Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 70% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Đây là vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65%.
Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với hơn 10 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành thủy sản ĐBSCL. Các ngành, địa phương và doanh nghiệp vùng này tiếp tục phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, ít phát thải.
Đồng Tháp là địa phương sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra của vùng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh chiếm khoảng 40% so với cả nước; hàng năm cung cấp khoảng 60% lượng cá giống cho ĐBSCL. Đến cuối năm 2022, tổng giá trị ngành thủy sản của tỉnh dự kiến đạt 12.831 tỷ đồng, trong đó ngành cá tra chiếm tỷ trọng 64,1%.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến tháng 11/2022, lũy kế diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh ước đạt 2.450 ha, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng thu hoạch toàn tỉnh đạt 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản (chủ yếu là chế biến cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu) tại Đồng Tháp, với tổng công suất hơn 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.
Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành ngành có giá trị xuất khẩu lớn thứ ba trong các ngành kinh tế của cả nước.
Hiện Việt Nam có trên 1 triệu ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 70% ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL đang phát triển mạnh, trở thành vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65%.
Hai đối tượng nuôi chủ lực của vùng là cá tra - đóng góp khoảng 98% và tôm - đóng góp khoảng 63% tổng sản lượng cả nước. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, cũng như các ngành nông nghiệp khác, nuôi trồng thủy sản cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đang đối mặt với biến đổi khí hậu, gia tăng khí thải và ô nhiễm môi trường.
Xu hướng nuôi trồng thủy sản trên thế giới và Việt Nam hiện nay là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, hiệu quả và giảm phát thải. Định hướng phát triển chuỗi thủy sản ĐBSCL theo hướng hiện đại, bền vững, ít phát thải là rất cần thiết; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về cá tra - một trong hai đối tượng nuôi chủ lực ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá tiềm năng, lợi thế về thủy sản, nhất là nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL là rất lớn nhưng chưa được tận dụng hết. Trong quá trình phát triển ngành cá tra, vùng gặp nhiều khó khăn như chất lượng con giống, con giống bố mẹ. Ông cho rằng để phát triển ngành cá tra cần khắc phục những hạn chế nêu trên, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc (tỉnh An Giang) ứng dụng công nghệ chọn tạo giống cá tra để nâng cao chất lượng xuất khẩu; Công ty cổ phần Mỹ Lan (tỉnh Trà Vinh) đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nuôi cá tra. Tập đoàn Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) cũng ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến cá tra để đảm bảo xuất khẩu.
Ở giai đoạn cá thịt, công ty thử nghiệm quy trình nuôi cá hạn chế thay nước (IPRS, vi sinh môi trường); ưu tiên sử dụng vi sinh vật có lợi, kiểm soát vi sinh vật có hại, hạn chế sử dụng kháng sinh.
Dư địa phát triển nuôi biển còn rất lớn, cần phát huy tiềm năng này để tạo ra ngành sản xuất rong biển mới, góp phần giảm phát thải.
Ông Lê Văn Sử đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất đối với các vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng, quản lý đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
(VASEP)
Xem thêm: Báo cáo ngành Thủy sản
Báo cáo ngành Thủy sản - số tháng 12/2022
תגובות