Qua 20 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã không ngừng phát triển lớn mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu; khẳng định được vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần đưa các KCN của Tỉnh đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Giang nói chung.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang- Thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển
Từ một Tỉnh khó khăn, hạn chế trong thu hút đầu tư, đến nay Bắc Giang đã và đang trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển vượt bậc của các KCN tỉnh Bắc Giang được minh chứng bằng kết quả thu hút đầu tư nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, như: Tập đoàn Foxconn, JA Solar, Luxshare, Longi... và dự án sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Hana Micron Vina, là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên đã đi vào hoạt động ở khu vực phía Bắc.
Qua đó, đã khẳng định được những đóng góp quan trọng của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang trong việc triển khai thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và phát triển các KCN, hàng năm Ban Quản lý luôn được UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt, nhiều năm qua, Ban Quản lý đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, đó là Cờ thi đua và Bằng khen của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng vì những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự nghiệp phát triển các KCN của Tỉnh. Đây là phần thưởng vô cùng quý giá, có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần tập thể Ban Quản lý và mỗi công chức, viên chức, người lao động tiếp tục quyết tâm phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang.
Những dấu ấn nổi bật 20 năm phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển các KCN
KCN Đình Trám, huyện Việt Yên là KCN đầu tiên của Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập vào năm 2003, với diện tích 98 ha, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Sau 20 năm phát triển, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 20 KCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 4.600 ha, trong đó có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án đầu tư với tổng diện tích 1.970 ha. Đến nay, 100% KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 77% diện dích đất cho thuê.
Với mục tiêu phát triển kinh tế của Tỉnh là đưa Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm chỉ đạo UBND Tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có 29 KCN, với diện tích đất khoảng 7.000 ha.
Khởi sắc trong thu hút đầu tư
Xác định vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 09/10/2018 về chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng và ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030; tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, với quan điểm: Nhất quán, kiên trì, kiên định quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực về thu hút đầu tư, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước.
Hiện nay, trong các KCN có 489 dự án còn hiệu lực, trong đó: có 374 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đạt 9,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký; 115 dự án DDI, vốn đăng ký 18.200 tỷ đồng và vốn thực hiện ước đạt 11.700 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký.
Các dự án FDI trong các KCN của Tỉnh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc (166 dự án), Hàn Quốc (143 dự án), Singapore (21 dự án), Nhật Bản (19 dự án)...
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và phát triển
Cùng với sự phát triển của các KCN, số dự án đầu tư được chấp thuận đầu tư vào các KCN Tỉnh và số doanh nghiệp đi vào hoạt động trong các KCN Tỉnh tăng lên mạnh mẽ, đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN qua từng năm có sự tăng trưởng đáng kể, cụ thể:
Năm 2005 có 10 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN Tỉnh với doanh thu đạt 65 tỷ đồng, bằng 11,2% tỷ trọng công nghiệp của toàn Tỉnh, giải quyết việc làm cho 1.076 lao động.
Đến năm 2010 các KCN có 77 doanh nghiệp hoạt động với doanh thu đạt 18.400 tỷ đồng, chiếm 27,8% so với giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh; thuế phát sinh phải nộp 128 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 161 triệu USD, giải quyết việc làm cho 19.600 lao động.
Năm 2015 các KCN có 182 doanh nghiệp hoạt động (tăng 2,4 lần so với năm 2010), doanh thu đạt 171.400 tỷ đồng (chiếm 60% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp là 1.865 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 7.000 triệu USD, giải quyết việc làm cho 47.218 lao động.
Năm 2020, các KCN có 351 doanh nghiệp hoạt động (tăng 1,9 lần so với năm 2015), doanh thu đạt 374.000 tỷ đồng (chiếm 80% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp 3.875 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 15.700 triệu USD, giải quyết việc làm cho 163.700 lao động.
Năm 2023, có 451 doanh nghiệp hoạt động (tăng 1,3 lần so với năm 2020), doanh thu đạt 515.000 tỷ đồng (chiếm 82% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp 4.500 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 20.500 triệu USD, giải quyết việc làm cho 196.000 lao động.
Giai đoạn 2003-2013, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 201 nghìn tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 3.773 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 10.370 triệu USD.
Giai đoạn 2014-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 3.183 nghìn tỷ đồng (gấp 15,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), tổng thuế phát sinh phải nộp đạt 31.312 tỷ đồng (gấp 155,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), giá trị xuất khẩu đạt 132.200 triệu USD (gấp 12,7 lần so với giai đoạn 2003-2013).
Cơ cấu kinh tế của Tỉnh có sự chuyển dịch đáng kể theo thời gian, đặc biệt công nghiệp ngày một chiếm tỷ lệ cao, xu hướng này tiếp diễn ra mạnh ở các giai đoạn tiếp theo cụ thể: Năm 2005, công nghiệp chiếm 7,40%; năm 2010 công nghiệp tăng lên 28,27%; năm 2015 công nghiệp chiếm 33,94%; năm 2020 công nghiệp chiếm 47,00%; năm 2023 dự báo công nghiệp chiếm 57,50%.
Nhìn chung cơ cấu công nghiệp của Tỉnh tăng mạnh (năm 2023 gấp hơn 7,7 lần năm 2005), phần lớn nhờ vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (năm 2015 chiếm khoảng 60%, năm 2023 dự báo chiếm 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh).
Phấn đấu đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN
Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu mỗi năm thu hút khoảng 30 dự án đầu tư trong vào ngoài nước, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho một số dự án. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh bổ sung đạt trên 1 tỷ USD.
Giai đoạn 2023-2025, tập trung xây dựng và thu hút đầu tư lấp đầy các KCN hiện có; giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN đến năm 2025 đạt 600.000 tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 6.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 230.000 lao động.
Đến năm 2030 có 29 KCN được thành lập, trong đó có 23 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 70%; giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp đạt 1.000.000 tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 10.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động.
(Theo Kinh tế và Dự báo)
Comments