top of page

Các địa phương đang dốc sức trong việc giải ngân vốn đầu tư công chặng đường cuối năm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt trên một nửa kế hoạch. Các địa phương đang tập trung toàn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc để có thể tăng tốc trong "chặng nước rút" này.


Các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao
Ảnh: Thời báo Tài chính

Nhiều địa phương quyết tâm giải ngân trên 90% kế hoạch


Với quyết tâm đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC), ngoài việc nỗ lực thực hiện các giải pháp chung, tùy thuộc vào thực tế, mỗi địa phương đều có thêm các giải pháp riêng.


Thực tế chứng minh, có rất nhiều địa phương đã vươn lên đứng trong top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với việc giải ngân đạt 92% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đến hết tháng 10 vừa qua, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang dẫn đầu cả nước. Tiếp đến là các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Phúc đều đang có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.


Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm và hơn 2 tháng nữa để thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 (được phép thanh toán đến hết ngày 31/1 năm sau). Vì thế, các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao đang cố gắng hoàn thành hết kế hoạch vốn được giao. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn hoặc bằng mức trung bình của cả nước đang cố gắng gấp 2 gấp 3 để giải ngân cao nhất có thể.


Hà Giang là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, vì thế việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ĐTC sẽ giúp nền kinh tế của địa phương phát triển. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của tỉnh còn chậm. Theo báo cáo của tỉnh này, tính đến giữa tháng 11, mới giải ngân được trên 3.560 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch vốn. Trong số các chủ đầu tư (CĐT) được giao nguồn vốn lớn, có 22 CĐT giải ngân trên mức trung bình của tỉnh; 12 CĐT giải ngân dưới mức trung bình.


Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chưa đạt như mục tiêu là do vẫn còn một số sở, ngành, huyện, thị chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm; khảo sát lập hồ sơ thiết kế dự án chưa phù hợp với thực tế… dẫn đến phải điều chỉnh. Nhằm tăng tốc giải ngân số vốn còn lại, tỉnh Hà Giang đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp. Các CĐT có số vốn bố trí lớn, được giao quản lý các dự án trọng điểm đang đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” giải ngân hết các nguồn vốn đã cam kết.


Là 1 huyện có tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 55%, dưới mức trung bình của tỉnh Hà Giang, nhưng huyện Vị Xuyên cũng đặt ra quyết tâm và cam kết thực hiện giải ngân ở mức cao nhất. Theo đó, huyện này đang tập trung giải quyết các khó khăn về vật liệu, hoàn thành các thủ tục thanh, quyết toán các công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.


Tại Bắc Giang, hiện chỉ có TP. Bắc Giang và huyện Tiên Yên giải ngân đạt hơn 70%. Các ban quản lý dự án của tỉnh và các huyện còn lại, tiến độ giải ngân đều chậm. Nguyên nhân của việc giải ngân chậm tại Bắc Giang nằm ở việc chưa có đủ vốn. Theo phản ánh chung của tỉnh, vốn ĐTC được trích lại 60% từ tiền thu sử dụng đất, trong khi đó, kết quả thu khoản tiền này năm nay của tỉnh đạt thấp nên chưa bố trí được vốn theo kế hoạch để giải ngân cho các công trình.


Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân, hiện nhiều đơn vị, dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cắt giảm, điều chuyển vốn. Đơn cử như huyện Lạng Giang đã cắt giảm hạng mục của một số dự án, với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để bố trí vốn cho một số công trình khác đang thi công có tiến độ nhanh…


Giải ngân tp.Hồ Chí Minh

Thay người đứng đầu nếu làm không tốt


Tính đến ngày 10/11, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được hơn 25.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38% tổng số vốn được giao. TP. Hồ Chí Minh đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.


Để đạt mục tiêu 95%, thành phố đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn ĐTC. Hiện các CĐT đang tập trung đẩy nhanh thực hiện thi công các dự án, trong đó có 48 CĐT cam kết giải ngân đạt 95%.


Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn ĐTC được TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua thực tế kiểm tra, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới chưa nóng theo”. Lãnh đạo đơn vị, địa phương khi được hỏi có nơi nắm rất rõ, báo cáo chi tiết nhưng ngược lại có nơi phải chờ để kiểm tra và báo cáo lại.


Theo đó, để phát huy vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thành phố, CĐT có cam kết rõ ràng trong thời gian còn lại của năm và một lần nữa nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của người đứng đầu đơn vị khi không hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy đã nhắc đến việc thay đổi người nếu không làm được…


Có thể thấy, từ sự quyết tâm cao của các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư sẽ tạo bước tiến mạnh mẽ cho công tác này, khi kết thúc năm. Mục tiêu cả nước giải ngân đạt 95% có thể không khả thi như nhiều nhận định gần đây, nhưng với những gì các địa phương đã và đang làm, chúng ta vẫn kỳ vọng vào một kết quả khả quan để từng đồng vốn ĐTC phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong xã hội.


Tín hiệu tích cực từ giải ngân dự án giao thông


Đến hết tháng 10/2023, Bộ Giao thông vận tải giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2,2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 16%). Tốc độ này đóng góp đáng kể vào thành tích chung của cả nước.


(Theo Thời báo Tài chính)


Comments


bottom of page