top of page

Lãi suất ngân hàng tiếp tục xuống thấp kỷ lục, trong khi tỷ giá vẫn chưa hết “nóng”

ANTD.VN - Bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã đồng loạt giảm tiếp lãi suất huy động, trong khi lãi suất liên ngân hàng cũng tiếp tục xuống thấp kỷ lục. Trong khi đó, tỷ giá vẫn chưa ngừng “nóng” lên.


Tỷ giá

Tín dụng tắc nghẽn, ngân hàng dư thừa tiền


Bất chấp nỗ lực phát hành tín phiếu hút ròng 9 phiên liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dư thừa.


Tính đến hết tuần trước, NHNN đã hút về tổng cộng 130.000 tỷ đồng qua 9 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp (từ 11-21/3). Dù nhà điều hành liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa, song dường như chưa cải thiện được đáng kể, lãi suất tín phiếu giảm từ mức 1,4%/năm những phiên đầu tiên, xuống chỉ còn 1,32% trong phiên cuối tuần trước.


Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã xuống đến vùng thấp kỷ lục. Theo đó, với kỳ hạn qua đêm, là kỳ hạn chủ chốt chiếm tới gần 90% giao dịch trên thị trường này, lãi suất tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,13%/năm, tương đương vùng thấp nhất vào giai đoạn dư thừa thanh khoản hai quý cuối năm 2023 và đầu 2024.


Tương tự, các kỳ khác cũng giảm mạnh so với mức ghi nhận trước đó 1 tuần: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1,67% xuống 0,48%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,75% xuống 1,18%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,88% xuống 1,58%.


Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng thiết lập “đáy” mới khi chỉ trong ít ngày, đồng loạt 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã giảm thêm 0.1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất.


Theo đó, tại cả 4 nhà băng đã không còn mức lãi 5%/năm. Trong đó, VietinBank giảm lãi suất tiết kiệm tối đa từ mức 5%/năm về chỉ còn 4,8%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Với các kỳ hạn khác, người gửi tiền VietinBank chỉ còn được hưởng lãi suất như sau: kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng còn 2%/năm; kỳ hạn 6 – 11 tháng là 3%/năm; kỳ hạn 12 – 23 tháng là 4,7%/năm.


Tại BIDV, sau đợt giảm trước đó, hiện lãi suất huy động cũng tương đương VietinBank ở các kỳ hạn.


Trong khi đó, Agribank mặt bằng lãi suất còn thấp hơn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm; các kỳ hạn 6 – 11 tháng có lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng được Agribank giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm.


Vietcombank sau đợt giảm hồi tháng 1, hiện lãi suất cao nhất ở nhà băng này cũng chỉ còn 4,7%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.


Không chỉ big4 mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn khác cũng giảm thêm lãi suất trong nửa cuối tháng 3. Có thể kể đến Sacombank khi ngân hàng này giảm mạnh đến 1%/năm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn vào ngày 21/3 vừa qua. Mức cao nhất mà khách hàng được hưởng khi gửi tiền tại nhà băng này chỉ còn 5%/năm, giảm 1%/năm so với trước đó, áp dụng cho kỳ hạn từ 36 tháng trở lên. Với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất tối đa tại Sacombank cũng chỉ còn 4,8%/năm….


Tính từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường ghi nhận tới trên dưới 20 nhà băng giảm lãi suất, cho thấy hầu hết hệ thống đang dư thừa tiền, tín dụng vẫn bị tắc nghẽn.


Áp lực tỷ giá vẫn lớn


Lãi suất VNĐ lao dốc làm doãng rộng thêm chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, qua đó gây thêm sức ép lên tỷ giá.


Thực tế, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây. Theo ghi nhận phiên cuối tuần qua, giá USD mua – bán tại Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết ở mức 24.580 – 24.950 đồng, mức cao nhất lịch sử của ngân hàng này và đã tăng khoảng 2,2% so với hồi đầu năm.


Tại các ngân hàng khác, giá USD bán ra hiện được niêm yết trong khoảng 24.940 – 24.960 đồng, tăng khoảng 1,8 – 2,2%. Trên thị trường tự do, tỷ giá đã tăng tới gần 4%.


TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng chỉ ra một số nguyên nhân đẩy tỷ giá trong nước nóng lên gần đây. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.


Thứ hai, đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ ngoại tệ khi tỷ giá có biến động.


Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất. Biên độ biến động tỷ giá năm nay dự báo sẽ không lớn.


Liên quan đến động thái liên tục hút ròng của NHNN, TS. Lực cho rằng đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản của hệ thống, vừa hỗ trợ tỷ giá.


Với diễn biến tỷ giá, tín dụng như hiện nay, theo ông Lực, NHNN không cần và không nên giảm tiếp lãi suất điều hành. Nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá.


(Theo An ninh Thủ đô)






Comments


bottom of page