Sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro là những sản phẩm sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu sang EU, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu dữ liệu phát thải, chuyển dịch năng lượng còn chưa hoàn thiện, đầu tư năng lượng tái tạo chưa đủ.
Ảnh: Internet
Lĩnh vực nào phát thải carbon nhiều nhất?
Tháng 12.2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện "cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)". Theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu dữ liệu phát thải, chuyển dịch năng lượng còn chưa hoàn thiện, đầu tư năng lượng tái tạo chưa đủ… là thách thức lớn... Vậy cần làm gì để ứng phó khi EU sắp áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu?
Trao đổi về vấn đề này tại toạ đàm "Thị trường Carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?" do Báo Giao thông tổ chức ngày 20.4, ông Nguyễn Thành Công - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua việc kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức phát thải nước ta dao động khoảng mức 300 triệu tấn/năm, tương đương mỗi người phát thải 3 tấn/năm.
Lĩnh vực phát thải nhiều nhất là năng lượng, do Việt Nam là quốc gia đang phát triển, sử dụng nguồn năng lượng lớn, nhất là năng lượng hoá thạch. Ở chiều ngược lại, lĩnh vực giảm phát thải và hấp thụ nhiều nhất là rừng.
Theo ông Nguyễn Thành Công, có 3 cấp kiểm kê phát thải khí nhà kính. Cấp đầu tiên là cấp quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì.
Cấp thứ hai là cấp ngành, gồm các ngành phát thải nhiều như năng lượng, giao thông, xây dựng. Cấp thứ ba là cấp cơ sở, gồm các nhà máy, cơ sở phát thải.
"Hiện Chính phủ quy định khoảng 1.900 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính. Theo lộ trình, đến 2025, doanh nghiệp phải gửi số liệu hoạt động đến các đơn vị chủ quản, để các bộ chủ quản tính toán kiểm kê khí nhà kính, lượng phát thải", ông Công nói.
Làm gì để hàng hoá Việt Nam tránh bị đánh thuế carbon?
Hiện nay, Liên minh Châu Âu là khu vực đầu tiên thực hiện áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hai giải pháp cho vấn đề này. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với doanh nghiệp nhập khẩu Châu Âu về việc có áp mức thuế đó ngay hay không?
Thứ hai, doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang Châu Âu cần chứng minh được đã có động thái góp phẩm giảm phát thải trên từng sản phẩm xuất khẩu thì có thể không phải chịu mức thuế đó.
Ông Nguyễn Thành Công cho rằng, trong tương lai, cần tập trung nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sinh khối. Đồng thời tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng.
Ví dụ, các doanh nghiệp đầu tư sản phẩm điện lạnh cần nghiên cứu các sản phẩm inverter (tiết kiệm điện), tập trung phát triển giao thông xanh, xe điện.
Trên thực tế, hiện có nhiều công ty năng lượng, tổ chức tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, dịch vụ ở nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ bày tỏ lo ngại do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên không biết phải làm gì.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác.
Ông Vũ Chí Công - Trưởng phòng Cấp cao về ESG của Vinacapital - cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hình thành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Dự kiến đến năm 2028, chúng ta sẽ có thị trường carbon.
"Do hiện nay chưa có những quy định về thị trường carbon nên chúng tôi muốn tập trung vào thị trường tự nguyện và bán tín chỉ carbon trên chính thị trường này.
Tại Việt Nam hiện đang có 2 dự án bán tín chỉ carbon ra quốc tế là dự án rừng Bắc Trung Bộ có giá khoảng 6 USD/tấn và dự án ở Quảng Nam là 10 USD/tấn", ông Công nói.
(Lao Động)
Comentários