top of page

Các website tuyển dụng liệu có bắt kịp đà tăng trưởng của ngành xuất khẩu lao động trong năm 2023?

Xuất khẩu lao động là một trong những ngành nghề phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Với sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhu cầu về lao động ngày càng tăng cao. Việc xuất khẩu lao động đã tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm cho hàng triệu lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài.



Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.645 người, trong đó có 44.669 lao động nữ. Con số này đã giúp đạt hơn 120% kế hoạch năm 2023 của lĩnh vực xuất khẩu lao động. Trước đó, trong năm 2023, mục tiêu đặt ra là đưa 110 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu trong tiếp nhận lao động Việt Nam với 67.550 người. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 50.862 lao động, Hàn Quốc: 5.973 lao động (272 lao động nữ), Trung Quốc: 1.669 lao động và các thị trường khác. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 vừa qua là hơn 21,1 nghìn người.


Cũng từ đó, thị trường website tuyển dụng xuất khẩu lao động ở Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ. Với sự tăng cường hợp tác quốc tế và nhu cầu ngày càng cao của lao động Việt Nam muốn đi làm việc ở nước ngoài, các website tuyển dụng xuất khẩu lao động đã trở thành một kênh thông tin quan trọng và hiệu quả. Các website này cung cấp thông tin về các công việc, điều kiện lao động, lương thưởng và quyền lợi cho người lao động muốn đi xuất khẩu lao động.


Có thể thấy việc phát triển thị trường website tuyển dụng xuất khẩu lao động ở Việt Nam không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tuyển dụng mà còn tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.


Thị trường website tuyển dụng xuất khẩu lao động có thể chi ra thành 4 nhóm chính: Nhóm có doanh thu vượt trội; Nhóm tăng trưởng doanh thu; Nhóm biến động về doanh thu; Nhóm suy giảm tăng trưởng.


Nhóm có doanh thu vượt trội:

Manpower

Manpower có thể được coi là thương hiệu duy nhất trong danh sách các công ty xuất khẩu lao động có doanh thu vượt trội. Trực thuộc Công ty TNHH Manpower Việt Nam và hoạt động tại Việt Nam vào năm 2008. Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực nhân sự được cấp phép hoạt động bởi Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội từ năm 2008.


Manpower xuất khẩu lao động đến nhiều thị trường trên toàn thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Dubai, Qatar, Kuwait, Saudi Arabia, Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, châu Âu. Theo thống kê của Vietdata, trong tháng 9/2023 vừa qua, thương hiệu đạt 25,5 nghìn lượt truy cập trên internet, tăng gần 150% so với tháng trước.


Doanh thu thuần của doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2022 đã liên tục tăng và đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng trong 3 năm liền.



Nhóm tăng trưởng doanh thu:

NIC

NIC thuộc Công ty cổ phần và cung ứng nhân lực toàn cầu NIC, được thành lập từ năm 2002. Thị trường chính mà công ty hướng tới cho lao động xuất khẩu gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Đức. Về phía trang web được đánh giá có sự thiết kế rõ ràng, trực quan và cung cấp đầy đủ thông tin đến đối tượng người dùng. Trong tháng 9/2023 vừa qua, website tuy có 3,1 nghìn người truy cập nhưng đã giảm gần 80% so với tháng trước.


Doanh nghiệp có doanh thu thuần từ năm 2020 đến 2022 dao động quanh con số 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp đạt gần 15 tỷ đồng.


Adecco Vietnam

Adecco Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Adecco Việt Nam, thành lập vào năm 2011 – thành viên của Tập đoàn Adecco hoạt động hơn 60 năm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Malaysia là những thị trường chính mà công ty này nhắm đến. Website được thiết kế rõ ràng về mặt bố cục và thông tin, đạt 11,6 nghìn lượt truy cập, giảm gần 10% so với tháng 8/2023.


Về doanh thu thuần, công ty duy trì đà tăng. Cụ thể năm 2020 đạt gần 400 tỷ đồng, sang 2021 tăng hơn 10% và 2022 hơn 30%. Lợi nhuận sau thuế lỗ gần 10 tỷ đồng năm 2020, lãi mạnh vào năm 2021 hơn 200% và tiếp tục tăng trong năm 2022 gần 100%.


Hadico

Thương hiệu Hadico thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, hình thành và phát triển trong suốt 40 năm hình ở miền Bắc. Là doanh nghiệp Nhà Nước trực thuộc Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Thiết kế website được đánh giá ở mức tương tối cơ bản, phần tuyển dụng chưa được chú trọng cao và chủ yếu xuất khẩu lao động qua thị trường Malaysia.


Doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng qua các năm và dao động quanh con số 200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng vọt trong năm 2021 gần 700%, đến năm 2022 không có sự tăng trưởng đáng kể.


INLACO

INLACO thuộc Công ty Cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài, được thành lập năm 1995 và là đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. Hiện thương hiệu đã được niêm yết trên sàn UPCOM. Công ty tập trung chủ yếu vào việc tuyển dụng sĩ quan và thuyền viên, cũng như xuất khẩu sang các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đức. Trang web được thiết kế được đánh giá là rõ ràng và đầy đủ các tính năng cần thiết.


Doanh thu thuần liên tục tăng từ 2020 đến 2022. Cụ thể, năm 2020 đạt hơn 100 tỷ đồng, 2021 gần 200 tỷ đồng và 2022 tăng gần 250 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 2020-2021 tăng dao động quanh mốc 10 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng gần 50%.


Nhóm biến động về doanh thu:

ESUHAI

Thương hiệu thuộc Công ty TNHH Ê Su Hai. Thành lập năm 2006, vốn điều lệ 20 tỷ đồng và hiện có 340 nhân viên. Theo như đánh giá, đây là website được thiết kế sáng tạo và chi tiết nhất trong số các trang tuyển dụng. Lượt truy cập web tháng 9/2023 vừa qua cũng được duy trì ở mức cao là 30,1 nghìn lượt, tăng 22% so với tháng trước đó.


Tuy doanh thu thuần qua các năm có sự giảm sút, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn duy trì được con số ở mức cao. Năm 2020, công ty đạt hơn 250 tỷ đồng, giảm hơn 20% trong năm 2021 và sang năm 2022 giảm không đáng kể. Lợi nhuận sau thuế được ghi nhận trong năm 2020 là gần 14 tỷ đồng, giảm hơn 20% vào năm 2021.


LOD

Là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD. Ra đời vào năm 1992, hàng năm, công ty phái cử trung bình hơn 2.400 chuyên gia, lao động trong các ngành nghề khác nhau sang làm việc tại nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada,.... Trang web thiết kế được đánh giá cao về tính trực quan, tốc độ xử lý cao và đầy đủ những thông tin cần thiết.


LOD có doanh thu thuần dao động quanh 130 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ghi nhận hơn 40 tỷ đồng, giảm gần 50% trong năm 2021 và giảm hơn 30% trong năm 2022.


WTO

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999, tính đến nay Công ty cổ phần thương mại và xuất khẩu lao động Sao Vàng đã xuất khẩu lao động qua 4 thị trường lớn gồm Mỹ, Malaysia, Nhật Bản và Đài Loan. Website được đánh giá cao ở tốc độ xử lý và thông tin cung cấp cụ thể. Trong tháng 9/2023, mức độ truy cập trang web tăng đáng kể với hơn 100% so với tháng trước.


Doanh thu thuần của công ty đạt gần 100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 200 triệu đồng năm 2020, giảm mạnh gần 2000% năm 2021, đến năm 2022 lãi hơn 500 triệu đồng.


Vinaconex mec

Thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty cổ phần thương mại Vinaconex. Trong suốt 20 năm kể từ ngày thành lập, công ty đã đưa được hơn 80.000 lượt lao động đến hơn 100 đối tác trên thế giới. Các thị trường mà công ty nhắm tới gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàng Quốc, Lào, Campuchia.


Doanh thu thuần của thương hiệu năm 2021 tương tự năm 2020 và đạt gần 30 tỷ, sang 2022 giảm gần 40%. Lợi nhuận sau thuế giảm liên tục. Cụ thể 2020 đạt gần 8 tỷ đồng, sang 2021 giảm mạnh gần 100% và giảm gần 80% trong năm 2022.


Nhóm suy giảm tăng trưởng:

BATIMEX

BATIMEX được thành lập năm 1965, thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thái Nguyên là công ty đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài được cấp vào 12/1999 do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cấp. Thị trường chính của công ty nằm ở Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và UAE. Tuy nhiên về phía website được thiết kế tương đối cơ bản và chưa thực sự thu hút.


Doanh thu thuần của doanh nghiệp liên tục giảm. Năm 2020 đạt gần 200 tỷ đồng, 2021 giảm 10% và sang 2022 giảm hơn 50%. Tuy doanh thu thuần đạt được ở mức khá cao nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2020 chỉ gần 50 triệu đồng. Biến động mạnh trong 2 năm tới, lần lượt tăng gần 200% năm 2021 và giảm hơn 300% năm 2022.


Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất khẩu lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động đi nước ngoài ngày càng tăng cao, tạo ra cơ hội lớn cho các website tuyển dụng trong lĩnh vực này. Các website có thể tận dụng cơ hội để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động, đồng thời cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người lao động và doanh nghiệp.


Tuy nhiên, thị trường cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các website tuyển dụng khiến cho việc thu hút người dùng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, việc quản lý thông tin và đảm bảo tính chính xác của các thông tin tuyển dụng cũng là một thách thức lớn đối với các website trong bối cảnh nguồn lao động ngày càng đa dạng và phức tạp.


Vậy nên, để có thể bắt kịp đà tăng trưởng chung của ngành xuất khẩu lao động, 1 số website tuyển dụng xuất khẩu lao động cần phải đầu tư vào công nghệ để cải thiện trải nghiệm người dùng, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý thông tin chặt chẽ và minh bạch. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cũng là yếu tố quan trọng giúp các website tuyển dụng tạo ra sự tin cậy và uy tín trong ngành.


Nguồn: Báo cáo thị trường 2022 của Vietdata về các website tuyển dụng xuất khẩu lao động tại Việt Nam.


Comments


bottom of page