top of page

Công ty xi măng lớn nhất tại Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu Xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò… Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2023.


Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch

Ảnh: vicem.vn


Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 39 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng mạnh, thiếu điện buộc doanh nghiệp xi măng phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh năm nay.


Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ trong giai đoạn này đạt 43 triệu tấn, giảm 10%, trong đó tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8%. Kênh xuất khẩu cũng không khả dĩ hơn. Tình hình tiêu thụ khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm kỷ lục. Qua 6 tháng, các doanh nghiệp xi măng mới xuất bán được 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.


Đối với Vicem, 5 tháng đầu năm, tổng sản phẩm chính tiêu thụ của doanh nghiệp này đạt 9,7 triệu tấn với tổng doanh thu 13.701 tỷ đồng


Lãnh đạo Vicem cho biết, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.


Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực bất động sản đóng băng, cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng; Trung Quốc không nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong khí đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng đáng kể làm cho Vicem như đứng ngồi trên đống lửa.


Xác định nửa cuối năm 2023, tình hình thị trường xi măng trong và ngoài nước còn nhiều biến động, Vicem đã đề ra hàng loạt giải pháp để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động.


Thời gian tới, Vicem sẽ chú trọng công tác duy tu, bảo trì sản xuất ổn định; thực hiện tiết giảm chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để nâng cao sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.


Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào để có các giải pháp xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn, thị trường. Thực hiện nghiêm kỷ cương trong phối hợp thị trường về địa bàn, giá bán để tăng sức mạnh cạnh tranh và tận dụng lợi thế, quy mô của các đơn vị thành viên.


Cùng với đó, đa dạng sản phẩm xi măng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của khách hàng, của các thị trường; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính.


(Cafeland)




Kommentare


bottom of page