top of page

Khó khăn "bủa vây", doanh thu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục giảm

TCDN - Thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng. 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022) trong đó bảo hiểm nhân thọ giảm, bảo hiểm phi nhân thọ tăng.


9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022)
9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022)

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực do tác động của tình hình quốc tế và trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt.


Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2023 ước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022).


Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).


Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022).


Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.


Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, tính đến hết tháng 6/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (16.036 tỷ đồng và 20,6%), Manulife (13.357 tỷ đồng và 17,2%), Prudential (12.842 tỷ đồng và 16,5%), Dai-ichi Life (9.737 tỷ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỷ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỷ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỷ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỷ đồng và 3,03% ), Generali (2.122 tỷ đồng và 2,7%), Chubb Life (2.092 tỷ đồng và 2,7%), Hanwha Life (1.908 tỷ đồng và 2,5%), Cathay Life (1.408 tỷ đồng và 1,8%), MVI (1.133 tỷ đồng và 1,46%), BIDV Metlife (792 tỷ đồng và 1,02%), các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.199 tỷ đồng và 1,5%).


Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.


Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5%.


Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.


Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 10%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030.


Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.


(Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp)


Commentaires


bottom of page