Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ có khoảng 90 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024.
Cụ thể, theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (Thuế TTTC).
Theo tính toán có khoảng 90 Tập đoàn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế này nếu áp dụng từ năm 2024; nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 10.000 - 20.000 tỉ đồng.
Ảnh: Tổng cục thuế
Không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại.
Lũy kế đến 20.3, Việt Nam đã có trên 1.620 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 21,9 tỉ USD.
Như vậy, Thuế TTTC cũng tạo ra cơ hội đánh thuế khi Việt Nam áp dụng quy định chung vềThuế TTTC.
Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.
Đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Việt Nam cần chủ động thực hiện ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với Thuế TTTC tại Việt Nam.
Đồng thời, để hạn chế tác động tiêu cực đối với thu hút đầu tư, Phó Tổng cục trưởng lưu ý, Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế TTTC, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch.
“Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.
Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.
Trong khi đó, theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk, cạnh tranh thuế gây hại đã gia tăng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Trong khi các nền kinh tế phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương áp dụng ít ưu đãi thì các nền kinh tế đang phát triển áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế gây tác động về thu ngân sách cho Chính phủ.
"Các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không coi ưu đãi thuế là lý do chính để chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó, môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI" - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Do vậy, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, nhân cơ hội triển khai Thuế TTTC, Việt Nam cần áp dụng quan điểm tổng thể hơn về thu hút vốn đầu tư với đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt hiệu quả như mong muốn.
(Lao Động)
Hozzászólások