Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cảng biển, logistics đa phần cải thiện trong quý 1, phần nào mở ra tương lai phục hồi sau năm 2023 đầy khó khăn.
4 tháng đầu năm, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá khởi sắc. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 238.88 tỷ USD, tăng 15.2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 15.4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8.4 tỷ USD, cao hơn con số 7.66 tỷ USD năm 2023.
Về thị trường, Mỹ dẫn đầu về xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 34.1 tỷ USD, ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, kim ngạch ước đạt 41.6 tỷ USD.
Tuy tăng trưởng, nhưng theo Tổng cục thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả thuận lợi lẫn thách thức.
Tin từ Cục Hàng hải, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 277,231 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng tới 20% so với cùng kỳ. Đối với hàng container, sản lượng thông qua cảng biển đạt 9,302 triệu Teus, tăng 27%.
Cục Hàng hải nhận định, đây là tháng thứ 3 liên tiếp khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, do cùng kỳ năm trước là những tháng có mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dịch COVID-19.
Theo thống kê từ VietstockFinance đối với 25 doanh nghiệp cảng biển, logistics trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM), tổng doanh thu và lãi ròng quý 1/2024 lần lượt gần 11.3 ngàn tỷ đồng và hơn 1.5 ngàn tỷ đồng, tăng 2% và 47% so với cùng kỳ. Có 14 doanh nghiệp lãi tăng, 8 doanh nghiệp lãi giảm, 2 doanh nghiệp chuyển lãi và 1 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, logistics có sự cải thiện và phần nào mở ra tương lai phục hồi sau năm 2023 đầy khó khăn, nền kinh tế trong và ngoài nước suy yếu, kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu đều giảm.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng
Trong số 14 doanh nghiệp tăng lãi ròng, PSP tăng mạnh nhất với 579%, kế đến là GMD, CQN và SGP đều tăng trên 100%.
Động lực tăng trưởng của Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (UPCoM: PSP) đến từ thu nhập khác 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ, ngoài ra Công ty phát sinh thu hồi bảo lãnh bảo hành cẩu trục chân đế Tukan hơn 4 tỷ đồng. Kết quả dù doanh thu chỉ tăng 12% nhưng lãi ròng đạt 3.4 tỷ đồng, gấp 6.8 lần.
Ông lớn Gemadept (HOSE: GMD) lãi ròng tăng 177% đạt 559 tỷ đồng. Điểm nhấn đến từ doanh thu tài chính cao gấp 17 lần, đạt gần 354 tỷ đồng, sau khi hoàn tất chuyển nhượng CTCP Cảng Nam Hải, lãi gần 336 tỷ đồng.
Cảng Quảng Ninh (UPCoM: CQN) có lãi ròng tăng trưởng bất chấp doanh thu sụt giảm. Trong kỳ, doanh thu CQN khoảng 163 tỷ đồng, giảm 36%, do cắt giảm toàn bộ hoạt động kinh doanh thương mại, thay vào đó chỉ tập trung vào kinh doanh cảng biển.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa dù chiếm tỷ trọng cao nhưng gần như không có lãi gộp nên việc cắt giảm mảng này giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh đáng kể. Sau cùng, CQN lãi ròng 30 tỷ đồng, tăng 149% và cao nhất trong 8 năm qua.
Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, tăng 111%, hỗ trợ bởi hoạt động cốt lõi là cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng trưởng. Bên cạnh đó, lãi hoạt động tài chính gấp 13 lần và có lãi trở lại từ công ty liên doanh, liên kết.
Trong số doanh nghiệp tăng trưởng còn lại, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, UPCoM: MVN) có lợi nhuận vượt trội hơn 342 tỷ đồng, tăng 32%. Kết quả nhờ các hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng hải và vận tải tăng trưởng, hoạt động tài chính có lãi gấp 4.8 lần cùng kỳ và lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 95%.
Ngoài CQN lãi ròng quý 1 cao nhất 8 năm, còn có không ít doanh nghiệp tạo ra cột mốc đáng nhớ, như Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) lãi 85 tỷ đồng, cao nhất tính theo quý kể từ thời điểm chào sàn năm 2010. Hay Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCoM: TOS) đạt doanh thu gần 509 tỷ đồng, tăng 58%, cao nhất kể từ quý 4/2021.
Các doanh nghiệp tăng lãi trong quý 1/2024
Không ít doanh nghiệp sụt giảm
Có 8 doanh nghệp giảm lãi, mạnh nhất là HAH giảm phân nửa; TCL, VSA, DXP và SFI đều giảm trên 20%
Lãi ròng Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) giảm 50% trong bối cảnh doanh thu tăng. Theo công ty lý giải, sản lượng vận tải tăng do mở thêm tuyến nhưng giá cước biển và giá cho thuê tàu giảm, dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh các công ty con, công ty liên kết cũng bị ảnh hưởng, làm giảm lợi nhuận. Qua đó, HAH lãi ròng hơn 59 tỷ đồng, thấp nhất 13 quý.
Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL) có mức lãi thấp nhất 14 quý, gần 20 tỷ đồng, giảm 36%. Nguyên nhân các hoạt động kinh doanh của Công ty đều sụt giảm bên cạnh biên lãi gộp cùng giảm.
Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) lãi ròng giảm 26%, còn gần 7 tỷ đồng do doanh thu dịch vụ cảng giảm 28%.
Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) lãi giảm 25%, còn hơn 16 tỷ đồng. Tác động đến từ số lượng lô hàng ở công ty con giảm, đồng thời không thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu VSC như cùng kỳ.
Các doanh nghiệp giảm lãi trong quý 1/2024
Người chuyển lãi, người tiếp tục lỗ
Cảng Chân Mây (UPCoM: CMP) lãi hơn 5.7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3.3 tỷ đồng, nhờ sản lượng hàng hóa thông qua cảng cùng doanh thu lần lượt tăng 56% và 123%. Qua đó, lỗ lũy kế CMP còn 11 tỷ đồng.
Quản lý Đường sông Số 3 (HNX: DS3) từ lỗ gần 1.1 tỷ đồng sang lãi nhẹ 329 triệu đồng, sau khi kiện toàn lại bộ máy nhân sự, mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh mới, cơ cấu lại các khoản đầu tư, hợp tác kinh doanh dài hạn.
DS3 còn nhiều việc phải làm vì lỗ lũy kế tính đến cuối quý 1/2024 gần 26 tỷ đồng.
Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) tiếp tục lỗ khoảng 1.5 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 15 tỷ đồng.
CMP và DS3 chuyển lãi trong khi PAP tiếp tục lỗ trong quý 1
Đa phần thực hiện sát kế hoạch năm
Theo thống kê, trong 19 doanh nghiệp đã đề ra kế hoạch hợp nhất năm 2024, bao gồm được ĐHĐCĐ thông qua và dự trình ĐHĐCĐ, CMP là trường hợp duy nhất vượt kế hoạch lợi nhuận ngay trong quý 1. Hầu hết doanh nghiệp thực hiện sát theo kế hoạch, trừ trường hợp của HAH, DXP và DS3.
Nhìn vào kế hoạch năm 2024, chỉ có 6 doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng so với thực hiện 2023, mạnh mẽ nhất là DS3 với doanh thu và lãi sau thuế tăng 100% và 254%. Ngược lại, 9 doanh nghiệp đặt mục tiêu thận trọng.
Tình hình thực hiện kế hoạch năm, sau quý 1
(fili.vn)
Comentarios