top of page

Cập nhật tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cửa hàng tiện lợi Việt Nam sau đại dịch

Theo Vụ Thị trường – Bộ Công thương, về dài hạn Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số lượng cửa hàng tiện lợi của các chuỗi những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay, số lượng siêu thị tăng 89% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại. (Bài đăng trên Tạp chí Công Thương, 2022).


Thị trường cửa hàng tiện lợi phân hóa theo hai hướng khác nhau: phân khúc các siêu thị mini bán hàng bách hóa và thịt cá, rau củ (tiêu biểu là WinMart+, Satra food, Co.op smile và Co.op Food,…) còn lại là các cửa hàng chú trọng vào mô hình phục vụ ăn uống tại chỗ, bán hàng bách hóa kèm thức ăn, thức uống được chế biến sẵn hay chế biến tại chỗ có chỗ ngồi. Mô hình siêu thị mini thu hút tầng lớp nhân viên văn phòng, những người nội trợ do nhu cầu mua nguyên liệu nấu nướng, còn mô hình cửa hàng ăn uống thu hút các bạn trẻ, học sinh sinh viên có nhu cầu ăn nhanh, sử dụng máy lạnh và wifi.



WinMart+ là chuỗi cửa hàng có doanh thu cao nhất trong ngành (doanh thu và lợi nhuận của WinMart+ bao gồm cả chuỗi siêu thị WinMart và các ngành kinh doanh khác của WinCommerce), doanh thu của WinMart+ năm 2020 cao gấp 11 lần doanh thu năm 2020 của Circle K. Tuy có khoảng cách xa về doanh thu so với người đứng đầu, Circle K cũng thể hiện tiềm năng của mình khi có doanh thu năm 2020 bỏ xa Family Mart. WinMart+, Family Mart, B’s Mart là các doanh nghiệp có sự sụt giảm trong doanh thu năm 2021 so với 2020. Ministop, 7-Eleven, GS25 và Co.op Smile có doanh thu tăng lên trong năm 2021.




Tổng quan, các doanh nghiệp trong thị trường đều ghi nhận lỗ nhưng có lợi nhuận sau thuế khả quan hơn năm 2020. Đa phần các doanh nghiệp đã giảm lỗ sau thuế so với năm 2020 (7-Eleven và GS25 tăng lỗ sau thuế so với 2020). WinMart giảm lỗ sau thuế mạnh nhất, đến -95%. Trong năm 2021, doanh nghiệp có mức lỗ cao nhất là GS25 với -152 tỷ VND và thấp nhất là B’s Mart với -32 tỷ VND.


Winmart+

Kể từ sau khi sáp nhập vào Masan, tập đoàn hàng đầu về ngành bán lẻ tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng WinMart+ không ngừng được đầu tư mở rộng thương hiệu. Đến giữa năm 2021, WinMart+ đã có hơn 3,000 cửa hàng trên toàn quốc. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 300 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ được mở mới trên toàn quốc, Masan đặt mục tiêu mở mới đến 700 cửa hàng WinMart+ trong năm nay. WinCommerce không chỉ là một đơn vị bán lẻ mà còn sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Bốn nhãn hàng riêng đặc trưng của hệ thống WinMart bao gồm: WinMart Good (thực phẩm khô); WinMart Cook (thực phẩm chế biến); WinMart Home (đồ gia dụng); WinMart Care (chăm sóc cá nhân).


Kể từ sau khi ghi nhận lời vào năm 2018, WinMart liên tục ghi nhận lỗ sau thuế, mức lỗ của WinMart cao kỷ lục vào năm 2020 khoảng -3,200 tỷ VND, tuy nhiên giảm mạnh chỉ còn khoảng gần -150 tỷ VND in 2021. Tuy mức lỗ 100 tỷ là khá cao nhưng so với doanh thu 30 nghìn tỷ VND năm 2021 của WinMart thì không đáng kể. (Mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế của WinMart ghi nhận từ công ty WinCommerce, bao gồm cả chuỗi siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+ và các mảng kinh doanh khác).


Circle K

Bắt nguồn từ chuỗi cửa hàng lâu đời tại Mỹ, Circle K đã nhanh chóng tiến vào thị trường Việt Nam phát triển và tạo dựng thương hiệu với tổng 388 cửa hàng, trong đó có 201 cửa hàng tại TP.HCM, 142 cửa hàng tại Hà Nội và 45 cửa hàng trải khắp 6 tỉnh thành khác.


Circle K có mức doanh thu khá cao so với các doanh nghiệp khác trong ngành, doanh thu của Circle K duy trì mức tăng ổn định qua các năm, nhưng giảm khoảng 6% trong năm 2020 (từ gần 2,830 tỷ năm 2019 còn khoảng 2,740 tỷ năm 2020). Tuy nhiên, Circle K tăng lỗ sau thuế khá cao, khoảng 20% (-152 tỷ năm 2019 còn -183 tỷ năm 2020).


Family Mart

Family Mart là hệ thống cửa hàng tiện lợi của Nhật thuộc Công Ty TNHH Cửa Hàng Tiện Lợi Gia Đình Việt Nam. Hiện tại, số lượng cửa hàng tại Nhật và 7 nước khác trên Thế giới (bao gồm cả Việt Nam) đã đạt đến con số hơn 23,800 cửa hàng. Từ sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 7/2013, đến nay Family Mart đã có 150 cửa hàng tại TP.HCM, Bình Dương và Vũng Tàu. Khu vực TP.HCM có số cửa hàng Family Mart đông đảo nhất với 116 cửa hàng (số liệu từ website của Family Mart).


Do sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường và giai đoạn giãn cách xã hội trong năm 2020, 2021, doanh thu của Family Mart sụt giảm đáng kể. Từ đỉnh doanh thu năm 2019 với hơn 1,300 tỷ, doanh thu chuỗi cửa hàng chỉ còn khoảng 1,200 tỷ vào 2020 và gần 1,120 tỷ vào năm 2021. Công ty vẫn liên tục chịu lỗ kể từ khi thành lập đến nay, tuy nhiên đã giảm khá tốt, từ khoản lỗ khoảng 78 tỷ vào 2017, công ty giảm còn khoảng 45 tỷ trong 2021.


Ministop

Là chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật Bản và trực thuộc tập đoàn Aeon, hệ thống Ministop chỉ mới có mặt tại Nhật và Việt Nam. Ministop có cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015 và nhanh chóng phát triển hệ thống cửa hàng của mình thành 124 cửa hàng (số liệu từ website Ministop, tính đến ngày 26/05/2022).


Doanh thu của Ministop tăng trưởng khá tốt trong những năm gần đây và duy trì tăng ngay cả trong giai đoạn 2020-2021, mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khác sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, Ministop vẫn duy trì mức lỗ khá cao trong ngành, cao nhất vào hơn 200 tỷ vào năm 2018 và đạt mức thấp nhất vào năm 2021 với khoảng 100 tỷ.


GS25

GS25 là thương hiệu Hàn Quốc được thành lập vào năm 1990, xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2017 và đã mở được 162 cửa hàng tính đến tháng 7/2022. GS25 là một trong số ít các thương hiệu hoạt động theo mô hình nhượng quyền, nhờ phương thức này mà GS25 có số cửa hàng tăng mạnh so với các doanh nghiệp khác.


Đến nay, GS25 vẫn duy trì lỗ và có mức lỗ sau thuế tăng đều qua các năm. Doanh thu thuần về hàng hóa dịch vụ của GS25 cũng tăng ổn định qua các năm nhờ không ngừng mở các cửa hàng mới. Trong năm 2021, doanh thu của GS25 đạt gần 760 tỷ VND, tuy nhiên cũng ghi nhận mức lỗ đến -152 tỷ VND.


7-Eleven

Là chuỗi siêu thị tiện lợi được đánh giá là thành công nhất lịch sử, tuy nhiên 7-Eleven vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, 7-Eleven mới chỉ mở được 66 cửa hàng tại khu vực TP.HCM.


7-Eleven có doanh thu tăng đều qua các năm, tuy nhiên tăng không nhiều vào năm 2020-2021, doanh thu năm 2019-2020 khoảng 414 tỷ VND, doanh thu năm 2021 tăng lên khoảng 488 tỷ VND. 7-Eleven cũng giống các doanh nghiệp khác trong ngành, liên tục chịu lỗ với mức lỗ từ 2019 khoảng 100 tỷ VND.


Nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đang chấp nhận lỗ để đầu tư tạo thói quen cho người tiêu dùng. Nhưng từ sau đại dịch, người tiêu dùng đang dần giảm thói quen mua đồ tại các chợ truyền thống. Mức tăng trong doanh thu và giảm lỗ sau thuế của các chuỗi cửa hàng tiện lợi cho thấy sự khả quan trong tăng trưởng ngành và triển vọng trong tương lai.


Các cửa hàng tiện lợi nên mở rộng đa hàng hóa dịch vụ nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cửa hàng có thể kết hợp với các đơn vị giao hàng như Grab, Gojek, Baemin để tăng doanh thu cho các cửa hàng.


Nguồn: Vietdata


Comentarios


bottom of page