top of page

Hiệp hội ngân hàng: giảm lãi suất cho vay và áp dụng lãi suất tối đa 9,5%/năm.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu: “Các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm;..."


“Nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với các hội viên để kêu gọi và 100% đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất). Các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tiết giảm chi phí…”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết.


Toàn cảnh hội nghị (Nguồn: Bank Times)


Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động. Đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.


Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm đã bao gồm các khoản khuyến mại.


Đến nay, đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay, với mức lãi suất giảm từ 0,5- 3%/năm, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm đến 3,5%/năm. Đây là sự cố gắng, quyết tâm của các tổ chức tín dụng trong việc tiết giảm chi phí và chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp.


Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu: "“Các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất; giảm lãi suất thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, vào các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế…”. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.



Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (Nguồn: CafeF)


Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. NHNN sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách cho hoạt động của các ngân hàng, nhưng phải đảm bảo mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và các mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội đề ra.


Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo & BNEWS.



Bộ dữ liệu báo cáo tài chính của 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam



Comments


bottom of page