Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế có xuất xứ từ Mỹ và thuộc bản quyền của SONY PICTURES. Đối tượng tham gia là các đại diện của Startup. Họ sẽ trình bày dự án của mình và thuyết phục các Sharks (nhà đầu tư, hay còn gọi là cá mập) đầu tư vào Startup. Shark Tank rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và được mua bản quyền sản xuất tại Việt Nam từ năm 2016.
Sau 4 mùa phát sóng, Shark Tank Việt Nam đã chắp cánh thành công cho 112 Startup, với tổng số tiền được cam kết đầu tư lên đến 976 tỷ VND. Trong đó, thương vụ với số tiền đầu tư lớn nhất là 6 triệu USD (138 tỷ VND).
Nhiều Startup đã được đầu tư với số tiền khủng lên đến hàng triệu đô trên Shark Tank Việt Nam. Vậy tình hình kinh doanh của các Startup đó sau khi được rót vốn hiện đang thế nào, hãy cùng Vietdata đón đọc nhé.
Gcalls (2017)
Lĩnh vực: Giải Pháp Tổng Đài Chăm Sóc Khách Hàng & Bán Hàng
Giá trị thương vụ: 1 triệu USD cho 45% cổ phần
Sau khi xuất hiện trên Shark Tank và gọi vốn thành công, đến nay Gcalls vẫn chưa ghi nhận được bất cứ đột phá nào trong kinh doanh. Nợ phải trả của công ty tăng từ khoảng 1.7 tỷ VND năm 2017 lên 2.8 tỷ VND năm 2021. Vốn chủ sở hữu duy trì âm và ngày càng tăng lên (từ -1.2 tỷ VND lên -2.4 tỷ VND). Báo cáo tài chính của Gcalls chưa cho thấy sự xuất hiện của khoản đầu tư 1 triệu USD.
Công ty chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ sau năm 2018, tuy doanh thu tăng đều nhưng lợi nhuận sau thuế không ổn định. Doanh thu thuần của Gcalls tăng từ khoảng 780 triệu đồng năm 2019 lên đến 1.7 tỷ VND. Gcalls có mức tăng trưởng doanh thu rất mạnh mẽ, tuy nhiên mức doanh thu rất thấp và không tương xứng với những gì doanh nghiệp đã trình bày trong chương trình.
Power Centric – Pin MOPO (2018)
Lĩnh vực: Giải pháp lưu trữ năng lượng
Giá trị thương vụ: 1 triệu USD cho 25% cổ phần.
MOPO không công bố báo cáo tài chính trong năm 2020-2021, dữ liệu cho thấy MOPO có sự gia tăng đáng kể trong ghi nợ. Nợ phải trả tăng từ khoảng 3.6 tỷ VND năm 2017 lên 29 tỷ VND trong năm 2019, vay và nợ thuê VCSH cũng tăng từ khoảng 4.7 tỷ VND lên hơn 10.6 tỷ VND. Các khoản vay chủ yếu được công ty đầu tư vào tài sản.
Nhờ hiệu ứng truyền thông của chương trình, MOPO ghi nhận đột phá trong doanh thu năm 2019 (từ chỉ khoảng 141 triệu đồng doanh thu thuần vào năm 2018, đã tăng lên hơn 14 tỷ đồng trong năm 2019). Tuy có lợi nhuận gộp khoảng 50% doanh thu, lợi nhuận sau thuế của MOPO vẫn duy trì âm do các chi phí khác và lãi vay quá cao.
Soya Garden (2018)
Lĩnh vực: Kinh doanh F&B
Giá trị thương vụ: 15 tỷ đồng, trong năm 2019 đã nâng giá trị tổng gói đầu tư lên 100 tỷ đồng.
Soya Garden trở nên bùng nổ sau khi xuất hiện trên chương trình, chỉ sau 1 năm, Soya đạt tốc độ tăng trưởng vũ bão gần 2,000%, từ 2 cửa hàng lên gần 40 cửa hàng tại nhiều tỷnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Tất cả các chỉ số tài chính của Soya đều tăng vọt trong năm 2019. Doanh thu từ chỉ 1.3 tỷ VND năm 2018 đã tăng lên hơn 96 tỷ VND năm 2019. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn luôn duy trì lỗ sau thuế.
Soya bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 từ sau 2019, với doanh thu sụt giảm nghiêm trọng từ 96 tỷ năm 2019, giảm còn khoảng 56 tỷ đồng vào năm 2020 và chỉ khoảng 8.8 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện chuỗi này đã rút lui hàng loạt khỏi thị trường TP Hồ Chí Minh, duy trì 4 điểm bán tại Hà Nội. CEO của công ty cho biết đang tiến hành tái cấu trúc chuỗi cửa hàng theo mô hình ki-ốt. Bước chuyển mình của Soya Garden sang mô hình kinh doanh mới được đánh giá là hướng đi đúng đắn, góp phần giảm được áp lực chi phí thuê mặt bằng vốn đã quá cao, giúp doanh nghiệp này từng bước gượng dậy trong mùa dịch.
Astra (2019)
Lĩnh vực: Mạng xã hội du lịch
Giá trị thương vụ: 1 triệu USD cho 15% cổ phần.
Mạng xã hội Astra xuất hiện trên "Shark Tank Vietnam" vào tháng 9/2019 và gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Shark Phạm Thanh Hưng. Tuy nhiên, "thiên không thời, địa không lợi", thời điểm mạng xã hội này ra mắt bản Open Beta cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Ngành du lịch – lĩnh vực hoạt động mà Astra hướng đến, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Việc giãn cách xã hội liên tục trong suốt 2 năm cũng khiến một ứng dụng về du lịch trở nên thừa thãi.
Vốn chủ sở hữu và tài sản của công ty hầu như không có thay đổi lớn. Tài sản duy trì ở mức khoảng 25-29 tỷ VND, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ gần 25.5 tỷ VND vào năm 2019 còn hơn 23.6 tỷ VND. Doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu mà chỉ có lợi nhuận sau thuế duy trì âm.
Nhiệt mặt trời (2019)
Lĩnh vực: Công nghệ sấy sử dụng năng lượng mặt trời
Giá trị thương vụ: 1 triệu USD chia theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là 5 tỷ đổi lấy 50% cổ phần.
Sau đàm phán thành công trên chương trình, doanh nghiệp chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào trong báo cáo tài chính. Doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận không cao nhưng khá khả quan. Doanh thu từ khoảng 400 triệu VND tăng lên hơn 5.1 tỷ VND. Cả lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng vài trăm triệu, từ năm 2019-2021, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần lượt là 76.5 triệu VND, 557 triệu VND và gần 325 triệu VND.
Perfect (2019)
Lĩnh vực: Kinh doanh hàng gia dụng
Giá trị thương vụ: 1.2 triệu USD dưới dạng cho vay ưu đãi.
Có thể nói Perfect đã duy trì trạng thái kinh doanh khá tốt dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy có vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 3 tỷ VND, doanh nghiệp có nợ phải trả khá cao, tăng từ khoảng 76 tỷ VND năm 2019 lên 86 tỷ VND trong năm 2021.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt đỉnh vào năm 2019, với hơn 110 tỷ VND nhưng giảm chỉ còn khoảng 88 tỷ VND vào năm 2021. Tuy có doanh thu thuần lên đến hàng trăm tỷ, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận cao nhất khoảng 40 triệu VND vào năm 2020.
Luxstay (2019)
Lĩnh vực: Nền tảng chia sẻ và đặt chỗ ở ngắn hạn
Giá trị thương vụ: 6 triệu USD từ 3 nhà đầu tư.
Theo các thông tin được chia sẻ trên báo, tổng số tiền mà Luxstay được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau lên đến 15 triệu USD. Trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp chỉ ghi nhận khoản tăng trong vốn chủ sở hữu giai đoạn 2018-2021 từ 9 tỷ VND lên đến hơn 55 tỷ VND (tương đương khoảng 2 tỷ USD).
Việc tham gia Shark Tank cũng đem lại cho doanh nghiệp hiệu ứng truyền thông khá tốt, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng từ khoảng 2 tỷ VND vào 2018 lên đến hơn 11.5 tỷ VND vào 2019. Tuy có lợi nhuận gộp khá cao, doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ sau thuế với mức lỗ lên đến hơn 39 tỷ vào năm 2019. Trong giai đoạn dịch Covid-19, du lịch đình trệ khiến Luxstay bị ảnh hưởng khá nặng, doanh thu giảm chỉ còn khoảng 2.7 tỷ VND vào năm 2019.
Startup là một cuộc chơi mạo hiểm với số lượng người chiến thắng rất ít ỏi. Việc gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank vừa mang lại nguồn tiền đầu tư, vừa là một công cụ Marketing rất hiệu quả. Tuy nhiên việc thành công chốt deal chưa chắc đã giúp doanh nghiệp “một bước lên mây”, không phải doanh nghiệp nào cũng được rót vốn sau chương trình. Và việc quản lý tài chính sao cho không lãng phí nguồn vốn đó cũng là một bài toán khó.
Nguồn: Vietdata
Comments