top of page

HẬU COVID-19: ĐA PHẦN CÁC ÔNG LỚN TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH CHUỖI NHÀ HÀNG ĐỀU BÁO LỖ

Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong việc đầu tư và phát triển các ngành hàng nói chung và ngành thực phẩm và đồ uống nói riêng. Theo Statista (2021), doanh thu bán lẻ thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam sẽ đạt mức 66,3 tỷ USD vào năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) gần 5% và quy mô không ngừng mở rộng thì Việt Nam đang có một sức hút rất lớn đối với các ông lớn trong ngành. Cùng với đó là sự thành công của các ông lớn trong việc kinh doanh theo mô hình chuỗi nhà hàng đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Trong một vài năm trở lại đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,…các chuỗi nhà hàng “mọc lên như nấm”. Đặc biệt phải kể đến chuỗi nhà hàng của Golden Gate, Red Wok, Redsun, MK Restaurant,...và các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, McDonald’s, Pizza Hut, Burger King,...



Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến tình hình kinh doanh của các chuỗi nhà hàng này. Đáng chú ý hơn là hầu hết các ông lớn đều báo lỗ.


CTCP Thương Mại Dịch Vụ Cổng Vàng - Golden Gate là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng. Hiện Golden Gate đang nắm giữ “ngôi vị” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng với hơn 22 thương hiệu như Gogi House, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Phố ngon 37, Daruma,...và gần 400 nhà hàng, phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.


Sự thành công cũng như phát triển vượt bậc của các chuỗi cửa hàng đã đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp này. Với mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đã giúp cho Golden Gate này trở thành “ông trùm” của lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng.


Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch covid mà Golden Gate phải đóng cửa một số cửa hàng dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm. Mặc dù trước đó vào năm 2019, doanh thu của ông lớn này đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, nhưng đến năm 2021, chuỗi nhà hàng này chỉ mang về hơn 3 nghìn tỷ đồng và thậm chí là lỗ trước thuế hơn 400 tỷ đồng.


Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun-ITI Corporation) được thành lập vào năm 2008. Cho đến nay Redsun đã sở hữu hơn 200 nhà hàng với 15 thương hiệu như King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Hotpot Story,...


Có thể thấy Redsun là một trong những chuỗi nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, khi doanh thu liên tục giảm. Kể từ năm 2020, doanh thu giảm hơn 50% so với năm 2019, và mức lỗ trước thuế gần 100 tỷ đồng.





Công Ty Cổ Phần Ẩm Thực Chảo Đỏ - Red Wok được thành lập vào năm 2006 và là công ty tiên phong kinh doanh về chuỗi nhà hàng món Việt. Hiện nay Chảo Đỏ đang sở hữu 4 thương hiệu ẩm thực Việt: Wrap & Roll, Bia Craft, Lẩu bò Sài Gòn và Quán Ụt Ụt.


Mặc dù được sự đầu tư từ quỹ Mekong Capital nhưng chuỗi nhà hàng này vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh khi doanh thu giảm hơn 50% vào năm 2021 và liên tục bị lỗ trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021.


Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS) là đơn vị chuyên kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng hàng đầu ở nước ngoài như Burger King, Domino’s Pizza, Popeyes,...Tuy không sở hữu những thương hiệu của riêng mình nhưng VFBS vẫn mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong thời kì covid diễn ra, doanh thu của VFBS vẫn có sự tăng trưởng và giảm nhẹ khoảng 5% vào năm 2021. Mặc dù vậy, các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này vẫn khó có thể đứng vững trước sự phát triển của các đối thủ trong ngành.


Chuỗi nhà hàng MK là thương hiệu nổi tiếng đến từ Thái Lan, gia nhập Việt Nam từ năm 2010, dưới sự quản lý của Tập đoàn Mesa. Hiện nay, chuỗi nhà hàng Lẩu Tươi MK đã phát triển và mở rộng với 8 nhà hàng hiện đại, sang trọng tọa lạc tại các trung tâm thương mại lớn nhất TP.HCM và Bình Dương.


Có thể thấy, MK là thương hiệu duy nhất giữ vững được sự tăng trưởng về mức doanh thu qua các năm trong giai đoạn 2017-2021 so với các ông lớn khác. Đến năm 2021, chuỗi nhà hàng này ghi nhận mức doanh thu hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch covid cũng làm cho chuỗi nhà hàng này gặp khó khăn. Mặc dù doanh thu ở mức khá cao, nhưng lợi nhuận trước thuế của chuỗi F&B này khá thấp và thậm chí lỗ vào năm 2021.


KFC là một trong những chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có quy mô và tầm ảnh hưởng nhất hiện nay, với hơn 20 nghìn cửa hàng trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. KFC đã khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1997. Đến nay, hệ thống các nhà hàng của KFC đã phát triển tới hơn 153 nhà hàng, có mặt tại hơn 36 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước.


Năm 2019, KFC đạt doanh thu gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 năm 2020 và năm 2021, dưới tác động của đại dịch doanh thu của chuỗi nhà hàng này liên tục giảm và thậm chí là lỗ trước thuế gần 50 tỷ đồng (năm 2021).


Lotteria gia nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 1998, tuy gia nhập muộn nhưng chuỗi fast food này đã nhanh chóng phát triển và trở thành đối thủ “đáng gờm”. Với mức doanh thu gần 1,7 nghìn đồng (năm 2019) Lotteria đã vượt mặt KFC và McDonald’s. Mặc dù doanh thu luôn ở mức cao, nhưng chuỗi nhà hàng này liên tục báo lỗ, nhất là từ khi dịch covid diễn ra. Năm 2021, Lotteria lỗ trước thuế gần 200 tỷ đồng.


McDonald’s gia nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2013, khá muộn so với 2 ông lớn là KFC và Lotteria. Cũng là một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nhưng McDonald’s lại chuyên về hamburger.


Xét về chỉ tiêu doanh thu, chuỗi McDonald’s cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi dịch covid - 19, khi doanh thu năm 2021 chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng (giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2020). Đáng chú ý là giai đoạn 2017-2021, McDonald’s liên tục báo lỗ.





Pizza 4P’s là chuỗi nhà hàng do cặp vợ chồng người Nhật Yosuke Masuko và Sanae - mở tại Việt Nam. Với mong muốn trở thành công ty dẫn đầu về trải nghiệm ẩm thực sang trọng tại Châu Á. Hiện chuỗi đã có 25 nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang.


Tình hình của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này có vẻ khả quan trong giai đoạn trước năm 2019 khi mức doanh tăng trưởng liên tục và đạt trên 560 tỷ đồng vào năm 2019. Kể từ năm 2020, doanh thu bắt đầu có xu hướng sụt giảm và xuất hiện tình trạng lỗ.


The Pizza Company là thương hiệu thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Minor Food Group. Chuỗi nhà hàng Pizza phong vị Ý này gia nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2013 và hiện sở hữu hơn 70 nhà hàng trên toàn quốc.


Kể từ khi dịch covid diễn ra thì doanh thu của chuỗi nhà hàng pizza này giảm nhẹ. Cụ thể năm 2021, doanh thu của The Pizza Company giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù đứng thứ 2 trên thị trường pizza về mặt doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế của chuỗi nhà hàng fast food này liên tục âm trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021.


Pizza Hut là chuỗi nhà hàng thuộc tập đoàn Yum!. Pizza Hut có mặt tại Việt Nam từ năm 2006 và hiện sở hữu hơn 110 nhà hàng với trên 3.000 nhân viên. Chuỗi nhà hàng này đứng đầu thị trường pizza dù tình hình hoạt động kinh doanh có xu hướng suy giảm do dịch covid - 19. Cũng như các chuỗi nhà hàng khác, Pizza Hut liên tục báo lỗ trong những năm gần đây. Đáng chú ý là năm 2021, công ty này lỗ gần 100 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.


Tuy tình hình kinh doanh trong những năm gần đây của các ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng có sự suy giảm do sự xuất hiện của đại dịch covid-19, nhưng các chuỗi nhà hàng này đã không ngừng đổi mới và tìm ra hướng đi cho riêng mình. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển và quy mô không ngừng được mở rộng, thị trường Việt Nam là một nơi đầy tiềm năng để các nhà đầu tư kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh theo mô hình chuỗi nhà hàng.


Nguồn: Vietdata

Comments


bottom of page