top of page

Castrol - Vị thế vững chắc trên thị trường dầu nhớt động cơ Việt Nam

Việt Nam hiện là một trong ba nước có lượng tiêu thụ dầu nhớt lớn nhất tại Châu Á với quy mô thị trường vào năm 2022 khoảng hơn 1 tỷ USD. Trong đó, các hãng dầu nhớt nước ngoài và nhập khẩu chiếm đến 70 – 80%. 



Theo báo cáo gần đây, quy mô thị trường dầu động cơ ô tô tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Năm 2024, quy mô này ước tính sẽ đạt 213,05 triệu lít và dự kiến sẽ tăng lên 232,16 triệu lít vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 4,39% trong giai đoạn dự báo từ 2024 đến 2026. Trong số các phân khúc, thị phần dầu nhớt xe máy chiếm phần lớn trong ngành. Điều này được giải thích bởi sự tăng lên về tần suất bảo dưỡng cũng như số lượng xe máy ngày càng gia tăng tại Việt Nam, dẫn đến mức tiêu thụ dầu động cơ trong phân khúc này đang tăng cao.


Tính từ ngày 01/01/2009 đến 01/8/2021, toàn quốc đăng ký 5 triệu xe ô tô và 74 triệu xe mô tô (mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau) với mức tiêu thụ dầu nhớt bình quân 1 xe máy là 3-4 lít/năm, xe hơi là 12-18 lít/năm, xe tải là 120 -160 lít/năm.


Ngoài ra, số lượng điểm bán hàng toàn thị trường cũng rất lớn, vào khoảng 100,000 điểm bán. Các kênh bán hàng chính là sửa xe, phụ tùng, rửa xe, gara xe hơi, trạm xăng dầu, cửa hàng dầu nhờn,...



Một số sản phẩm dầu nhớt của các thương hiệu tại thị trường Việt Nam


Những năm gần đây, bên cạnh các dòng nhớt “quốc dân”, đã tồn tại lâu đời (Shell, Total, Mobil, Castrol), thị trường Việt cũng đã chứng kiến sự tham gia của hàng hoạt thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Idemitsu, Caltex,... Những thống kê trên đã cho thấy một bức tranh thị trường dầu nhớt đầy màu sắc và rất sôi động tại Việt Nam.


Castrol

Castrol là một thương hiệu dầu nhớt công nghiệp và ô tô toàn cầu của Anh, cung cấp nhiều loại dầu, mỡ và các sản phẩm tương tự cho hầu hết các ứng dụng bôi trơn. Để gia nhập thị trường Tập đoàn dầu khí BP của Anh đã liên doanh với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam và thành lập lên công ty TNHH Castrol BP Petco.

 

Với hơn 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, công ty đã liên kết và cung cấp sản phẩm cho hơn 8.000 nhà bán lẻ về dầu nhớt cho xe máy và ô tô. Castrol đã trở thành đã và đang là thương hiệu đi đầu trong thị trường dầu nhớt Việt.


Tình hình kinh doanh của Castrol có xu hướng giảm vào năm 2021 về cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế nhưng công ty đã nhanh chóng phát triển ổn định trở lại vào năm 2022, đạt doanh thu gần 4900 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 1250 tỷ đồng.


Shell

Công ty TNHH Shell Việt Nam là công ty có 100% vốn nước ngoài. Các sản phẩm dầu hỏa của Shell bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm, khoảng những năm 1894. Tại Việt Nam, Shell sản xuất, kinh doanh và tiếp thị các sản phẩm dầu nhớt cao cấp cho ô tô, xe máy cá nhân đến các phương tiện vận chuyển chuyên dụng như xe trọng tải nặng, tàu biển; cho các loại động cơ và máy công nghiệp, dưới các nhãn hiệu danh tiếng như Shell Advance, Shell Helix, Shell Rimula, Shell Tellus, Shell Alexia,... 


Doanh thu thuần của Shell Việt Nam có xu hướng tăng trưởng khá ổn định với mức tăng khoảng 16% mỗi năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt gần 2170 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với xu hướng của doanh thu thuần, tình hình lợi nhuận sau thuế của công ty có sự dao động nhẹ, quanh mức lợi nhuận 250-270 tỷ đồng mỗi năm.



Doanh thu thuần của một số thương hiệu dầu nhớt tại Việt Nam


Motul (phân phối bởi Vilube)

Motul được thành lập hơn 150 năm trước tại NewYork vào năm 1853 với ngành kinh doanh chủ yếu bằng việc sản xuất dầu lấy từ mỡ cá voi dùng cho đèn lồng. Sau đó, vào những năm đầu thế kỷ 20, công ty mới bắt đầu sản xuất ra các sản phẩm dầu máy đầu tiên.


Bị hấp dẫn bởi 1 thị trường mới và đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á, Motul quyết định đầu tư vào Việt Nam, một thị trường mới và có quy mô lớn với hơn 80 triệu dân. Vào 12/2006, Motul đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Công ty CP Dầu nhớt và Hóa chất Việt Nam, được biết đến với tên gọi Vilube, để trở thành nhà phân phối chính cho Motul tại thị trường Việt Nam.


Bức tranh kinh doanh của Vilube có sự bức phá trong năm 2022 về cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận của việc phân phối và bán các sản phẩm Motul trong năm 2022 gấp gần 2 lần so với hai năm trước đó, đạt hơn 2000 tỷ đồng về doanh thu thuần với lợi nhuận sau thuế hơn 210 tỷ đồng.


Caltex

Công Ty TNHH Dầu Nhờn Chevron Việt nam (CLVL) là một công ty trực thuộc tập đoàn Chevron với nhiệm vụ sản xuất, tiếp thị, phân phối  dầu nhờn và các sản phẩm đặc biệt mang nhãn hiệu Caltex như Havoline, Delo,... cho chủ xe cá nhân, công nghiệp và hàng hải thông qua 12,000 cửa hàng bán lẻ khắp đất nước Việt nam.


Trong giai đoạn 2020-2022, Caltex đã chứng kiến một xu hướng tăng trưởng mạnh trong doanh thu thuần. Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù có sự giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng con số này nhanh chóng hồi phục trở lại và cao hơn mức lợi nhuận năm 2020, đạt khoảng 330 tỷ đồng.



Lợi nhuận sau thuế của một số thương hiệu dầu nhớt tại Việt Nam


Idemitsu

Idemitsu Kosan là công ty xăng dầu Nhật Bản, chuyên tinh chế và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ. Idemitsu sở hữu 12 tàu chở dầu phục vụ cho vận chuyển quốc tế với hơn 4,100 trạm dịch vụ.


Năm 2013, Idemitsu xây dựng nhà máy dầu nhờn tại Hải Phòng và năm 2017 hợp tác với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Thương hiệu sản xuất và đáp ứng được những tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng cho hầu hết các nhà sản xuất xe hơi và xe máy đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Yamaha, Isuzu, Hino, Mitsubishi, Mazda, Nissan,…


Doanh thu thuần của Idemitsu có xu hướng phát triển khá ổn định trong hai năm 2020 và 2021, sau đó tăng mạnh vào năm 2022, đạt gần 1700 tỷ đồng. Trong khi đó, khác với doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế có xu hướng dao động và giảm nhẹ trong 2022, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, đạt hơn 170 tỷ đồng.


Total

Thành lập vào năm 1920, Total là công ty dầu khí đa quốc gia có bề dày lịch sử gần 100 năm với hoạt động trải rộng ở 130 nước. Năm 1990, Total tham gia vào thị trường Việt Nam, đến năm 1999, thương hiệu xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy dầu nhớt Total Energies tại khu Công Nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai). Cho đến nay, sản phẩm Total luôn được khách hàng ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.


Xu hướng tăng trưởng về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của dầu nhớt Total có xu hướng trái ngược. Trong khi doanh thu thuần của Total có sự tăng trưởng liên tục trong giai đoạn ba năm, đạt gần 1300 tỷ đồng năm 2022 thì lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có xu hướng giảm 10 tỷ mỗi năm.


Mobil (phân phối bởi Nam Giang)

MOBIL là một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ, với 150 kinh nghiệm. Đây cũng là tập đoàn dầu khí lớn thứ nhì thế giới. Tại Việt Nam, thương hiệu luôn thuộc TOP dầu nhớt bán chạy trong suốt 5 năm liền từ khi quay trở lại năm 2016 cho đến nay.


Các sản phẩm của Mobil được nhập khẩu 100% về Việt Nam và được phân phối một số công ty chính như: công ty TNHH đầu tư và phát triển PAN, thương mại và dịch vụ XÍCH ĐẠO, thương mại và dịch vụ Nam Giang,... Trong đó doanh thu và lợi nhuận lớn nhất của các sản phẩm Mobil được phân phối và nhập khẩu từ Brenntag bởi công ty Nam Giang.


Công ty Nam Giang ghi nhận sự phát triển ổn định về doanh thu thuần, tăng 28% doanh số qua từng năm. Trong khi đó, khác với sự tăng trưởng ổn định của doanh thu, lợi nhuận sau thuế có sự giảm nhẹ vào năm 2021. Sau đó, công ty nhanh chóng tăng trưởng mạnh trở lại vào năm 2022, gấp gần 3 lần lợi nhuận năm 2020.


Trong bối cảnh tăng trưởng đáng kể của phương tiện giao thông tại Việt Nam, ngành dầu nhớt đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Với mức tăng trưởng ấn tượng của ô tô và xe tải là khoảng 15% và 10% mỗi năm, cùng với sự gia tăng ổn định của số lượng xe máy mới đăng ký hàng năm, tiềm năng phát triển của các đại lý nhớt ô tô ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Do đó, hiện nay, ngoài các dòng nhớt nhập khẩu lâu đời, thị trường này còn chứng kiến sự ra đời của một số các dòng nhớt nội địa cũng có tiềm năng phát triển mạnh (như GrandOil, Petrolimex,..) và đang được rất nhiều đại lý dầu nhớt ô tô tại Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội,… quan tâm.


Nguồn: Báo cáo thị trường dầu nhớt tại Việt Nam của Vietdata năm 2022



Comments


bottom of page