top of page

KIDO - Tham vọng giành lại vị trí dẫn đầu trong thị trường bánh kẹo Việt

Trong những năm qua, thị trường bánh kẹo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá ổn định đạt khoảng 8-10% / năm. So với giai đoạn trước năm 2015, tốc độ tăng trưởng thị trường bánh kẹo hiện nay đã giảm hơn nhiều. Tuy nhiên dưới góc độ đầu tư nước ngoài, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn.



So sánh với tốc độ tăng trưởng trung bình ngành bánh kẹo trên thế giới khoảng 1,5% và riêng Đông Nam Á là 3%, mức tăng trưởng của bánh kẹo Việt Nam vẫn cao. Hiện tại, mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân của một người Việt Nam khoảng 2kg/ năm, còn khá thấp so với dân số trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo dự báo mức tiêu thụ bánh kẹo cũng sẽ tăng trong thời gian tới.


Canh tranh giữa nhà sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài


Việt Nam hiện là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài và rất có tiềm năng trong khu vực châu Á. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh rất lớn.


So với các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước thì các doanh nghiệp nước ngoài luôn có lợi thế hơn về tiềm lực tài chính cũng như công nghệ. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần không ngừng đổi mới và cải thiện để có thể cạnh tranh được. Thị hiếu người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi nhiều so với thời trước, một sản phẩm chất lượng không chỉ cần ngon mà còn phải đẹp.


Để làm được điều này, các nhà sản xuất phải thực sự đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, thấu hiểu sở thích người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cần có kế hoạch tiếp thị quy mô lớn, cố gắng đưa nhiều hơn các mặt hàng vào hệ thống những siêu thị nổi tiếng cũng như đại lý, cửa hàng tạp hóa,...


Trên thị trường bánh kẹo có những tên tuổi chiếm thị phần lớn như Bibica, Hải Hà, Kinh Đô, KIDO,... Ngoài ra, các thương hiệu ngoại cũng tạo được tiếng vang tại thị trường Việt Nam như Orion, Liwayway,... Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn do các Hiệp định thương mại tự do khiến ngày càng có nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước do có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.


Theo ước tính, hiện có đến hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong nước và một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài đang tham gia thị trường bánh kẹo Việt Nam.



Một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có tên tuổi lớn có thể kể đến như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica, Orion Việt Nam ước tính cùng nhau chiếm tới 75-80% thị phần. Trong đó bánh kẹo ngoại nhập chỉ chiếm 20%-25%. Với việc không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm từ mẫu mã đến hương vị, các doanh nghiệp trong nước ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trên thị trường bánh kẹo Việt Nam.


Như vậy có thể thấy thị trường ngành công nghiệp bánh kẹo Việt Nam 2022 chuyển biến tích cực và là thị trường tiềm năng cho nhiều nhà kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại thị trường này có sức cạnh tranh khá cao nên yêu cầu các nhà sản xuất cần không ngừng đổi mới để phát triển.


KIDO

Sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo với giá khoảng 370 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng) cho Mondelez International, công ty Cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (Kido Corporation) và quyết định xoay trục phát triển sang không gian thị trường rộng lớn hơn là thực phẩm thiết yếu với các sản phẩm như dầu ăn Tường An, Marvela; mì gói Gia Đình; kem, sữa chua Merino, Celano,…


Với tham vọng quay lại thị trường mảng bánh kẹo, KIDO đã tung ra thị trường khoảng 4 triệu bánh trung thu hiệu Kingdom trong mùa trung thu 2020. Quay lại mảng bánh kẹo với KIDO sau 6 năm, KIDO tận dụng được tất cả thế mạnh am hiểu thị trường, độ phủ hệ thống phân phối, mối quan hệ với những đối tác và cả về nguồn lực tài chính.


Về sản phẩm, KIDO không chọn tung ra các dòng sản phẩm truyền thống ngày xưa cũ mà đưa ra các dòng mới, bắt trend như bánh trung thu lava, bánh trung thu socola chảy, bánh mì hoa cúc,... Điều này cho thấy KIDO nhanh nhạy nhận ra những thay đổi trên thị trường và quyết định không đi theo hướng đại trà như trước đây mà tập trung sản xuất những sản phẩm mới mẻ, có nhu cầu lớn.


Mặc dù mới quay lại thị trường bánh kẹo và nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng cũ. Tuy nhiên, doanh thu của KIDO không đến nhiều từ lĩnh vực bánh kẹo mà đến từ sản xuất dầu ăn, kem,... Doanh thu năm 2022 của KIDO đạt 15000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021 và tăng gần 340% so với năm 2019, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác. Doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận của KIDO đạt tầm trung trong các thương hiệu. Cụ thể, lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 500 tỷ đồng tăng 50% so với năm 2020. Đến năm 2022, lợi nhuận giảm trở lại đạt khoảng 385 tỷ đồng.


Mondelez Kinh Đô

Kinh Đô là một trong những thương hiệu bánh kẹo lâu đời của Việt Nam. Ra mắt vào năm 1993, thương hiệu mang đến rất nhiều ký ức cho bao thế hệ người Việt. Sau 10 năm phát triển rực rỡ, đến năm 2015, Mondelēz International đã mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô và đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam. Còn Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015.


Dù đã đổi chủ nhưng Kinh Đô vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm và luôn được người dùng tin tưởng. Bánh kẹo Kinh Đô tập trung vào phân khúc trung và cao cấp với các thương hiệu Kinh Đô, Cosy, Solite, Slide, AFC, LU, Ore. Bên cạnh thị trường Việt Nam, bánh kẹo Kinh Đô cũng rất phát triển trên thế giới.


Từ năm 2020-2022, doanh thu thuần có sự biến động nhẹ trong 3 năm. Doanh thu năm 2021 giảm 14% so với năm 2020, tuy nhiên đến năm 2022 doanh thu đã tăng trở lại khoảng 43% so với năm trước, đạt gần 5000 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng có sự dao động như doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận năm 2022 vẫn chưa đạt qua mới lợi nhuận năm 2020. Cụ thể năm 2022 lợi nhuận đạt khoảng 326 tỷ đồng nhưng lợi nhuận 2020 đạt gần 270 tỷ đồng.


Orion Vina

Là công ty trực thuộc tập đoàn Orion của Hàn Quốc. Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ năm 2005 và hiện có hai nhà máy tại TP.HCM và Bắc Ninh. Một số sản phẩm nổi tiếng của Orion như ChocoPie, Custas, Gouté, bim bim O’Star đều được trẻ em và người lớn yêu thích. Với giá cả bình dân, hương vị ngon tuyệt đã giúp Orion Vina có chỗ đứng và chiếm được sự yêu thích của mọi người.


Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Orion Vina tăng đều theo từng năm trong giai đoạn từ 2020-2022. Cụ thể, năm 2022 doanh thu của thương hiệu đạt gần 9500 tỷ, tăng 32% so với năm trước và tăng 62% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 31-34% lên hơn 1.500 tỷ đồng.



Bibica

Công ty cổ phần Bibica là một trong những công ty sản xuất và kinh doanh bánh kẹo hàng đầu tại Việt Nam và có thương hiệu rất quen thuộc với người tiêu dùng. Mỗi năm công ty có thể cung cấp cho thị trường hơn 20.000 tấn bánh kẹo các loại như: bánh tết, bánh quy, Socola, bánh trung thu, kẹo cứng, kẹo mềm,… Một số thương hiệu bánh kẹo khá mạnh trên thị trường của Bibica như Hura, Goody, Orienko, Migita, Tứ Quý, Bốn Mùa,…

Năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 1600 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2021 chứng kiến sự giảm rõ ràng, giảm hơn 4 lần so với năm 2020. Tuy nhiên năm 2022, lợi nhuận tăng mạnh trở lại, gấp 2 lần so với năm 2020 và tăng hơn 750% so với năm 2021.


Liwayway Sài Gòn

Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Thực Phẩm Liwayway Sài Gòn chuyên sản xuất và phân phối các loại snack, nước đóng chai thương hiệu Oishi phục vụ thị trường trong nước. Oishi là một trong những thương hiệu đa quốc gia đầu tiên vào thị trường Việt Nam và có nhà máy đầu tiên tại Bình Dương. Đến nay, bên cạnh những món ăn vặt phổ biến, Oishi còn phát triển thêm bánh quy, kẹo, nước ngọt.


Doanh thu thuần của Liwayway Sài Gòn năm 2022 đạt 2280 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% so với 2021 và 15% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ vào năm 2021 tuy nhiên năm 2022 doanh nghiệp đã đạt lợi nhuận dương trở lại gần 270 tỷ đồng, tăng 8% so với 2019.


Hải Hà

Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà được thành lập từ năm 1960 và đã phát triển trở thành một trong những thương hiệu lớn đến từ Việt Nam trong ngành bánh kẹo. Sản phẩm chính của công ty là kẹo, sau đó là bánh các loại, Hải Hà hướng đến phân khúc khách hàng bình dân, luôn đi kèm với chất lượng và giá cả cạnh tranh.


Doanh thu Hải Hà giảm 34% vào năm 2021 và tăng lại vào năm 2022 đạt mức gần 1450 tỷ đồng. Doanh thu thuần không có sự thay đổi nhiều so với 2019. Về lợi nhuận, từ năm 2020 đến năm 2021, lợi nhuận tăng 12 tỷ từ 40 tỷ đồng đến 52 tỷ. Lợi nhuận năm 2022 hầu như ổn định so với năm 2021.


Lotte

Lotte là một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia lớn của Hàn Quốc. Lotte thành lập Công ty TNHH Lotteria Việt Nam từ năm 1996. Những thương hiệu đóng vai trò chính trong kinh doanh của Lotte Việt Nam là thương hiệu "Lotte Xylitol", "Toppo", "Koala’s March" và “SukuSuku”. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều thương hiệu kẹo cao su dành cho trẻ em.


Doanh thu thuần của Lotte đạt gần 900 tỷ năm 2022 tăng 26% so với năm 2021 và 42% so với năm 2020. Mặc dù doanh thu đạt gần 1000 tỷ đồng nhưng Lotte không ghi nhận lợi nhuận dương, đạt mức âm 50 tỷ năm 2021 xuống âm 40 tỷ năm 2022.



Hải Châu

Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu là một trong những Công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bánh, kẹo, thực phẩm. Các sản phẩm như lương khô, kem xốp và bột canh của Hải Châu từ lâu đã được ưa chuộng trên hầu hết khắp các miền đất nước và luôn được người tiêu dùng tín nhiệm.


Với hơn 50 năm sản xuất bánh kẹo, Hải Châu không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản nổi tiếng trên thị trường như: cookies, cracker, kem xốp, bánh mềm, bánh mì, sừng bò, bánh trung thu cao cấp và bánh lava Hồng Kông, nước giải khát và thạch các loại.


Doanh thu thuần trong ba năm của Hải Châu tăng nhẹ qua từng khoảng 20-30% so với 2 năm trước, 800 tỷ đồng tăng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng đều qua từng năm, đạt hơn 11 tỷ đồng năm 2022, tăng 26% so với năm 2021 và 39% năm 2020.


Tràng An

Tràng An là một thương hiệu bánh kẹo mạnh của quốc gia, trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển để kết tinh thành “tinh hoa bánh kẹo Việt” như ngày hôm nay.


Nhiều năm qua người tiêu dùng biết tới Tràng An với sản phẩm kẹo Hương cốm, đặc trưng hương cốm làng Vòng Hà Nội. Cũng từ những sản phẩm mũi nhọn truyền thống tới nay Tràng An đã phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam như: Bánh Belgi, bánh Quế, Bánh Pháp, Bánh Gạo, kẹo Dừa và nhiều sản phẩm đặc biệt khác. Trong đó, bánh Trung thu cũng là một sản phẩm chủ lực của Tràng An, là món quà không thể thiếu trong các gia đình Việt mỗi độ Tết Trung thu.


Năm 2022, doanh thu thuần đạt gần 1000 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với 2 năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Tràng An ổn định trong 2 năm 2020 và 2021 đạt 9 tỷ đồng và có sự đột phá năm 2022 đạt gần 25 tỷ đồng, tăng gần 160% so với 2 năm trước.


Hiện nay, sức ép cạnh tranh trong ngành bánh kẹo ngày càng khốc liệt, nhất là đối với phân khúc trung và cao cấp. Vị thế đàm phán của các nhà bán lẻ ngày càng lớn và họ đòi hỏi nhiều hơn, từ việc tăng chi phí, chiết khấu thương mại, chi phí trưng bày, marketing tại điểm bán. Thêm nữa, chi phí và giá nguyên liệu, bao bì chi phí logistics, chi phí khấu hao tài sản, lãi vay cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vì vậy các thương hiệu dù đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường cũng cần có chiến lược phù hợp để không bị mất vị thế so với đối thủ trong sự cạnh tranh khốc liệt ngày nay.


Nguồn: Theo báo cáo thị trường bánh kẹo 2022 của Vietdata


Comments


bottom of page