Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp tục tăng trưởng nhờ đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.
Nguồn: Internet
Mạng lưới bán lẻ dược phẩm được mở rộng mạnh mẽ. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường IQVIA, năm 2016 Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc, với 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600 nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại tăng lên 1.600.
Các chuỗi nhà thuốc hiện đại tiếp tục tăng trong năm 2022 và những năm tới. Đơn cử, tính đến tháng 7-2022, số lượng cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc Pharmacity tăng hơn 40%, nhà thuốc Long Châu tăng hơn 70%, An Khang tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Nhiều công ty mới cũng đã tham gia thị trường, bao gồm Wincommerce sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích Winmart gồm 3.000 cửa hàng và Viettel sở hữu mạng lưới bán lẻ viễn thông gồm 370 cửa hàng.
Nguyên nhân của sự phát triển này chủ yếu là do nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống khi Chính phủ đưa ra các quy định khắt khe hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm, thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử.
Bên cạnh đó, kênh nhà thuốc còn chiếm thị phần từ kênh bệnh viện và việc tiêu dùng ngày càng tăng đối với các sản phẩm vitamin, thực phẩm chức năng.
Hiện các chuỗi nhà thuốc cũng đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác như sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, bánh kẹo và đồ uống, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Hiện nay, các chuỗi nhà thuốc cũng đa dạng hóa danh mục sản phẩm bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh như sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm… Điều này đã giúp doanh nghiệp ngành dược tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trên cơ sở này, các chuỗi nhà thuốc sẽ có thể chuyển chi phí gia tăng cho khách hàng. Các chuỗi nhà thuốc đang tích cực mở các cửa hàng mới có thể đàm phán các điều khoản tốt hơn với các nhà cung cấp, do đó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận.
Tính đến tháng 12-2022, chuỗi nhà thuốc Long Châu trong hệ sinh thái Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đã vượt mốc 1.000 nhà thuốc, vượt 125% kế hoạch của năm 2022. FRT cũng dự kiến sẽ tăng tổng số cửa hàng lên 3.000 trong 5 năm tới.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng trong khi mảng kinh doanh điện thoại của FRT đang chững lại do thị trường bão hòa thì mảng dược phẩm sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.
FRT sẽ tiếp tục mở thêm nhà thuốc Long Châu do tỷ trọng nhà thuốc hiện đại trong bán lẻ dược phẩm hiện chỉ khoảng 5% và chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đã ghi nhận lãi ròng.
Chuỗi bán lẻ dược phẩm An Khang do MWG quản lý và vận hành đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ, từ 178 cửa hàng năm 2021 lên 529 cửa hàng năm 2022. Năm 2023, An Khang dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô.
Với lợi thế có nguồn khách hàng từ chuỗi siêu thị công nghệ và điện máy của MWG, An Khang có thể hưởng lợi để tăng cường bán chéo sản phẩm, từ đó gia tăng biên lợi nhuận.
Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,8%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ở mức 19,2%.
Giới phân tích cho rằng, đây là dư địa lớn để nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục phát triển nhờ vận hành mảng dược phẩm.
Khảo sát của Vietnam Report (Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam) cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2021, số chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỉ đô la Mỹ lên hơn 20 tỉ đô la Mỹ. Dự kiến, đến năm 2025, con số này là 23,3 tỉ đô la Mỹ và 33,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép trong giai đoạn từ năm 2020-2030 là 7,6%.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nhận thức của người tiêu dùng về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và thu nhập của người dân ngày càng tăng, dẫn đến chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm trên đầu người.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho biết 4 thách thức hàng đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dược và chăm sóc sức khỏe là chi phí logistics gia tăng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành, chi phí nguyên liệu đầu vào và áp lực từ tỷ giá tăng.
(VietnamPlus)
Comments