách hàng, gồm các thương hiệu tự phát triển như Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee,... cũng như các thương hiệu nhượng quyền và hợp tác với quốc tế như JUMBO Seafood , Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffees,...


Doanh thu của In Dining ghi nhận tăng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt 140 tỷ đồng. Con số này tăng 52% vào năm 2021 và tăng thêm 273% vào năm 2022, đạt gần 790 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn hầu như không có lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận có sự giảm mạnh vào năm 2021. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận đạt âm 1.5 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ đạt gần 2 tỷ đồng. Sau đó mức lỗ tăng mạnh hơn gấp 97 lần so với năm 2020, đạt âm 160 tỷ đồng.


OFOOD

Được thành lập năm 2014, OFOOD phát triển nhanh chóng với những món ăn ngon cùng sự tận tâm phục vụ khách hàng. Đến 2019, chỉ năm năm sau khi thành lập, Ò Ó O đứng cùng nhóm với một loạt thương hiệu F&B khác như Bò Lế Rồ, Yo!Chicken và Life Coffee & Tea. Không chỉ số cửa hàng của các thương hiệu này tăng 40 lần, mà số điểm chạm bán hàng của mô hình giao hàng tận nơi cũng đạt tới 200 điểm. Tính đến hiện tại nhà OFOOD đã có hơn 70 chi nhánh khắp các quận Sài Gòn và ở Hà Nội.


Trong giai đoạn 2020-2022, OFOOD ghi nhận doanh thu tăng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt 8 tỷ đồng. Con số này tăng 290% vào năm 2021 và tăng thêm 394% vào năm 2022, đạt 145 tỷ đồng . Lợi nhuận sau thuế của OFOOD không cao chỉ đạt gần 30 triệu đồng năm 2020 và 47 triệu đồng năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh xuống âm 3.2 tỷ đồng.


D1 Concept

Công ty D1-Concepts được thành lập năm 2012 tại Hồ Chí Minh với chức năng cung cấp dịch vụ ăn uống, chế biến sản phẩm với cái tên là Công ty Cổ Phần D1-ConCepts. Hoạt động với chức năng kinh doanh chính là phát triển hệ thống thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B), chỉ trong vòng chưa đầy 6 năm, công ty đã sở hữu 4 thương hiệu ngành F&B, 18 cửa hàng với trung bình mỗi năm ra mắt 2 điểm kinh doanh mới và giới thiệu 1 dự án mới.


D1-Concepts là nơi hội tụ niềm đam mê và sự sáng tạo trong ngành ẩm thực, sở hữu 4 thương hiệu đại diện cho các nền ẩm thực đa dạng và độc đáo trên thế giới như San Fu Lou – Quảng Đông, SORAE – Nhật Bản, Dì Mai – Việt Nam, SENS – Pháp.


Doanh thu của D1-Concept ghi nhận tăng, giảm liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt gần 200 tỷ đồng. Con số này giảm 38% vào năm 2021 và tăng thêm 96% vào năm 2022, đạt gần 240 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu ghi nhận mức âm trong hai năm 2020 và 2021, từ âm 12 tỷ đồng tăng lên 15%, đặt âm hơn 30 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế của D1-Concept tăng mạnh và ghi nhận lợi nhuận dương, đạt 15 tỷ đồng.


Các thương hiệu chuỗi nhà hàng nổi tiếng khác

KFC

Năm 1997, KFC có mặt đầu tiên tại Việt Nam chính là cơ sở đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong 7 năm đầu tiên du nhập KFC chịu thua lỗ khá nặng nề và chịu nhiều sóng gió, khó khăn. Tuy nhiên bằng những sự cố gắng, đến nay KFC đã có hơn 140 nhà hàng và trên 3000 lao động. KFC đang có 1 chỗ đứng nhất định trên thị trường đồ ăn nhanh tiện lợi tại Việt Nam.


Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, doanh thu của KFC thay đổi liên tục qua từng năm. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 1300 tỷ đồng. Con số này giảm 19% vào năm 2021 và tăng thêm 60% vào năm 2022, đạt hơn 1600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt gần 2 tỷ đồng, sau đó giảm mạnh xuống mức âm 50 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế tăng trở lại và đạt hơn 50 tỷ đồng.


Lotteria

Lotteria là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh trực thuộc tập đoàn Lotte – một trong năm tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Suốt 7 năm liền đứng vị trí số 1 về “Brand Power”. Lotteria có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1998. Hiện nay, mang tầm vóc của doanh nghiệp quốc tế, Lotteria đang dẫn đầu ngành công nghiệp ăn uống quốc nội với hơn 210 nhà hàng tại hơn 30 tỉnh/thành trên cả nước. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng mà Lotteria đạt được.


Doanh thu thuần của Lotteria đạt gần 1400 tỷ năm 2022, cao hơn 20% so với năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu tăng thêm 76%, đạt tới gần 2000 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu đạt hơn 1000 tỷ đồng nhưng Lotte không ghi nhận lợi nhuận dương. Mức lợi nhuận âm giảm đáng kể so với hai năm trước, đạt mức âm 14 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ hai năm trước đó.


Jollibee

Jollibee là một câu chuyện thành công phi thường bởi chỉ từ 2 tiệm kem nhỏ hình thành vào năm 1975 sau đó trở thành một tập đoàn tạo nên cuộc cách mạng thức ăn nhanh tại Philippines.


Jollibee hiện có hơn 1000 cửa hàng tại Philippines và hơn 300 cửa hàng tại các quốc gia trên khắp thế giới như Mỹ, Hong Kong, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Brunei, Trung Quốc, và Việt Nam. Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2005, đến nay, Jollibee đã có hơn 100 cửa hàng tại Việt Nam trải rộng trên toàn quốc.


Jollibee ghi nhận doanh thu tăng và giảm liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 1100 tỷ đồng. Con số này giảm 12% vào năm 2021 và tăng thêm 90% vào năm 2022, đạt gần 1900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu ghi nhận mức âm trong hai năm 2020 và 2021, từ âm 16 tỷ đồng tăng lên 180%, đặt âm 44 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Jollibee tăng mạnh và ghi nhận lợi nhuận dương, đạt hơn 68 tỷ đồng.


McDonald's

Năm 2014, McDonald’s đến Việt Nam, trở thành thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên có mặt ở nước ta. Thời điểm này, McDonald’s được người dân chào đón và hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2021, hệ thống McDonald’s Việt Nam chỉ có tổng cộng 24 cơ sở trên khắp cả nước. Một con số khá nhỏ so với các đối thủ trực tiếp của McDonald’s là KFC và Jollibee.


Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, doanh thu của thương hiệu thay đổi liên tục qua từng năm. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 450 tỷ đồng. Con số này giảm 24% vào năm 2021 và tăng thêm 94% vào năm 2022, đạt hơn 650 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm trong ba năm nhưng đã có xu hướng lỗ giảm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của McDonald’s đạt âm hơn 180 tỷ đồng. Con số này giảm 3% vào năm 2021 và giảm thêm 44% vào năm 2022, đạt mức âm 100 tỷ đồng.



Pizza Hut

Pizza Hut bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ của 2 anh em Dan và Frank Carney tại Kansas vào năm 1958. Sau nhiều năm hình thành và phát triển, Pizza Hut trở thành thương hiệu nhượng quyền thương mại được quản lý bởi tập đoàn Yum! Brands.


Thương hiệu này dần lớn mạnh với hơn 6.000 nhà hàng ở Mỹ và hơn 16.000 chi nhánh tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Pizza Hut có hơn 90 chi nhánh cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam. Những cửa hàng này nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của khách hàng cả về chất lượng thức ăn và phong cách phục vụ.


Năm 2020, doanh thu của Pizza Hut đạt gần 700 tỷ đồng. Con số này giảm 17% vào năm 2021 và tăng 52% vào năm 2022, đạt gần 840 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu ghi nhận mức âm trong hai năm 2020 và 2021, từ âm 51 tỷ đồng tăng lên 101%, đặt âm 106 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Jollibee ghi nhận lợi nhuận dương, đạt hơn 1.4 tỷ đồng.


Pizza 4P's

Pizza 4P's là hệ thống nhà hàng pizza của 2 nhà sáng lập người Nhật là ông Yosuke Masuko và vợ là bà Sanae Takasugi. Hiện công ty sở hữu tổng cộng 24 cửa hàng Pizza 4P's (trong đó, 12 cửa hàng tại TPHCM, 8 cửa hàng ở Hà Nội, 2 cửa hàng ở Đà Nẵng và 1 cửa hàng ở Hải Phòng và Nha Trang), 5 trung tâm giao hàng và một nhà máy sản xuất phô mai tại Đơn Dương, Đà Lạt.


Doanh thu của Pizza 4P’s đạt hơn 1000 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 86% so với năm 2021 và tăng 83% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của Pizza 4P’S ghi nhận mức âm trong hai năm 2020 và 2021, từ âm 20 tỷ đồng năm 2020 tăng âm 40 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Jollibee ghi nhận lợi nhuận dương, đạt gần 84 tỷ đồng.


The Pizza Company

Được thành lập từ 1981, The Pizza Company – Chuỗi nhà hàng Pizza phong vị Ý bắt đầu mở rộng, phát triển hệ thống cửa hàng và nhượng quyền thương mại quốc tế. Đến nay, thương hiệu The Pizza Company có hơn 300 cửa hàng tại hơn 12 thị trường trên toàn thế giới.


Năm 2013 nhà hàng The Pizza Company lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Cùng với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, “The Pizza Company” là một trong những thương hiệu pizza phát triển vượt bậc và nhanh chóng với hơn 70 nhà hàng trên toàn quốc và đã trở thành điểm đến được yêu thích của thực khách yêu ẩm thực trong suốt thời gian qua.


Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, doanh thu của The Pizza Company cũng dao động liên tục. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 580 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ vào năm 2021 và tăng thêm 52% vào năm 2022, đạt gần 820 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận một tín hiệu tốt, từ lợi nhuận âm gần 100 tỷ đồng vào năm 2020 giảm xuống còn âm 49 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu ghi nhận mức dương, đạt gần 40 tỷ đồng.


Kinh doanh chuỗi nhà hàng đang là mô hình quan tâm hiện nay, tuy nhiên để gắn kết thành một chuỗi các nhà hàng thành công thì không phải điều dễ dàng. Sau đại dịch, thay đổi lớn nhất của khách chính là thói quen gọi đồ ăn trực tuyến và giao hàng tận nhà trở nên bùng nổ. Mặc dù thị trường ẩm thực vẫn sẽ quay trở lại hoạt động bình thường nhưng thực khách giờ đây có sự yêu cầu về chất lượng cao hơn, mong muốn nhận được nhiều trải nghiệm tốt hơn, nhiều dịch vụ giá trị hơn. Đây là xu hướng bắt buộc chung của ngành ẩm thực vì vậy các đơn vị F&B phải không ngừng hoàn thiện để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.


Nguồn: Báo cáo thị trường chuỗi nhà hàng ăn uống 2022 của Vietdata


Comments


bottom of page