5 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương đã hút 525 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 75% so với cùng kỳ 2023. Nâng tổng vốn FDI vào các KCN trên địa bàn lên 29,7 tỷ USD.
Hút vốn FDI vào KCN tăng liên tục
Ban quản lý các KCN Bình Dương (BDIZA) vừa đưa ra số liệu công bố, trong 5 tháng qua, Bình Dương đã cấp mới 58 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 270 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI, 210 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 250 triệu USD. Các KCN trên địa bàn tỉnh cũng có thêm 1.058 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 96,25% kế hoạch năm 2024.
Lũy kế đến nay, các KCN tại Bình Dương đã thu hút được trên 3.130 dự án, trong đó dự án FDI chiếm gần 80% với tổng vốn đã đăng ký 29,7 tỷ USD. 682 dự án đầu tư trong nước với vốn gần 95.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD.
Còn theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 15/5, FDI đăng ký mới và bổ sung tại Bình Dương đạt hơn 341 triệu USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các KCN, đạt hơn 290 triệu USD. Theo đó, tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội.
Các KCN đã cho thuê hơn 285.700 m2 đất công nghiệp và hơn 64.200 m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế đến nay, các KCN đã cho thuê 7.067,49 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%.
Một trong những KCN thế hệ mới và hút đầu tư FDI nổi bật trên địa bàn 5 tháng đầu năm là KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 3). KCN này hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, VSIP 3 có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD. VSIP 3 có quy mô 1.000 ha và ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp chính: điện tử, sản xuất ôtô, chế tạo cơ khí, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.
Mới đây vào ngày 16/5, Tập đoàn trang sức hàng đầu thế giới Pandora cũng đã khởi công nhà máy chế tác nữ trang 150 triệu USD tại KCN này. Trước đó, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em.
BDIZA cho biết kế hoạch năm 2024 sẽ hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các KCN, với tổng số vốn FDI khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD. Thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng. Đồng thời đặt mục tiêu cho thuê và cho thuê lại đất 100-150 ha, thu hút 15.000 lao động, tổng doanh thu 35 - 40 tỷ USD.
Đến năm 2030 xây thêm 10 KCN mới
Hiện BDIZA đang tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển thêm khoảng 10 KCN mới trong giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, dự kiến, đến cuối năm 2025, Bình Dương sẽ thành lập mới 2 KCN, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên. Trong đó, KCN chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800 ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và KCN Tân Lập 1 với diện tích 200 ha, chuyên ngành gỗ.
Và đến cuối năm 2030, dự kiến sẽ triển khai thêm 8 KCN trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.
Theo phương án phát triển hệ thống KCN tỉnh Bình Dương mới nhất, đến năm 2030 tổng số KCN trên địa bàn là 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha.
(Báo đầu tư)
Comentários