top of page

Khu kinh tế, khu công nghiệp Việt Nam 2022: Khơi thông nguồn vốn đầu tư mới

Theo đánh giá của các chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cơ hội vàng thu hút làn sóng đầu tư mới


Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên cơ hội vàng thu hút làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như bên cạnh sự ổn định chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong khu vực; các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.


Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã có sự phục hồi tích cực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022; kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động FDI và xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.


Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,05 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.


Cùng với đó, việc Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hứa hẹn sẽ làm gia tăng dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc và sự tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành, điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền đã và đang được cải thiện rõ rệt.


Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của Việt Nam với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau đại dịch.


Tại diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập.


Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).


Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng của thế giới. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các KCN.


Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.


Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…


Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc… Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.


Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, vốn giải ngân FDI trong 9 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ phản ánh nhu cầu tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động của các dự án hiện hữu vẫn tiếp tục tăng bất chấp tác động của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp FDI đang phục hồi và dần mở rộng dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron…


Với những nhân tố thuận lợi trên, các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế đánh giá, cơ hội để tạo một làn sóng đầu tư mới vào các KKT, KCN tại Việt Nam là rất lớn.


Nguồn: Internet


Tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn vốn để thu hút đầu tư


Dù cơ hội để thu hút nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp của Việt Nam là rất lớn, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đánh giá còn khá nhiều rào cản cần phải tháo gỡ. Hiện, có 4 rào cản lớn khiến dòng vốn có thể bị "tắc": Thứ nhất, thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; Thứ hai, việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài; Thứ ba, các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất; Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp - khu kinh tế.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện nay, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, việc duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế…


Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định này đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế…


Tại diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế", Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị định 35 được đánh giá mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà. Cụ thể, Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP như: Phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN; cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như: Lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt, lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…


Bên cạnh đó, Nghị định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”; ban quản lý các KCN, KKT được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây.


Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Nghị định 35/2022/NĐ-CP được kỳ vọng là "đũa thần", tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách trong quản lý khu công nghiệp, tạo sức hút mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, tiết kiệm thời gian triển khai các dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xác định rõ quan điểm định hướng và mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 667/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Theo đó, xác định mục tiêu tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.


Chiến lược cũng đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN); phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan toả; phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác ĐTNN.


Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn vào các KKT, KCN của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, đặc biệt nhấn mạnh đến việc sớm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài…


Hy vọng rằng, những nút thắt, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý KKT, KCN sẽ dần được tháo gỡ; tiến tới xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh các KCN, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi; tạo sức hút mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KKT, KCN Việt Nam ./


(Tạp chí Con số Sự kiện)






Comments


bottom of page