Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, do đó đã đem đến nhiều cơ hội cho ngành sản xuất lốp xe phát triển. Hiện tại, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ sản xuất lốp xe trong vài thập kỷ qua. Trước kia, lốp xe được chế tạo bằng các phương pháp cổ điển như đúc thủ công và lưu hóa. Nhưng hiện nay, ngành công nghiệp này đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như thiết kế hỗ trợ bởi CAD, sản xuất hỗ trợ bởi CAM và công nghệ in 3D.
Dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 2,14 triệu tấn cao su với tổng giá trị là 2,89 tỷ USD. So với năm 2022, cả lượng và giá trị xuất khẩu đều giảm, lần lượt là 0,1% và 12,8%. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023 giảm mạnh, chỉ còn bình quân 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá cao su đã bắt đầu tăng trở lại vào những tháng cuối năm, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Điểm đáng chú ý là Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Theo Bộ Công Thương dự báo rằng tiêu thụ ô tô ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là khi các Hiệp định Thương mại Tự do Song phương (FTA) bắt đầu có hiệu lực. Dự kiến vào năm 2025, nhu cầu về ô tô ở Việt Nam sẽ đạt từ 800.000 đến 900.000 xe và tăng lên từ 1,5 đến 1,8 triệu chiếc vào năm 2030. Việc tăng tỷ lệ sản xuất và lắp ráp xe trong nước sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng cho thị trường săm lốp nội địa. Do đó, dự kiến doanh số lốp xe ô tô, đặc biệt là loại lốp Radial (sợi mành thép), sẽ tăng trưởng đáng kể trong năm nay và những năm tiếp theo.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, lốp xe là sản phẩm cao su xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu lốp xe ước tính đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2021 và chiếm 52,5% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su. Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, với nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là lốp ô tô con và lốp xe tải.
Mặc dù Việt Nam có giá trị xuất khẩu lớn về lốp xe, nhưng vẫn cần phải nhập khẩu nhiều loại lốp mà nước ta chưa thể sản xuất hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu. Thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan, nơi có các nhà máy sản xuất lốp xe của các thương hiệu lớn như Brigdestone, Michelin, Goodyear... Việc nhập khẩu từ Thái Lan giúp giảm chi phí vận chuyển và giá thành sản phẩm.
Hiện nay, lốp xe của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 140 quốc gia. Mỹ là thị trường lớn nhất với giá trị xuất khẩu ước tính đạt 650 triệu USD, tăng 37% so với năm 2021. Các thị trường xuất khẩu khác bao gồm Brazil, Đức và một số quốc gia khác.
Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất của ngành sản xuất lốp, săm cao su đã giảm 4,11% trong tháng đầu năm 2024 với chỉ số tồn kho tăng lên 185,03%.
Theo một báo cáo thị trường, Ngành sản xuất lốp xe tại Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Dự kiến, ngành này sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 8,4% trong giai đoạn 2020-2025. Còn theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo thì nhu cầu tiêu thụ lốp xe sẽ tăng trưởng đều đặn, với mức tăng trưởng kép dự kiến là 4,11%/năm trong giai đoạn 2024-2029.
Cạnh tranh trong ngành sản xuất lốp xe tại Việt Nam đang ngày càng trở nên gay gắt hơn do sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như Bridgestone Việt Nam (của Nhật Bản) và Kumho Tire (của Hàn Quốc). Trong tình hình này, những doanh nghiệp sản xuất lốp xe hàng đầu của Việt Nam như Công ty Cao su Đà Nẵng và Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Kumho
Kumho Việt Nam, một thành viên của tập đoàn Kumho Asiana - tập đoàn lớn thứ bảy tại Hàn Quốc với gần 40 công ty con, đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, tập đoàn này đã có tới 7 công ty thành viên đang hoạt động tại Việt Nam. Nhà máy sản xuất lốp xe Kumho tại Bình Dương đã được khánh thành vào tháng 3 năm 2008 với tổng vốn đầu tư là 200 triệu USD. Nhà máy hiện có năng suất sản xuất là 3,15 triệu chiếc lốp mỗi năm.
Sản phẩm lốp Kumho được phân phối rộng rãi tại 160 quốc gia trên toàn thế giới. 90% sản lượng của Kumho Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, Australia, các nước Nam và Trung Mỹ, Đông Nam Á... Đáng chú ý, Kumho Việt Nam chiếm tới 40% tổng sản lượng lốp ô tô xuất khẩu của Việt Nam. Kumho Việt Nam không ngừng cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm lốp xe cao cấp, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt tại Việt Nam và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Kumho Việt Nam ghi nhận nhiều sự biến động qua các năm. Cụ thế, doanh thu thuần của Kumho Việt Nam đã tăng nhẹ vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng đáng kể vào năm 2022 với mức tăng hơn 60% so với ngoái, vượt qua mốc 5 nghìn tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, Kumho Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm vào năm 2021 rồi sau đó lấy lại đà phục hồi khi lợi nhuận ròng đạt hơn 200 tỷ đồng vào năm 2022, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
DRC
Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng, hay còn được biết đến với tên quốc tế là DRC, đã có hơn 47 năm phát triển không ngừng từ khi bắt đầu như một nhà máy đắp vỏ xe cho quân đội Mỹ. DRC hiện là nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam về lốp ô tô tải và ô tô khách, cũng như là nhà sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về lốp ô tô đặc chủng và chuyên dùng. DRC đã mở rộng thị trường toàn cầu và hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Brazil.
Tại Việt Nam, DRC đã chiếm lĩnh thị trường với hơn 2.000 đại lý cấp 1 và cấp 2 tại 63 tỉnh thành. Các nhà phân phối của DRC có nhiều kinh nghiệm và hợp tác lâu dài với công ty vì mục tiêu phát triển chung. Nhiều khách hàng lớn đã tin tưởng và sử dụng sản phẩm của DRC, bao gồm Công ty Ôtô Trường Hải, Công ty ô tô Huyndai, Công ty ô tô Xuân Kiên và nhiều công ty vận tải, xe khách khác trên toàn quốc.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, tình hình kinh doanh của DRC cho thấy sự tích cực khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty này đều giữ được đà tăng trưởng ổn định qua các năm. Năm 2022, doanh thu thuần của DRC đạt được gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2020. Cùng với đó, lợi nhuận ròng của DRC cũng khép lại năm 2022 với mức tăng nhẹ gần 10% so với năm ngoái, đạt hơn 300 tỷ đồng.
Bridgestone
Bridgestone chuyên sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Nhật Bản, đã được thành lập bởi ông Shojiro Ishibashi vào ngày 01/03/1931. Tại Việt Nam, Bridgestone cung cấp một loạt các sản phẩm lốp chất lượng cao, bao gồm các dòng lốp xe du lịch như Turanza, Alenza, Dueler, Ecopia và Potenza; lốp xe tải và xe buýt như M840, R150, R118; cũng như một số dòng lốp dành cho xe công nghiệp, mô tô thể thao và các lốp đặc chủng sử dụng trong các cảng, hầm mỏ.
Lốp Bridgestone sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và cả thị trường trong nước. Với công nghệ tiên tiến và không ngừng cải tiến, Bridgestone cam kết mang đến sự đa dạng trong các sản phẩm và dịch vụ lốp, với chất lượng vượt trội, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Bridgestone Việt Nam đã khép lại năm 2022 với tình hình kinh doanh được cải thiện cả về mặt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của mình. Cụ thế, doanh thu thuần của công ty này vào năm 2022 đã vượt qua được mốc 3 nghìn tỷ đồng trong khi các năm trước đó chỉ quanh quẩn ở mức hơn 2 nghìn tỷ đồng. Không những vậy, lợi nhuận sau thuế của Bridgestone Việt Nam cũng tăng trưởng lên gần 200 tỷ đồng vào năm 2022, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Michelin
Michelin, một thương hiệu lốp xe nổi tiếng toàn cầu, được thành lập ở Pháp vào năm 1889. Với hơn một thế kỷ phát triển và đổi mới, Michelin đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường lốp xe quốc tế. Các sản phẩm của Michelin, từ những mẫu lốp xe đầu tiên cho đến những dòng sản phẩm cao cấp như Michelin Pilot Sport 4S và Michelin Primacy 4, luôn tập trung vào chất lượng và an toàn cho người dùng.
Lốp Michelin nổi bật với khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu cùng một lúc, bao gồm an toàn, độ bền, hiệu suất tiết kiệm nhiên liệu và hiệu suất toàn diện của lốp xe. Michelin không chỉ sở hữu thương hiệu chính của mình mà còn sở hữu các công ty lốp xe như Kléber, Uniroyal-Goodrich và các thương hiệu khác như SASCAR, Bookatable, Camso. Michelin hiện đang hoạt động tại 175 quốc gia với đội ngũ nhân viên lên đến 132.200 người và 67 nhà máy sản xuất lốp xe. Trong năm 2022, các nhà máy này đã sản xuất tổng cộng khoảng 167 triệu chiếc lốp.
Năm 2022 có lẽ là một năm đầy thành công của Michelin Việt Nam khi không chỉ doanh thu thuần của công ty tăng trưởng mà lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Michelin Việt Nam trong năm 2022 đã đem về mức doanh thu thuần hơn 2 nghìn tỷ đồng, con số này đã tăng gần 40% so với năm 2021. Điểm đáng chú ý là lợi nhuận ròng của Michelin Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng khi vào năm 2020 và 2021, lợi nhuận ròng của công ty này chỉ giữ ở mức dưới 50 tỷ đồng thì đến năm 2022, con số này đã bức tốc lên gần 300 tỷ đồng, tăng hơn 500% so với năm ngoái.
Yokohama
Yokohama, một công ty sản xuất lốp ô tô, ra đời vào năm 1917 tại Nhật Bản. Trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất lốp xe hơi và xe đạp, công ty này ban đầu được biết đến với tên gọi Yokohama Cable Manufacturing và chuyên sản xuất các sản phẩm cao su như dây đai truyền động và các sản phẩm kỹ thuật khác.
Từ năm 1997, Yokohama Việt Nam đã được thành lập và trở thành một phần của tập đoàn YOKOHAMA RUBBER. Lốp ô tô Yokohama được sản xuất tại nhiều nhà máy trên toàn thế giới, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Mỹ và châu Âu. Yokohama luôn lựa chọn nhà máy sản xuất phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của Yokohama Việt Nam tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khi năm 2022 ghi nhận mức doanh thu thuần đạt hơn 1 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Yokohama Việt Nam lại ghi nhận dấu hiệu tiêu cực khi sụt giảm xuống còn hơn 90 tỷ đồng vào năm 2022, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.
SRC
Công Ty Cổ Phần Cao su Sao Vàng, được thành lập vào ngày 23 tháng 5 năm 1960 tại Hà Nội, là một trong ba công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất săm lốp tại Việt Nam. SRC chiếm lĩnh thị trường Miền Bắc, trong khi CSM nổi tiếng ở Miền Nam và DRC tập trung ở miền Trung.
SRC sản xuất và cung cấp các loại lốp ô tô tải thương mại, bao gồm ô tô tải nhẹ, ô tô tải trung và ô tô tải nặng. Các sản phẩm của SRC Sao Vàng có thể bao gồm lốp radial, lốp track và lốp thường, với nhiều kích cỡ và mẫu mã khác nhau. SRC có mạng lưới phân phối rộng khắp trong và ngoài nước, với các đại lý và cửa hàng lốp xe trên khắp cả nước. Đây là một công ty có uy tín và chất lượng sản phẩm đáng tin cậy trong ngành công nghiệp lốp xe.
Tình hình kinh doanh của SRC đang cho thấy một viễn cảnh không mấy lạc quan khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty này liên tục sụt giảm qua các năm và chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, doanh thu thuần của SRC đã giảm xuống còn hơn 900 tỷ đồng, con số này đã giảm hơn 30% so với năm 2020. Ngoài ra, lợi nhuận ròng của công ty này vào năm 2022 cũng giảm xuống còn gần 30 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Goodyear
Goodyear, một thương hiệu lốp xe có nguồn gốc từ Mỹ và được thành lập vào năm 1898. Goodyear sản xuất một loạt các loại lốp xe, với mức giá phù hợp cho người tiêu dùng, và cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn khác như Michelin, Pirelli và Bridgestone. Công ty này có khoảng 74.000 nhân viên và hoạt động 57 cơ sở sản xuất tại 23 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Lốp xe của Goodyear được đánh giá cao về độ bền và khả năng thích ứng với các điều kiện đường sá và thời tiết tại Việt Nam.
Doanh thu thuần của Goodyear Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Cụ thể, Goodyear Việt Nam kết thúc năm 2022 với mức tăng trưởng trong doanh thu thuần đạt gần 300 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm 2020. Về mặt lợi nhuận sau thuế, công ty này cũng cho thấy sự tích cực khi ghi nhận khoản lợi nhuận ròng hơn 8 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Hankook
Hankook Tire, một công ty có trụ sở tại Séoul, Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1941 và đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất lốp hàng đầu thế giới. Công ty không ngừng nghiên cứu và phát triển để nâng cao hiệu suất và an toàn của sản phẩm của mình, cho ra đời nhiều sản phẩm tiên tiến như lốp xe chống ồn và lốp xe có độ ma sát thấp.
Lốp ô tô Hankook được sản xuất tại các nhà máy trên toàn cầu, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Hungary và Mỹ. Các nhà máy này được trang bị các thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo rằng mỗi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn an toàn và hiệu suất cao nhất cho người dùng. Đây là một biểu hiện của cam kết không ngừng của Hankook Tire đối với chất lượng và sự đổi mới.
Doanh thu thuần của Hankook Việt Nam vào năm 2022 đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Về lợi nhuận sau thuế, sau khoản lỗ vào năm 2020 thì Hankook Việt Nam đã cho thấy sự cải thiện trong tình hình kinh doanh của mình khi ghi nhận mức lợi nhuận ròng dương, đạt hơn 1 tỷ đồng vào năm 2021 và trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty có sự sụt giảm đáng kể quay trở lại mức lợi nhuận ròng âm.
Sự gia tăng của dân số tạo ra nhu cầu lớn hơn về di chuyển và vận chuyển, điều này thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và sản xuất lốp xe tại Việt Nam. Người tiêu dùng ngày càng nhận biết rõ hơn về việc sử dụng lốp xe chất lượng, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành này phát triển. Chính phủ đang tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tiêu chuẩn an toàn và lên kế hoạch tăng sản lượng phương tiện, điều này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành sản xuất lốp xe.
Nguồn: Báo cáo thị trường lốp xe ô tô năm 2022 của Vietdata.
Comentários