top of page

Doanh nghiệp dệt may trượt dài khỏi quỹ đạo tăng trưởng

Giá đơn hàng thấp trong khi tổng giá trị đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận quý 3/2023 của nhóm doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, một số tín hiệu kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý 4 nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy.


Hơn 3/4 chặng đường năm 2023 đã đi qua với nhiều chông gai cho ngành dệt may. Đến hết tháng 9-2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 29.7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ và thực hiện được hơn 74% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.


Nhìn chung, tình trạng thiếu đơn hàng vẫn đang đe dọa tăng trưởng của ngành, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu. Những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm doanh nghiệp dệt may niêm yết.


Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, trong 29 doanh nghiệp dệt may (trên HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, có tới 18 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp tiếp tục lỗ, 4 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi.


Tổng doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp dệt may quý 3/2023 là hơn 18,000 tỷ đồng và 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 63% so với cùng kỳ năm trước.


Doanh thu các doanh nghiệp dệt may Q3-2023
Nguồn: VietstockFinance

“Bão” chưa tan với ngành dệt may


Dẫn đầu đà “lao dốc” là Everpia (HOSE: EVE) với lãi ròng giảm 92% so với cùng kỳ, còn chưa đến 4 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 14 quý trở lại đây của doanh nghiệp này, kể từ quý 2/2020.


EVE cho biết, lợi nhuận giảm sâu do ảnh hưởng từ doanh thu giảm 20%, cùng với chi phí tăng cao do chi phí liên quan đến việc đưa vào vận hành nhà máy Giang Điền và một phần hoạt động tái định vị thương hiệu.


Quý 3 “bết bát” của Tổng Công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB) thể hiện qua con số lãi ròng kém nhất 8 quý gần đây (kể từ quý 4/2021), chỉ đạt gần 4 tỷ đồng, giảm 88%.


Doanh thu sụt giảm khi vắng bóng đơn hàng khiến lãi ròng của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) giảm 77%, xuống còn 27 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của “ông lớn” ngành dệt may tăng trưởng âm.

Lợi nhuận Vinatex 2021-2023
Nguồn: VietstockFinance

Nhu cầu mua sắm hàng may mặc của khách hàng giảm, phản ánh qua việc giảm doanh thu và lợi nhuận của hai đầu tàu dệt may miền Trung là Dệt may Huế (Huegatex, UPCoM: HDM) và Dệt may Hòa Thọ (HOSE: HTG). Cụ thể, HDM đạt gần 16 tỷ đồng lãi ròng, giảm 70% so với cùng kỳ; còn HTG lãi 60 tỷ đồng, giảm 18%.


Đứng trong bối cảnh chung đầy “trầy trật” còn có các tên tuổi lớn như Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK), May Sông Hồng (HOSE: MSH), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) chứng kiến lợi nhuận bốc hơi từ 35 - 67%.


Đắm chìm trong thua lỗ


Ngành sợi đóng băng, Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HOSE: FTM) tiếp tục ôm lỗ 76 tỷ đồng trong quý 3, đánh dấu quý lỗ thứ 18 liên tiếp kể từ quý 1/2019.


Kinh doanh kém tích cực trong thời gian qua, FTM nâng lỗ lũy kế lên gần 894 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 385 tỷ đồng. Công ty cho biết, những đòi hỏi khắt khe từ thị trường như giá bán, đơn hàng nhỏ lẻ khiến năng lực của Công ty chưa thể phục hồi.


Một số cái tên khác vẫn tiếp tục gánh lỗ là CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) có 3 quý lỗ liên tiếp, Dệt May Nam Định (Natexco, UPCoM: NDT) và Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) lỗ 5 quý liên tiếp, Dệt may Hà Nội (Hanosimex, UPCoM: HSM) lỗ 6 quý liên tiếp.

Lãi ròng HSM 2021-2023
Nguồn: VietstockFinance

“Xót xa” hơn cả là GMC - vốn là một ông lớn dệt may, từng đạt mức doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và lợi nhuận vài chục đến hơn trăm tỷ đồng đều như vắt tranh. Tuy nhiên, “cơn bão” ập đến vào năm 2022 khi doanh nghiệp này lỗ tới 85 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 11 tỷ đồng trong quý 3/2023.

Lợi nhuận ròng GMC 2021-2023
Nguồn: VietstockFinance

Kết quả không khả quan do chịu ảnh hưởng về tình hình khó khăn chung toàn ngành, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. GMC phải chuyển sang gia công hàng trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, từ giữa tháng 08/2022, đơn hàng gia công cũng chững lại, hàng sản xuất ra chưa giao được, tồn kho tăng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ. Đáng nói, Công ty còn chịu tác động dây chuyền từ sự kiện Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng.


Tại ĐHCĐ bất thường của GMC vào cuối tháng 9, đại diện Công ty cho biết, lượng hàng tồn kho liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng. Phía Gilimex đang tiếp tục làm việc với đối tác của họ để giải quyết khúc mắc trong quý 4/2023, trong khi đó GMC vẫn đang tiếp tục thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho trong quý 4 năm nay.


Một trong những nỗ lực để giảm thiểu lỗ trong năm 2023 là việc cân đối lại nhân sự. Tại cuối tháng 09/2023, nhân sự của GMC chỉ còn 37 người, giảm 1,947 người so với đầu năm và nếu so với đầu năm 2021 thì con số này giảm đến 3,775 nhân viên.


Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cho biết, Garmex hiện chưa có ý định tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Ngoài ra, việc giữ lại các nhà máy đối với ngành may sẽ khiến Công ty lỗ rất nhiều. Hiện, GMC vẫn đang tập trung vào việc xử lý, thanh lý hàng tồn kho cũng như thanh lý, nhượng bán các tài sản không sử dụng.


“Ngược chiều” cơn lốc suy giảm


Trái ngược với không khí ảm đạm của hầu hết doanh nghiệp dệt may, Tổng Công ty Việt Thắng (Vicotex, HOSE: TVT), Tổng Công ty May 10 (UPCoM: M10) và Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (HOSE: AAT) là 3 đơn vị có lãi tăng trưởng dương.


Trong đó, TVT lãi quý 3 tăng tới 170%, lên gần 3 tỷ đồng, nhờ cắt giảm chi phí nhân viên, giảm lỗ chênh lệch tỷ giá.


Biên lãi gộp cải thiện cộng thêm việc tiết giảm đáng kể các chi phí giúp lãi ròng của M10 tăng 27%, lên gần 32 tỷ đồng - mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, chỉ sau mức lãi kỷ lục 49 tỷ đồng của quý 4/2022.


Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may
Nguồn: VietstockFinance

Chông chênh trên hành trình về đích


Trên đường đua của các doanh nghiệp dệt may, duy nhất có Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI) vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm đề ra.


Năm 2023, SGI đề ra kế hoạch doanh thu thuần 1,671 tỷ đồng và lãi ròng hơn 44 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 24% và 85% so với năm trước. Sau 9 tháng, Công ty đạt gần 86 tỷ đồng lãi ròng, giảm 71% so với cùng kỳ nhưng vượt 94% kế hoạch năm, dù chỉ tiêu doanh thu chỉ mới thực hiện được 56%.

Doanh thu các daonh nghiệp dệt may
(*) Thực hiện lãi trước thuế. Nguồn: VietstockFinance

Kém hơn một chút, 4 doanh nghiệp dệt may đi được hơn 4/5 kế hoạch lợi nhuận năm gồm May Việt Tiến (UPCoM: VGG), MNB, M10, May Hữu Nghị (Hugamex, UPCoM: HNI). Còn lại, 1/3 số đơn vị trong nhóm thực hiện được hơn phân nửa mục tiêu lợi nhuận.


Đáng báo động, chỉ còn một quý nữa là hết năm 2023 nhưng con đường hoàn thành kế hoạch dường như còn khá chông chênh với AAT, STK, EVE khi chỉ mới thực hiện được 4 - 25% kế hoạch lợi nhuận đề ra.


Thảm cảnh hơn là những doanh nghiệp chỉ “hy vọng” có lãi, nhưng kế hoạch đó còn quá xa vời khi sau 9 tháng vẫn còn 7 doanh nghiệp chìm trong thua lỗ.


Kỳ vọng vào quý 4


Các yếu tố kinh tế trong nước đang ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng. Đó là lãi suất cho vay tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng nguồn tín dụng giá rẻ hơn so với thời điểm đầu năm để đáp ứng nhu cầu vốn và gia tăng đầu tư sản xuất. Đồng thời, tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu từ tháng 7.


Giới phân tích cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy. Có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý 4/2023 nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.


“Các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023”, SSI Research kỳ vọng.


(FILI)


Commentaires


bottom of page