top of page

Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP, giải ngân vốn đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi quan trọng. Tuy nhiên thực tế, tình trạng giải ngân còn chậm, không ít công trình kéo dài nhiều năm qua cần sớm được khắc phục.


Nhiều vướng mắc về nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng


Giải ngân ngân sách

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - cho biết: "2023 là năm bản lề của đầu tư công. Những tháng cuối năm sẽ là cao điểm của giải ngân vốn ngân sách. Doanh nghiệp hạ tầng giao thông như chúng tôi cũng tập trung sản lượng và kết quả giải ngân vào những tháng cuối năm này".


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, ông Huy nhận thấy khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp nằm ở chính sách và nguyên vật liệu. "Nguyên vật liệu cho các dự án cao tốc Bắc Nam vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, Việt Nam có “rừng vàng biển bạc”, không thiếu đất và cát để phục vụ cho các dự án nhưng cần cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ, cấp phép mỏ vật liệu cho nhà thầu để triển khai dự án theo đúng tiến độ" - ông Huy nói.


Bên cạnh vướng mắc về nguyên vật liệu, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn - cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng cũng có nhiều điểm nghẽn. Theo đó, các doanh nghiệp rất hiếm khi nhận được mặt bằng sạch ngay mà chủ yếu là nhỏ giọt, ngắt quãng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thi công. Đây cũng là nguyên nhân lớn, cản trở các dự án đầu tư công từ trước đến nay.


Bình ổn giá nguyên vật liệu để đảm bảo nguồn cung


Đồng tình với doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước - đánh giá tiến độ công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tại hầu hết các dự án chưa đảm bảo theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Một số dự án mặc dù chậm tiến độ, kéo dài tuy nhiên chưa có biện pháp khắc phục; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc.


Ngoài ra còn tồn tại vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn một số bất cập. "Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế" - ông Hải cho biết.


Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh cần có các giải pháp quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng đồng thời bảo đảm nguồn cung. Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật để đảm bảo đúng tiến độ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn.


BOX: Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68%, tương ứng 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán SSI - kỳ vọng giải ngân đầu tư công năm nay sẽ đạt 95% kế hoạch do năm tài khoá của Việt Nam sẽ kéo dài tới hết tháng 1.2024. Ông nói: "Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn vì là năm cuối của kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Tôi kỳ vọng nếu không giải ngân hết thì vốn còn lại sẽ được Quốc hội chuyển sang phần giải ngân của năm 2024. Bởi kế hoạch của năm 2024 sẽ khó cao bằng 2023 khi cộng với gói phục hồi và phát triển kinh tế".


(Lao Động)


Comentarios


bottom of page