Với xu thế xã hội ngày càng phát triển, thời trang là một trong những mặt hàng luôn “hot” và mang lại doanh thu lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thời trang là còn là ngành hàng có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Vào năm 2021 và 2022, toàn bộ ngành thời trang chứng kiến mức tăng trưởng toàn cầu lần lượt là 22% và 13%, tạo tiền đề cho năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn.
Với sự đổ bộ “ồ ạt” của loạt thương hiệu thời trang quốc tế, làm cho thị trường thời trang tại Việt Nam trở nên hấp dẫn, sôi động nhưng cũng không kém phần cạnh tranh. Một vài năm trở lại đây là thời điểm mà ngành thời trang có sự cạnh tranh gay gắt nhất bởi sự thâm nhập của hàng loạt thương hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân như Chanel, Burberry, Giovanni, Versace, Mango, Zara, H&M, Uniqlo,...
Bên cạnh những thương hiệu quốc tế đình đám, thị trường trong nước vẫn sở hữu rất nhiều các thương hiệu thời trang Việt Nam nổi bật như IVY Moda, Blue Exchange, Canifa, Juno, Hnoss, YaMe, NEM, HOANG PHUC International, Elise, OWEN, Viettien… Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành thời trang nói riêng.
Trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, sự gián đoạn trong ngành thời trang bắt đầu khi người dân được yêu cầu ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các cửa hàng bán lẻ, chợ, trung tâm mua sắm đều đóng cửa, điều này dẫn đến mua sắm trực tiếp bị hạn chế.
Ngoài ra, chính quyền cũng chỉ cho phép mua sắm trực tuyến các mặt hàng thiết yếu, hạn chế bán các mặt hàng không cần thiết, bao gồm cả thời trang trong một giai đoạn nhất định. Do đó, doanh số bán hàng thời trang giảm và hàng tồn kho được giữ lại trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời việc vận chuyển và tự do toàn cầu bị hạn chế cũng gây nguy hiểm cho hoạt động chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nội nhìn nhận lại kế hoạch tăng trưởng thương hiệu thời trang và có thể nhanh chóng gia tăng thị phần trong nước, cân bằng lại cuộc chơi.
Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng dần được khôi phục và có những chuyển biến tốt, đặc biệt là đối với các sản phẩm thời trang. Trong thời gian qua, sức mua tại các cửa hàng, hệ thống của nhiều thương hiệu thời trang trong nước dần được phục hồi và ổn định.
Cơ hội thứ hai để các hãng thời trang nội địa phát triển trên “sân nhà” so với các nhãn hàng thời trang nước ngoài là khi các đơn hàng thời trang nội địa từ Trung Quốc đang bị ùn ứ do nhiều thành phố ở Trung Quốc tạm phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Trên thực tế, thời gian qua, xu hướng đặt mua sản phẩm thời trang nước ngoài khá thịnh hành, nhất là hàng hóa nội địa Trung Quốc tạo ra sức cạnh tranh lớn cả về mẫu mã lẫn giá cả với nhiều thương hiệu thời trang trong nước.
Song song đó, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) trở thành một xu hướng mới nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đã tạo cơ hội cho các thương hiệu trong nước ra đời và phát triển.
Nếu chỉ nhìn sự “du nhập” của các thương hiệu thời trang quốc tế “nhộn nhịp” tại các trung tâm lớn và sàn thương mại điện tử thì thương hiệu nội địa có vẻ như đang bị lấn lướt. Trái lại, câu chuyện đánh giá mức độ phát triển của một thương hiệu Việt không chỉ nằm ở quy mô và độ phủ, mà đó còn nằm ở giá trị của thương hiệu. Khi đặt sản phẩm của thương hiệu ngoại và những thương hiệu thời trang lớn của Việt Nam, có thể thấy chất lượng sản phẩm không hề thua kém.
Việt Tiến
Việt Tiến là thương hiệu thời trang Việt, có dải sản phẩm ở nhiều phân khúc như: Sanciaro, Manhattan, TT-up (đồ nữ) dành cho người có thu nhập cao. Việt Tiến, Viettien Smart Casual dành cho người có thu nhập trung bình khá và Việt Long nhắm đến phân khúc thu nhập trung bình thấp. Với tiềm lực vững chắc từ tổng công ty may cùng tên cũng như nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển thương hiệu, thời trang nam Việt Tiến đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang nổi bật của nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang diễn ra phức tạp. Đặc biệt là tại khu vực thành phố HCM và các tỉnh phía Nam. Điều này đã làm cho tình hình sản xuất và kinh doanh của Tổng công ty bị ảnh hưởng: Nguồn cũng nguyên liệu bị gián đoạn, đơn hàng giảm mạnh, toàn bộ hệ thống cửa hàng, kênh phân phối phải đóng cửa,...
Theo đó, kết quả kinh doanh của Tổng công ty CP may Việt Tiến cũng giảm đáng kể từ năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần của thương hiệu này giảm dần từ 9.7 nghìn tỷ đồng vào năm 2018 xuống còn hơn 6 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng liên tục giảm mạnh và chỉ đạt 83.46 tỷ đồng vào năm 2021 (giảm 45% so với năm 2020).
Canifa
Thương hiệu thời trang Canifa ra đời vào năm 2001. Canifa là một trong các thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Việt Nam với các sản phẩm dành cho couple và gia đình. Sau hơn 20 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, hiện nay Canifa này đã sở hữu hệ thống với khoảng 110 cửa hàng trên toàn quốc.
Ngoài ra, với việc sở hữu kênh bán hàng online qua website và app cũng như đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích mua sắm online đã giúp cho thương hiệu này cải thiện được kết quả kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Năm 2021, doanh thu của thương hiệu nội địa này đã tăng trưởng trở lại và đạt mức 1.2 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tuy vẫn ở mức âm nhưng cũng được cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2020.
Elise
Elise là một cái tên đình đám trong làng thương hiệu thời trang Việt Nam với 121 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Elise Fashion ra đời năm 2011, là thương hiệu thời trang hướng đến nhóm khách hàng chính là nữ giới trong độ tuổi từ 20 - 45.
Theo số liệu từ báo cáo, sau khi doanh thu cán mốc 1 nghìn tỷ đồng vào năm 2019 thì doanh thu của thương hiệu đình đám này đã sụt giảm đáng kể. Theo đó, doanh thu năm 2020 chỉ ở mức gần 730 tỷ đồng và đến năm 2021 doanh thu của ELise chỉ còn hơn 640 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu thời trang này cũng giảm mạnh bất ngờ. Từ gần 195 tỷ đồng vào năm 2019, giảm xuống còn hơn 6 tỷ đồng vào năm 2020 và thậm chí là báo lỗ vào năm 2021.
HOANG PHUC International
Thương hiệu thời trang HOANG PHUC International có mặt trên thị trường từ năm 1989, tuy nhiên chủ chuỗi bán lẻ thời trang này - CTCP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế chỉ mới thành lập vào năm 2017. Hiện HOANG PHUC International đang là ngôi nhà chung của những thương hiệu đình đám thế giới: Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple được bán tại hệ thống gần 50 cửa hàng rộng khắp toàn quốc.
Sau khi được thành lập được một năm thì doanh thu thuần của chuỗi cửa hàng thời trang này đã đạt gần 84 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, con số này đã lên tới 495 tỷ đồng. Song đây vẫn chưa phải là mức doanh thu cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được.
Tuy doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp nội địa này mang về nhỏ giọt. Thậm chí năm 2020 doanh nghiệp này còn báo lỗ gần 6 tỷ đồng, trước khi lợi nhuận dương trở lại mức 12 tỷ đồng năm 2021.
NEM
NEM Fashion được biết đến là một trong những thương hiệu thời trang nữ nổi tiếng tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2002, với định hướng ngay từ đầu là hướng đến phân khúc cao cấp.
Ở thời điểm đó, NEM Fashion là hãng thời trang chiếm lĩnh thị trường thời trang công sở Việt Nam và lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ đây, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước cũng như ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 đã khiến cho tình hình kinh doanh của hãng thời trang này trở nên kém sắc.
Cụ thể, sau khi doanh thu lập đỉnh gần 895 tỷ đồng vào năm 2019 thì bắt đầu giảm dần cho đến năm 2021. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế thì âm liên tục và tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp này lỗ gần 78 tỷ đồng.
Seedcom Fashion Group
Seedcom Fashion Group (SFG) quản lý các thương hiệu thời trang như Juno, Hnoss và mô hình cửa hàng thời trang mới WeStyle. Tính đến hiện tại SFG đang sở hữu 27 showroom mang thương hiệu Hnoss và 68 showroom mang thương hiệu Juno.
Kể từ đại dịch Covid-19 xuất hiện, doanh thu của SFG ghi nhận đà rơi liên tục. Từ khoảng 600 tỷ đồng vào năm 2018, giảm xuống còn hơn 370 tỷ đồng vào năm 2021 (giảm gần 20% so với năm 2020). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của SFG cũng có sự thay đổi đáng kể. Sau 2 năm liên tục báo lỗ thì đến năm 2020 doanh nghiệp này cũng lãi gần 8 tỷ đồng, song sau đó doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm vào năm 2021.
IVY Moda
IVY moda là thương hiệu thời trang Việt Nam được thành lập vào năm 2005. Ivy Moda được coi là dòng thời trang cao cấp hàng đầu của người Việt với hệ thống hơn 84 showrooms trên toàn quốc cùng sự đa dạng về mẫu mã và các dòng sản phẩm như: dòng váy dạ hội cao cấp IVY Senora, dòng phụ kiện cao cấp IVY Accessorize, dòng sản phẩm dạo phố IVY You, dòng sản phẩm đồ lót IVY Secret… cùng các trang phục công sở với thiết kế độc đáo, đẹp mắt và bắt kịp xu hướng.
Trong những năm gần đây, doanh thu của thương nội địa này gần như là đi ngang mức 350 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu của thương hiệu đình đám này đạt mức vài trăm tỷ mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế mang về khả “ít ỏi” so với các đối thủ khác trên thị trường.
OWEN
Owen một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu tại nước ta, hãng thời trang nổi tiếng này thuộc công ty cổ phần thời trang Kowil Việt Nam. Sau 10 năm không ngừng phát triển và cải tiến, Owen đánh dấu sự thành công vang dội với hơn 1000 đại lý, showroom và 100 cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh và thành phố lớn, trở thành hãng thời trang nam có độ phủ lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây chuỗi thương hiệu thời trang này ghi nhận đà sụt giảm liên tục của doanh thu. Từ hơn 500 tỷ đồng năm 2017, rơi về 440 tỷ đồng năm 2018 và giảm về còn 215 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021.
Blue Exchange
Blue Exchange là một trong những hãng thời trang lâu đời của Việt Nam. Xuất hiện từ năm 2001, với mạng lưới cửa hàng khủng, Blue Exchange có hơn 300 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Sở hữu một lượng khách hàng lớn, trung thành, Blue Exchange chiếm thị phần không hề nhỏ ở Việt Nam.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh thu của hãng thời trang này gần như đi ngang ở mức 250 tỷ đồng và có dấu hiệu giảm dần. Đến năm 2021, doanh thu của Blue Exchange chỉ còn 120 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2020. Mặc dù vậy, cho đến hết năm 2021, thương hiệu này đã mang về hơn 25 tỷ đồng - mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong giai đoạn 2017 - 2021.
YaMe
Đây là hệ thống nổi bật trong số các thương hiệu thời trang giá rẻ ở Việt Nam. Các sản phẩm thời trang tại YaMe rất đa dạng, có thể phục vụ nhiều nhu cầu trang phục ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Hiện tại, YaMe có hơn 36 chi nhánh trên khắp các tỉnh Miền Tây Nam - Đông Nam - Tây Nguyên - Tp.HCM và đang tiếp tục phát triển không ngừng.
Khép lại năm 2021 với đầy những biến động, doanh thu của thương hiệu này đạt trên 80 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2020. Sau giai đoạn tăng trưởng dương về mức lợi nhuận sau thuế thì đến năm 2020, lợi nhuận của YaMe đã bắt đầu giảm và thậm chí là ở mức âm.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng dần được khôi phục, sức mua tại các cửa hàng, hệ thống của nhiều thương hiệu thời trang trong nước dần được phục hồi và ổn định. Đây là một trong những cơ hội để các thương hiệu thời trang Việt Nam lấy lại sân nhà trước làn sóng “du nhập” của thương hiệu thời trang nước ngoài. Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức khi chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào từ các nước bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm giảm,... Đứng trước những áp lực cạnh tranh và những thách thức đối với ngành, các nhãn hàng thời trang trong nước phải nỗ lực đổi mới chất lượng, kiểu dáng, phong cách cũng như thay đổi chiến lược thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới, thực hiện các hoạt động marketing để bắt kịp xu thế.
Nguồn: Báo cáo ngành Thời trang 2022 của Vietdata
Comments