Hiện tại, các doanh nghiệp gỗ tại phía Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, tuy nhiên, các đơn vị vẫn đang cố gắng tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, chuyển hướng sang tìm khách hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động...
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành gỗ
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, từ quý I/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kì năm 2022.
Đối với ngành gỗ tại Bình Dương, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, những tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.
Nhiều thị trường trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lạm phát nên nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm, đặc biệt ở thị trường chính về xuất khẩu đồ gỗ như Mỹ, Liên minh Châu Âu... khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Cho đến đầu tháng 7.2023, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Dương vẫn chưa khả quan hơn.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - cho biết, lãi suất vẫn cao và lạm phát ở nước ngoài vẫn còn nên tình hình của ngành vẫn chưa được cải thiện. Kéo theo việc mua bán nhà mới và xây dựng ít, khiến doanh nghiệp ở nước ngoài còn hàng tồn kho nhiều nên chưa mua, chưa nhập hàng.
“Đối với doanh nghiệp FDI thì đơn hàng và công suất hoạt động chỉ đạt 50-60%, doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ hoạt động với công suất khoảng 35-40%. Chỉ có đơn hàng ngắn hạn, không có đơn hàng dài hạn” - ông Nguyễn Liêm cho biết.
Đối với Công ty Cổ phần Lâm Việt do ông Nguyễn Liêm là Chủ tịch HĐQT cũng chỉ hoạt động với trên 40% công suất.
Trong khi đó, Công ty TNHH Gỗ H.T có nhà máy tại thành phố Dĩ An và thành phố Tân Uyên cũng trong tình trạng tương tự.
“Vẫn chưa có tín hiệu gì mới, công ty chỉ có đơn hàng trong ngắn hạn, không có đơn hàng lâu dài. Công ty cố gắng duy trì việc làm cho khoảng 800 lao động” - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Gỗ H.T cho biết.
Kì vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm khởi sắc
Đối với tình việc làm và lao động, thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, hàng nghìn lao động ngành gỗ rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều người đã bỏ về quê. Nhiều lao động phải đổi nghề đi tìm việc làm khác. Trong khi đó, một bộ phận lao động bị nghỉ việc không lương cũng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành, hiện tình hình sản xuất của công ty đã có đơn hàng mặc dù không còn nhiều như trước. “Chúng tôi đã đi tham gia nhiều triển lãm, hội chợ để tìm kiếm đơn hàng.
Đồng thời, công ty cũng thay đổi thiết kế, nguyên vật liệu để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Do đó, trong thời gian sắp tới công nhân ngành gỗ có khả năng sẽ có công việc trở lại để làm vì tình hình đơn hàng đang khả quan hơn” - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest - cho rằng, vùng Đông Nam Bộ đang chiếm 3/4 xuất khẩu của cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chiếm trọng tâm chính của cả nước.
Để ngành gỗ phát triển, cần tạo ra các cụm, khu doanh nghiệp công nghệ cao cho ngành gỗ giúp các doanh nghiệp có quy mô sản xuất tại các vùng, địa phương có tiềm năng.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ lớn của quốc tế, các tỉnh miền Đông Nam Bộ phải có một trung tâm hội chợ có tính chất quốc gia cho ngành hàng gỗ nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
“Giải pháp quan trọng bây giờ của ngành gỗ là tìm sự hỗ trợ để tham gia vào các hội chợ quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, xây dựng thị trường vì ngành gỗ hiện đang đi “một chân” là chân lo về hạ tầng sản xuất còn thị trường vẫn đang yếu” - ông Đỗ Xuân Lập nói.
(Lao Động)
Comentarios