top of page

HoREA kiến nghị loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản

Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 10 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3% (so với cùng kỳ năm trước); trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%. TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản thời gian tới.


Nguồn cung vẫn cao


Theo ông Vũ Anh Dũng - Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh bất động sản tại thành phố đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu. Nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh. Nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.


Thị trường bất động sản Việt Nam

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản tại thành phố 9 tháng đầu năm 2023 giảm 8,71% (so với cùng kỳ năm trước); 6 tháng đầu năm 2023 giảm 11,58% và quý I/2023 giảm tới 16,2%. Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 10 tháng đầu năm ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3%; 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.


Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng, 10 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có 1.252 doanh nghiệp hoạt động bất động sản được cấp phép thành lập, giảm 43,7% và vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng, giảm 58,3%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD, giảm 66,3%.


Về nguồn cung nhà ở, dự kiến 11 tháng đầu năm 2023 có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê, mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm tăng 16,8%.


Loạt giải pháp gỡ khó cho bất động sản


Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) có báo cáo tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2023 và đề xuất một số giải pháp về tín dụng để triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Công điện số 993/CĐ-TTg).


Theo HoREA, để các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản thì giải pháp đầu tiên chính là giải pháp "phi tín dụng". Đó là việc các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, để vừa có đủ điều kiện vay tín dụng, vừa tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.


Kèm theo đó, để thực hiện được giải pháp "phi tín dụng", tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, HoREA cho rằng phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một loạt giải pháp về tín dụng, trong đó đề nghị: NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng "nới một chút" điều kiện vay vốn, không quy định "khách hàng có đủ các điều kiện" mà chỉ quy định "khách hàng có các điều kiện" và bổ sung phương thức "khách hàng thỏa thuận với tổ chức tín dụng thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư, thẩm định về dòng tiền của dự án; chi phí thẩm định do khách hàng thanh toán".


Việc này để hỗ trợ ngân hàng thương mại thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.


HoREA đề nghị NHNN tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường, để tăng khả năng "chống chịu" cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.


Đồng thời, hiệp hội đề nghị NHNN xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN), để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện việc xét duyệt cho vay và vay tín dụng.


HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 194 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, bổ sung quy định "việc thực hiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của khoản nợ đó theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản" để "dẫn chiếu" về Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.



"Giải pháp khác thường" xử lý "tình thế bất thường"
HoREA cho biết, đánh giá cao việc NHNN kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và cho rằng đây là một thông tư có vai trò, vị trí rất đặc biệt, là "giải pháp khác thường" để xử lý "tình thế bất thường", nên Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo các các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNH trong một thời gian nhất định nữa cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường.

(Theo Thời báo tài chính)


Comments


bottom of page