top of page

Hậu Covid-19, kinh doanh phòng gym có còn là “miếng bánh ngon”?

Trong giai đoạn 2019 trở về trước, ngành Fitness tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc với ngày càng nhiều phòng tập thể hình và trung tâm thể hình được mở ra trên khắp cả nước. Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm nhận thức của người dân ngày càng tăng về tầm quan trọng của việc tập thể dục, ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Tây cũng như sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Theo đánh giá của Statistics, ngành Fitness của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ bình quân 20% mỗi năm đến năm 2020 với quy mô thị trường khoảng 113 triệu USD.


Các chuỗi thương hiệu phòng gym khi xâm nhập vào thị trường Fitness Việt Nam đều có cho mình một phân khúc khách hàng riêng, cụ thể với phân khúc khách hàng cao cấp, ông lớn đầu ngành là chuỗi phòng gym California Fitness & Yoga, chiếm thị phần hơn 70%, vượt xa các chuỗi thương hiệu còn lại. Có thể cạnh tranh với California Fitness & Yoga trên thị trường là CityGym và chuỗi Elite Fitness, được vận hành bởi Công ty Lifestyle Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Fitness tầm trung lại nhộn nhịp hơn nhiều với sự góp mặt của các thương hiệu như 25 Fit, Fit24, Getfit Gym & Yoga…. Bởi lẽ, quy mô đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng ở phân khúc cao cấp không phải là con số nhỏ.


Tuy nhiên, từ 2019 trở đi, sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch Covid -19 đã tạo một “cú húc” mạnh mẽ tới Fitness tại Việt Nam, làm toàn bộ hệ thống ngành này tê liệt trong suốt 2 năm. Điều này có thể thấy rất rõ qua báo cáo doanh thu trong khoảng thời gian từ năm 2019 – 2021 của các doanh nghiệp. Trong phân khúc khách hàng cao cấp, ông trùm California Fitness & Yoga sụt giảm doanh thu thuần từ 1.012 tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn hơn 900 tỷ vào năm 2021. Elite Fitness – doanh nghiệp nắm giữ thị phần trong ngành Fitness chỉ sau California sụt giảm tới 58% doanh thu so với năm 2019, tương ứng với hơn 250 tỷ đồng. Các thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp và bình dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, một số tên tuổi lớn trong phân khúc bị “bốc hơi” trung bình trên 60% doanh thu so với năm 2019. Điển hình như Getfit Gym & Yoga (61,79%), FIT 24 - Fitness And Yoga Center (65,11%), G-Boss Center (78,8%)…. Tuy nhiên ngành Fitness Việt giai đoạn dịch cũng có điểm sáng, vào tháng 7/2019, nắm bắt tình hình thực tế, 25 FIT đã thành lập studio đầu tiên và nổi lên nhanh chóng nhờ nhượng quyền thương hiệu và áp dụng mô hình tập tinh gọn. Cụ thể, doanh thu thuần của 25 FIT năm 2021 đạt khoảng 50 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với năm 2020.


Sau khi đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 qua đi cũng là lúc các thương hiệu thuộc thị trường Fitness quay trở lại đường đua của mình. Không thể phủ nhận là bên cạnh những thiệt hại gây ra, Covid-19 còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân nâng cao nhận thức về tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Những con số nghiên cứu khảo sát cũng đã phản ánh tình trạng đáng báo động về lối sống và sức khỏe của người Việt. Cụ thể, theo Ken Research, tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CARG) 8,4% trong giai đoạn 2013 - 2018 và dự báo đạt 3,6% vào năm 2023.



Thị trường Fitness hồi phục trở lại, kéo theo đó là có nhiều tên tuổi mới bắt đầu thực hiện nhiều chiến lược, nhằm tranh giành thị phần với các ông lớn trong ngành. Tuy nhiên, đó sẽ là thách thức vì phần lớn “miếng bánh triệu USD” này đang nằm trong tay những thương hiệu cao cấp, vượt xa những phòng tập tầm trung và bình dân.


California Fitness & Yoga

Là ông lớn đầu ngành, chính chuỗi thương hiệu California đã mang một làn gió mới vào thị trường Fitness Việt Nam từ những năm 2007. Trong khi Fitness chỉ là một nhánh thuộc hệ sinh thái của các thương hiệu như Elite Fitness, Nova Group, CityGym… thì California hoàn toàn tập trung vào Fitness và chiếm thị phần hơn 70% tính cho đến tháng 10/2022. Đến nay, Cali có khoảng hơn 250.000 hội viên cùng hơn 35 chi nhánh khắp cả nước. Ước tính trong một năm, chuỗi này có 11 triệu lượt khách đến tập.


Tuy nhiên, vì sự phát triển quá nhanh, California cũng từng vướng phải nhận xét không tốt của khách hàng về phương thức hoạt động và phong cách bán hàng. Vì thế, định hướng cuối năm 2022, California cho biết sẽ đi chậm lại, dừng mở thêm chi nhánh mới và tập trung nâng cao chất lượng cho khách hàng đã có của mình. Đây cũng là sự điều chỉnh cần thiết sau thời gian phát triển hội viên ồ ạt và không rõ ràng trong việc xác định giá cả.


Doanh thu chuỗi phòng gym này cũng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Theo báo cáo, từ năm 2018 đến 2019, Cali chứng kiến sự tăng doanh thu với tốc độ chóng mặt, từ hơn 300 tỷ đồng lên 1.012 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Nguyên nhân là trong giai đoạn này California Fitness sáp nhập vào tập đoàn Fitness and Lifestyle Group - tập đoàn thể dục thể hình lớn thứ 3 trên thế giới, thực hiện các chiến dịch quảng bá và hướng về cộng đồng như We are California, CaliDream - Đưa bạn chạm đến ước mơ…. Từ 2019 trở đi, trong thời gian cách ly xã hội, tình hình kinh doanh của chuỗi phòng tập bị ảnh hưởng khá nhiều. Doanh thu của Cali tính đến năm 2021 sụt giảm còn hơn 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng này so với các đối thủ khác còn khá là thấp.


Lợi nhuận sau thuế của Cali trong giai đoạn 2019 – 2021 cũng khá ảm đạm và tăng trưởng theo chiều hướng âm, cụ thể lợi nhuận của California 2021 báo âm 360 tỷ đồng.


Elite Fitness

Ra đời vào năm 2010, Elite Fitness là hệ thống CLB thể thao do tập đoàn BIM Việt Nam làm chủ với hơn 15 cơ sở trải dài trên cả nước. Elite chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phòng tập, máy móc, thiết kế nội thất và đa dạng hóa các bài tập tùy theo nhu cầu của người dân như là Gym, Yoga, Dance…


Từng là chuỗi thương hiệu mang về lợi nhuận cao thứ 2 chỉ sau California nhưng trong 3 năm gần đây, Elite cũng cho thấy doanh thu sụt giảm nặng nề, cụ thể doanh thu chuỗi này giảm từ hơn 450 tỷ đồng năm 2019 xuống còn gần 200 tỷ đồng vào 2021, giảm hơn 58%. Nguyên nhân không chỉ do tình hình dịch bệnh mà còn đến từ vụ việc Elite bị tố làm lộ thông tin hơn 500.000 khách hàng vào năm 2020 làm uy tín của chuỗi này giảm sút nghiêm trọng.


Tuy nhiên, so với các thương hiệu khác, Elite vào năm 2019 vẫn mang lại được lãi ròng 2,3 tỷ đồng, trong khi các đối thủ đã ôm lỗ với mức trung bình hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2020 trở đi, lợi nhuận ròng Elite mang về là con số âm. Năm 2020 và 2021 lợi nhuận của Elite báo lỗ ở mức âm gần 30 tỷ đồng và âm hơn 80 tỷ đồng.


City Gym

Thương hiệu mới ra đời vào tháng 6/2018, khá trẻ so với hai anh lớn có tên tuổi như California và Elite nhưng City Gym hiểu thế mạnh của mình là có hệ thống phòng tập với vị trí thuận tiện cho người đi làm, chẳng hạn như ở tầng trệt của một tòa nhà, hay gần đường lớn. Thương hiệu này rõ ràng đã nắm được những bất lợi của các đối thủ nên tập trung khắc phục được những điều đó, như là vị trí phòng tập, giá cả cũng như là mặt truyền thông.


Năm 2020, doanh thu thuần của City Gym đạt mốc hơn 16 tỷ, tăng 64,8% so với năm 2019. Giai đoạn 2018 – 2020 cũng là thời kì doanh nghiệp này tăng trưởng nhanh nhất, cho đến 2021 thì theo sự sụt giảm toàn ngành chung, doanh thu của City Gym cũng giảm 26% doanh thu so với 2020.


Tăng trưởng âm ngày càng có xu hướng khuếch đại đối với lợi nhuận sau thuế của chuỗi gym này, cụ thể đến năm 2021 lợi nhuận sau thuế của chuỗi là âm hơn 85 tỷ đồng.



FIT 25

Góp mặt vào thị trường Fitness vào cuối năm 2019 nhưng FIT 25 đã tạo nên sự khác biệt so với những tên tuổi trước đó bằng xu hướng luyện tập mới, đó là kết hợp luyện tập với công nghệ mà công cụ chính là máy EMS. Công nghệ chủ yếu giúp cho quá trình luyện tập của khách hàng được hiệu quả nhanh hơn so với truyền thống. Đến cuối năm 2022, FIT 25 đã mở rộng được 41 chi nhánh, vượt mặt cả ông trùm California về số lượng. Tuy nhiên, mô hình mỗi cơ sở của FIT 25 chỉ hướng đến phục vụ tập luyện riêng tư là chủ yếu nên số lượng khách hàng phục vụ được còn hạn chế.


Nhờ áp dụng công nghệ cùng nắm bắt kịp thời nhu cầu của người dân trong thời gian dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng doanh thu của FIT 25 thu được so với toàn ngành là vô cùng ấn tượng. Năm 2020, doanh thu chuỗi này được ghi nhận là gần 30 tỷ đồng, trước khi tăng 81% và cán mốc hơn 50 tỷ vào năm 2021.

Tuy nhiên, do mô hình đầu tư còn non trẻ, vốn đầu tư cho máy móc thiết bị nhiều nên lợi nhuận thuần thu được của FIT 25 không được khả quan. FIT 25 ghi nhận lợi nhuận năm 2020 vỏn vẹn gần 0,5 tỷ đồng và giảm với tốc độ nhanh hơn các thương hiệu khác, xuống mức âm hơn 25 tỷ vào năm 2021.


FIT 24 - Fitness And Yoga Center

Đây là Trung tâm Thể dục Thể hình & Yoga của Đức đầu tiên ở TP.HCM và được thành lập vào tháng 5/2012. Sau 10 năm hoạt động, thương hiệu đã mở rộng được tổng cả là 6 chi nhánh.


Với thị phần còn khiêm tốn, doanh thu của chuỗi này năm 2018 chạm mức 24.7 tỷ đồng và tăng nhanh vào năm 2019 với con số hơn 40 tỷ, tăng gần 64,4%. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2021, một phần do tuân thủ quy định giãn cách xã hội bằng việc đóng cửa tạm thời, hạn chế số lượng khách hàng, doanh nghiệp này cũng chịu cảnh “bốc hơi” doanh thu thuần mà cụ thể là giảm gần 21 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng của Fit 24 lao dốc nhanh trong giai đoạn khó khăn chung cùng ngành, vào năm 2021, chuỗi gym báo lỗ gấp 4 lần so với năm trước, ôm lỗ gần 8 tỷ đồng.


Getfit Gym & Yoga

Getfit được thành lập vào 2010 tại Việt Nam, với tuổi đời hơn 12 năm, thương hiệu đã thu hút được hơn 18.000 hội viên tham gia. Hệ thống phòng gym hướng đến cung cấp cho khách hàng một môi trường tập luyện tiện nghi, thoải mái và rộng rãi với diện tích 2.500 m2.


Theo báo cáo, doanh thu thuần của Getfit trong 2021 đạt gần 5 tỷ đồng, giảm gần gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo cuối năm 2021, Getfit lại là thương hiệu duy nhất lội ngược dòng, có mức lợi nhuận ròng dương trong tổng thể các chuỗi gym còn lại. Cụ thể, lợi nhuận ròng năm 2020 của hãng đang là âm hơn 3 tỷ đồng, con số này đến năm 2021 đã tăng lên gần 9 tỷ đồng. Sự tăng trưởng đột biến này có thể được lý giải nhờ dự án Getfit IPO của thương hiệu vào nửa cuối năm 2021.


Các nhà lãnh đạo đang định hướng đưa Getfit tiến lên hành trình IPO (phát hành chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) với mục tiêu trong 5 năm tới là phát triển mặt bằng chuỗi. Ngày 29/6/2021, Getfit Holding đã tổ chức buổi Leader Talk Online nhằm kêu gọi sự hợp tác từ các nhà đầu tư thiên thần cho Dự án Getfit IPO, trở thành dự án IPO tiên phong đầu tiên trong ngành Fitness.


SEVEN GYM

Seven Gym ra đời khá muộn trong thị trường Fitness Việt nên thị phần của thương hiệu này cũng còn khá ít so với các chuỗi khác. Kim chỉ nam của Seven Gym là hướng đến khách hàng nhờ cung cấp các cơ sở thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài và phúc lợi cho hội viên.


Gặp phải khó khăn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động phòng gym trong thời điểm giãn cách xã hội, doanh thu thuần của Seven Gym năm 2021 đã sụt giảm một nửa so với doanh thu của năm 2020, cụ thể doanh thu của năm 2020 là hơn 6 tỷ đồng, chỉ còn hơn 3 tỷ đồng vào năm tiếp theo.


Lợi nhuận sau thuế trong cả 3 năm từ 2019 – 2021 của Seven Gym đều báo lỗ nhưng con số đã được điều chỉnh cải thiện qua từng năm. Lợi nhuận năm 2020 và 2021 của Seven Gym lần lượt là âm hơn 3 tỷ đồng và âm hơn 2 tỷ đồng, tương ứng tăng 38,9%.


Xu hướng ngành Fitness trong tương lai – công nghệ phòng gym lên ngôi


Theo một thống kê, tỷ lệ thâm nhập thị trường của Fitness vào tầng lớp trung lưu tại Hồng Kông là 14%, Úc là 23% và Mỹ là 17%. Còn tại Việt Nam, con số này vẫn dưới 1% và đang tăng trưởng. Ông Dane Fort, Tổng Giám đốc FLG Việt Nam – đơn vị sở hữu California cho biết “Trước đại dịch, Việt Nam chỉ tồn tại những phòng tập chuyên dụng như phòng tập yoga, phòng tập boxing… Sau đại dịch, xu hướng cũ lại trở thành xu hướng mới khi mọi người mong muốn được tập luyện ở một nơi có đầy đủ các loại hình tập luyện, tự do lựa chọn đa dạng bộ môn khác nhau chỉ với một thẻ hội viên”.


Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, giá trị GDP của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí năm 2020 là 35,57 nghìn tỷ đồng, đóng góp 0,57% vào GDP cả nước. Rõ ràng, ngành Fitness ở Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua do đại dịch Covid-19. Nhiều cơ sở, phòng tập gym đã bị buộc phải đóng cửa hoặc giới hạn số lượng khách hàng để tuân thủ các quy định về an toàn và sức khỏe. Giờ đây, khi hạn chế này được giảm dần, ngành gym ở Việt Nam dự kiến sẽ được phục hồi và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển này sẽ theo xu hướng mới, phù hợp với tình hình xã hội và nhu cầu của người dân hơn.


Một trong những xu hướng mới trong ngành Fitness ở Việt Nam sau đại dịch Covid-19 là sự tăng trưởng của các dịch vụ tập luyện trực tuyến. Với sự phát triển của công nghệ, người dùng có thể tham gia các lớp tập luyện trực tuyến từ xa và theo kế hoạch tập luyện cá nhân hơn. Nhiều cơ sở đang hướng tới cung cấp các lớp học ảo và các chương trình đào tạo trực tuyến, cho phép mọi người tập thể dục thoải mái và an toàn tại nhà riêng của họ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục khi mọi người ngày càng quen với việc sử dụng công nghệ để giữ dáng và khi các cơ sở thể dục tìm cách thích nghi với trạng thái bình thường mới.


Ngoài ra, ngành Fitness cũng được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển về chất lượng và sự đa dạng của các dịch vụ được cung cấp. Nhiều thương hiệu như California, City Gym … hiện nay cũng đang cung cấp nhiều loại dịch vụ ngoài các lựa chọn tập luyện truyền thống, chẳng hạn như yoga, Pilates và các lớp chuyên biệt khác.


Có thể thấy các thương hiệu phòng gym cũng đang nỗ lực quay trở lại đường đua và tìm cách giữ chân khách hàng của mình. Chẳng hạn như anh lớn California, ngay trong mùa dịch, đã ra mắt chương trình mới Cali x Home cho khách hàng, bao gồm các bài tập online hướng dẫn luyện tập thể thao tại nhà. 25 FIT cũng nhanh chóng đưa ra dịch vụ 25 FIT AT HOME. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần đặt lịch hẹn thông qua hệ thống công nghệ, huấn luyện viên sẽ mang máy tập EMS đến tận nhà. UFC Gym, một thương hiệu mới ở Việt Nam vài năm trở lại đây, cũng đã cung cấp cho hội viên những bài tập tại nhà thông qua Instagram Live Feed…


Một xu hướng khác có thể thấy trong ngành Fitness Việt là chú trọng vào các hoạt động ngoài trời và giãn cách xã hội. Với nguy cơ lây truyền trong môi trường trong nhà, nhiều người có thể có xu hướng theo đuổi các hoạt động thể dục ngoài trời hơn như chạy bộ, đi bộ đường dài và đạp xe. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng mức độ phổ biến của các hoạt động này và nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ liên quan.


Trong tương lai, dự kiến các lớp thể dục nhóm và các hoạt động khác cho phép mọi người tập thể dục với bạn bè và gia đình cũng sẽ trở thành xu hướng. Xu hướng này có thể được thúc đẩy bởi sự phổ biến của mạng xã hội và mong muốn có được trải nghiệm tập thể dục thú vị và tương tác hơn.


Nhìn chung, ngành Fitness dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển sau đại dịch Covid-19, tập trung vào các lựa chọn trực tuyến và ngoài trời, ưu tiên sự an toàn và giãn cách xã hội. Thị trường Fitness Việt Nam sẽ còn là “miếng bánh ngon” cho các thương hiệu nhanh chóng nắm bắt được xu thế thị trường và đáp ứng kịp thời các nhu cầu của khách hàng.


Nguồn: Báo cáo ngành Fitness 2022 của Vietdata





Comments


bottom of page