top of page

Cửa hàng tiện lợi 2023 - Thương hiệu nào đang chiếm lĩnh thị trường?

Thị trường bán lẻ hiện nay ở Việt Nam được Bộ Công Thương ước tính đạt 142 tỷ USD và dự báo con số này sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025. Với một thị trường được đánh giá là tiềm năng, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển tại Việt Nam với tốc độ "chóng mặt", dưới dạng mô hình kinh doanh vừa và nhỏ. Các cửa hàng tiện lợi thường tập trung bán những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thường ngày, có kết hợp một số dịch vụ như wifi, bàn ghế, máy lạnh để phục vụ người tiêu dùng.



Theo một nghiên cứu vào năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.740 cửa hàng tiện lợi, trong đó TP.HCM chiếm hơn 2.600 cửa hàng, tiếp theo là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng,... Các cửa hàng tiện lợi đang dần trở nên phổ biến hơn với những thương hiệu ngoại nhập như: Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan),...


Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế nhưng những hệ thống bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy các cửa hàng tiện lợi đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là các thành phố lớn. Đây được xem là cuộc chiến hấp dẫn để giành miếng bánh béo bở của thị trường bán lẻ, trong bối cảnh hiện tại.


Thương hiệu ngoại chiếm lĩnh thị trường cửa hàng tiện lợi

Một điều đáng chú ý trong thị trường cửa hàng tiện lợi là hầu hết các thương hiệu đểu đến từ nước ngoài. Những tên tuổi nội địa gần như khá ít, không đủ sức hoặc không tham gia vào lĩnh vực này.


Một số thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài như: Circle K trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi quốc tế đầu tiên hiện diện ở Việt Nam. Tính đến hiện tại, thương hiệu của Hoa Kỳ đã phủ sóng hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam và chiếm phần lớn thị phần.


Ministop (Nhật Bản) là thuộc sở hữu của "ông lớn" Aeon. Vào Việt Nam từ 2015, đến hiện tại, Ministop đã trở thành một "trạm dừng chân ven đường" đúng nghĩa đối với đông đảo người dùng Việt và nhanh chóng bành trướng với 144 cửa hàng tính đến năm 2021.



Một thương hiệu nổi tiếng khác là 7-Eleven chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 thông qua hình thức nhượng quyền. Thương hiệu cũng tuyên bố sẽ có 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Tuy nhiên, đến nay 2022, 7-Eleven chỉ có vỏn vẹn 66 cửa hàng khắp Việt Nam.


Một thương hiệu đến từ Hàn Quốc là GS25 đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 vào năm 2018 và tạo nên cơn sốt cho trong giới trẻ. GS25 nhanh chóng có mặt ở những vị trí "đắc địa" trong TP.HCM và tuyên bố sẽ được được 2.500 cửa hàng trong 10 năm. Tính đến 2022, GS25 có gần 200 cửa hàng thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu để tăng độ phủ.


Các thương hiệu Việt dần thay đổi để thích nghi với thị trường

Không chấp nhận để miếng bánh béo bở rơi vào tay ông lớn nước ngoài, các công ty, tập đoàn Việt Nam cũng rục rịch lấn sân sang lĩnh vực này như Co.op Smile của Saigon Co.op, Winmart+ của Masan. Để thu hút và tăng trải nghiệm khách hàng Winmart+ còn tích hợp các quầy Phúc Long tại cửa hàng.


Tuy nhiên, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt là không đủ, bởi nhiều yếu tố. Hơn nữa, Coop Smile, Winmart+, Bách Hóa Xanh được xem là siêu thị mini hơn là cửa hàng tiện lợi.


Winmart+

Kể từ sau khi sáp nhập vào Masan, tập đoàn hàng đầu về ngành bán lẻ tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng WinMart+ không ngừng được đầu tư mở rộng thương hiệu. Đến giữa năm 2021, WinMart+ đã có hơn 3,000 cửa hàng trên toàn quốc.


Với số lượng hàng nghìn cửa hàng trên khắp cả nước, doanh thu của Winmart+ dẫn đầu với 31000 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu giảm nhẹ qua từng năm, đến năm 2022 doanh thu đạt hơn 29000 tỷ đồng, giảm 5% so với 2020. Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù ghi nhận lợi nhuận âm nhưng mức độ lỗ giảm 21 lần từ năm 2020 đến năm 2021. Năm 2022 ghi nhận mức lợi nhuận tăng trở lại, gấp 3 lần so cùng kỳ năm trước, đạt âm gần 450 tỷ đồng.


Bách Hóa Xanh

Bách hóa XANH là mô hình chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống (thịt cá, rau củ, trái cây,…) và nhu yếu phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Ra mắt từ năm 2015, trải qua gần 8 năm phát triển, Bách hóa XANH đã có gần 2.000 siêu thị trên khắp các tỉnh thành ở Miền Nam, Miền Đông và Nam Trung Bộ và hơn 20 kho hàng để phục vụ và cung cấp các sản phẩm đa dạng về chủng loại, giá cả hợp lý để dễ dàng tiếp cận đối với người nội trợ.


Doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng gần 700 tỷ trong giai đoạn từ năm 2020-2021. Năm 2022, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu giảm gần 4%, đạt hơn 27000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu ở mức âm. Cụ thể, năm 2021 mức độ lợi nhuận âm giảm 40%, từ âm 2000 tỷ đồng xuống còn âm 1200 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2022, lợi nhuận ghi nhận mức độ lỗ cao hơn tăng 132% với năm 2021, đạt gần âm 2800 tỷ đồng.


Coop Food

Coop Food là chuỗi cửa hàng tiện lợi thuần Việt của người Việt. Thương hiệu được ưa chuộng bởi danh mục hàng hóa phong phú và giá rẻ.Ra đời sau thành công của mô hình siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng Co.op Food cũng nhanh chóng được người tiêu dùng TP.HCM đón nhận nồng nhiệt và từng bước lan tỏa mạnh đến các tỉnh thành trên cả nước.


Thế mạnh của chuỗi Coop Food là có nguồn hàng thực phẩm hết sức phong phú, được kiểm soát chất lượng tốt. Mỗi "siêu thị thực phẩm mini" Co.op Food thường linh hoạt chọn lọc từ 8.000 đến 10.000 mặt hàng dễ dàng đáp ứng cho nhu cầu của từng khu vực.


Năm 2021, doanh thu của Coop Food tăng nhẹ khoảng 300 tỷ sau đó lại giảm 15% vào năm 2022, đạt doanh thu chỉ gần 3500 tỷ đồng. Về lợi nhuận, mặc dù vẫn là mức lợi nhuận âm nhưng mức độ lỗ trong năm 2021 và 2022 đã giảm đi gần một nửa so với 2020, khoảng âm 360 tỷ đồng.



Circle K

Là một thương hiệu nổi tiếng và lâu đời tại Mỹ với hơn 16.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại thị trường Việt Nam, Circle K nhanh chóng phát triển và tạo dựng thương hiệu với hơn 400 cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hạ Long, Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Dương, Hải Phòng, Long Xuyên, Biên Hòa và sẽ còn tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở khắp mọi nơi.


Doanh thu của Circle K trong giai đoạn từ năm 2020 - 2021 luôn duy trì ổn định ở gần mức 2700 tỷ. Tuy nhiên, mức lỗ của lợi nhuận sau thuế tăng 36%. Cụ thể năm 2020, lợi nhuận ghi nhận âm hơn 180 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này tăng lên đến âm 205 tỷ vào năm 2021.


Family Mart

Family Mart là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 tại Nhật Bản, được thành lập từ năm 1973. Các cửa hàng tiện lợi Family Mart kinh doanh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm khô, hàng tiêu dùng, dụng cụ vệ sinh cá nhân,... Từ sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 7/2013, đến nay Family Mart đã có 150 cửa hàng tại TP.HCM, Bình Dương và Vũng Tàu. Khu vực TP.HCM có số cửa hàng Family Mart đông đảo nhất với 147 cửa hàng (số liệu từ website của Family Mart).


Doanh thu của Family Mart dao động nhẹ trong 3 năm từ 2020 đến 2022. Doanh thu năm 2021 giảm nhẹ khoảng 85 tỷ đồng so với 2020. Đến năm 2022, doanh thu tăng trở lại đạt hơn 1500 tỷ, tăng gần 40% so với năm 2021 và 27% so với năm 2020. Về lợi nhuận, mặc dù lợi nhuận âm nhưng ta vẫn thấy tín hiệu đáng mừng. Tỷ lệ lỗ giảm dần theo từng năm từ âm 55 tỷ đồng năm 2020 giảm xuống chỉ còn âm 10 tỷ đồng năm 2022.


Ministop

Ministop là chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc Tập đoàn AEON Nhật Bản được thành lập vào năm 1980, cửa hàng đầu tiên tại thị trường Việt Nam ra mắt vào cuối năm 2011. Ministop mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thiết yếu hằng ngày, có khu vực chế biến thức ăn nhanh và khu vực ăn uống bên trong cửa hàng để khách hàng có thể ngồi lại thư giãn, thưởng thức các món ăn của cửa hàng.


Doanh thu Ministop ổn định trong 2 năm 2020 và 2021 ở mức hơn 1000 tỷ đồng, sau đó tăng 20% vào năm 2022 đạt hơn 1200 tỷ đồng. Lợi nhuận ghi nhận âm và giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2020, Ministop ghi nhận mức lỗ cao gần âm 170 tỷ đồng. Tuy nhiên mức lỗ đã giảm đáng kể vào năm 2022, giảm hơn 80% đạt mức âm 32 tỷ đồng.



GS25

GS25 thuộc tập đoàn GS Retail Hàn Quốc được thành lập vào năm 1990. Với phương châm “Lifestyle Platform” thương hiệu mang đến trải nghiệm sống hiện đại và chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Đầu năm 2018, GS25 ra mắt tại thị trường Việt Nam đánh dấu cho việc liên doanh thành công giữa tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và tập đoàn Sonkim. Tiếp nối sự phát triển vượt bậc này, GS25VN hướng tới mục tiêu mở hệ thống 2.000 cửa hàng trên toàn quốc trong tương lai.


Mặc dù mới ra mắt nhưng doanh thu GS25 tăng cao từng năm. Năm 2022, doanh thu đạt gần 1300 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2021 và gần 230% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận lỗ cũng ghi nhận tăng theo từng năm. Năm 2020, lợi nhuận GS25 đạt âm gần 120 tỷ đồng. Con số này tăng 30% vào năm 2021 và 35% vào năm 2022. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của ở mức âm hơn 150 tỷ đồng, đến năm 2022, lợi nhuận tăng lên âm 160 tỷ đồng.


7-Eleven

Một thương hiệu cũng đến từ Texas, Mỹ chính là 7-Eleven. 7-Eleven được thành lập vào năm 1927, đến nay có hơn 62.000 cửa hàng đặt tại 19 quốc gia, trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới. 7-Eleven mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên đặt tại Việt Nam vào tháng 6/2017. Mặc dù gia nhập khá trễ so với các chuỗi cửa hàng quốc tế khác, nhưng các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven được người tiêu dùng Việt đón nhận nhiệt tình, hứa hẹn sẽ là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi "thống trị" thị trường Việt Nam.


Doanh thu của 7-Eleven ghi nhận mức tăng nhẹ qua từng năm, dao động từ 400 - 600 triệu trong 3 năm. Cụ thể năm 2020, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng. Đến năm 2022, doanh thu đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng 26% so với 2021 và gần 50% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu không thay đổi nhiều trong 3 năm, duy trì ở mức âm 100 tỷ đồng.


B’Mart

Gia nhập thị trường bán lẻ từ 2013, B’s mart hiện đang có hơn 150 cửa hàng. B’s mart chiếm ưu thế nhờ phủ sóng nhiều khu vực khác nhau. Danh mục sản phẩm đa dạng từ thực phẩm, nước giải khát, văn phòng phẩm, đồ dùng cá nhân,… Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng này còn cung cấp các dịch vụ như ATM, nạp card điện thoại,…


Xét về doanh thu, B’mart ghi nhận doanh thu giảm theo từng năm, từ 440 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 350 tỷ đồng vào năm 2022. Mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của thương hiệu cũng được cải thiện. Mức lỗ âm đã giảm xuống đáng kể từ âm hơn 50 tỷ đồng năm 2020 xuống khoảng mức âm 32-34 tỷ đồng trong 2 năm sau đó.


Coop Smile

Co.opSmile là một thương hiệu thuộc SAIGON CO.OP. Đây là nhà bán lẻ nhiều năm liền đạt danh hiệu Nhà Bán Lẻ Hàng Đầu Việt Nam với các thương hiệu bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers,... Ra mắt từ năm 2016 tại Bình Thạnh, đến nay thương hiệu đã có hơn 100 cửa hàng tập trung chủ yếu trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.


Coop Smile có doanh thu tăng nhẹ qua từng năm. Doanh thu 2022 tăng 15% so với năm 2020 và tăng nhẹ gần 10 tỷ đồng so với năm 2021, đạt hơn 370 tỷ đồng. Lợi nhuận của thương hiệu ghi nhận mức âm. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm theo từng năm từ âm 80 tỷ đồng năm 2023 xuống âm 70 tỷ đồng năm 2021 và chỉ còn âm 50 tỷ đồng vào năm 2022.

Cheers

Cheers ra đời từ “cú bắt tay” giữa Saigon Co.op và NTUC Fair Price. Hướng tới đối tượng là khách hàng trẻ nên các sản phẩm của chuỗi cửa hàng này cũng đa phần là đồ khô, đóng gói sẵn và đa phần là các sản phẩm xu hướng. Điểm đặc biệt của chuỗi cửa hàng này là nó được tích hợp chung với hệ thống của Saigon Co.op. Vì vậy, các khách hàng có thể tích điểm và sử dụng thẻ Coop cho Cheers và ngược lại. Tương tự các chuỗi theo hướng hiện đại, Cheers mở cửa 24/7, cho thanh toán điện tử, thanh toán hóa đơn tại cửa hàng, có Wifi cho khách,…


Thị trường cửa hàng tiện lợi hiện đang là lĩnh vực phát triển khá tiềm năng bởi từ sau đại dịch, người tiêu dùng đang dần giảm thói quen mua đồ tại các chợ truyền thống. Mặc dù cho sự dao động liên tục về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, các chuỗi cửa hàng tiện lợi cho thấy sự khả quan trong tăng trưởng ngành và triển vọng trong tương lai. Thị trường này đang là “miếng bánh ngon” cho nhiều thương hiệu xâu xé. Vì vậy, các thương hiệu phải có chiến lược lâu dài mới sống sót trong ngành này.


Nguồn: Theo Báo Cáo Thị Trường Cửa Hàng Tiện Lợi 2023 Của Vietdata


Kommentare


bottom of page