top of page

Kinh tế Việt Nam 2024: "Chạy nước rút" để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam đang “chạy nước rút” để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ đầu năm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%.



Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng 2024 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, về sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,5% cùng kỳ 2023; đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.902,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,6% cùng kỳ 2023.


Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7 ước đạt 13,8 nghìn ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2023. Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 841,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2023.


Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng qua của nền kinh tế Việt Nam so với cùng kỳ 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước.


Đáng chú ý, trong tháng 7, cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có khoảng 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2023; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.


Những con số trên cho thấy, các điểm sáng kinh tế ngày càng nhiều hơn. Nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Từ các con số “biết nói” kể trên, mới đây, nhiều tổ chức quốc tế đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.


Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với các xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. "Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương" - WB đánh giá.


Theo phân tích từ WB, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo giá hiện hành năm 1986 của Việt Nam chỉ đạt 26,34 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên tới 429,72 tỷ đô la Mỹ, gấp 16,3 lần. GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1986 đạt 430,2 đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên 4.346,8 đô la Mỹ, gấp 10,34 lần.


Thu nhập quốc gia tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 14,15 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2023 tăng lên 412,94 tỷ đô la Mỹ, gấp 29,2 lần. GNI bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 220 đô la Mỹ, đến năm 2023 đã tăng lên 4.180 đô la Mỹ, gấp 19 lần.


Nhờ có nền tảng vững chắc, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ đạt 5,5% vào năm 2024, tăng từ mức 5% vào năm 2023,


"Việt Nam sẽ có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn, không chỉ do nguồn lực trong nước được sử dụng đảm bảo năng suất cao hơn, mà còn tận dụng được đòn bẩy nguồn vốn hết sức cần thiết trên thị trường quốc tế để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao". - Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nhận định.


Cũng đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng quốc tế UOB cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực với tăng trưởng dự báo đạt hơn 9%, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo khoảng hơn 6%.


Theo đánh giá của UOB, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,4% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm nay, chủ yếu nhờ vào các ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ. “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo là 6% và có tiềm năng vượt hơn con số này. Sự lạc quan này dựa trên hiệu suất mạnh mẽ của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ô tô”. - Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB dự báo.


Điểm mạnh của Việt Nam theo UBO nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, nhưng có một rủi ro do quá phụ thuộc vào ngành này. Để giảm thiểu điều này, Việt Nam nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp.


Bên cạnh đó, do tỷ giá hiện đã giảm nên Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát. VND được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. VND đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 so với USD. Trong tương lai, VND dự kiến sẽ tăng giá dần dần lên mức 24.100 so với USD vào quý II/2025.


Liên quan đến tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, ngày 2/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) gửi bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Theo Công điện, trong 8 tháng đầu năm 2024 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định và thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.


Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 78,5% dự toán trong điều kiện đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác; chi ngân sách nhà nước được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm; cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi Quốc hội cho phép.


Để giữ vững đà tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.


(tapchitaichinh)



Comments


bottom of page