Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1 héc ta đất công nghiệp đã cho thuê tại các khu chế xuất – khu công nghiệp ở TPHCM đạt 6,23 triệu đô la Mỹ được cho là tương đối thấp.
Người đứng đầu Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM đặt mục tiêu tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha lên 15 triệu đô la vào năm 2025. Đơn vị này cũng kiến nghị xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố.
Ngày 27-10, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX – KCN) thành phố.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Hepza, sau 30 năm phát triển, đến nay TPHCM có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.811,71 héc ta, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 KCX, KCN thành phố, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%.
Các KCX, KCN thành phố về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…
Cũng theo ông Hưng, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCX, KCN đạt 7 tỉ đô la, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM; trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô). Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố.
Tuy vậy, Trưởng Hepza cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại và hạn chế như chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Đa số các dự án tại đây có quy mô vốn nhỏ.
Một góc hạ tầng khu chế xuất Tân Thuận TPHCM
Nguyên nhân là do giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư. Tính hấp dẫn của KCX, KCN thành phố giảm, như chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thiếu quỹ đất lớn.
Đáng chú ý theo ông Hưng là hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1 héc ta đất công nghiệp đã cho thuê đạt 6,23 triệu đô la. “Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp so với tiềm năng và lợi thế của thành phố”, ông Hưng nói, và ông đưa ra mục tiêu tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 héc ta lên 15 triệu đô la vào năm 2025.
Một vướng mắc khác là mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa và tính liên kết giữa KCX, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp.
Trước bối cảnh phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế trên thế giới…, ông Hưng đưa ra giải pháp từng bước chuyển đổi và phát triển các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư cũng được ông đặt ra.
Để thay đổi, ông Hưng còn kiến nghị cần xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các KCX, KCN phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của TPHCM…
Cần phải đổi mới
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá sau 30 năm phát triển, các KCX, KCN tại TPHCM đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc phát triển KCX, KCN của thành phố.
Đó là chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; hạ tầng phục vụ KCN còn chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư…
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX – KCN đã đạt được thành quả nhất định, hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.
Trong giai đoạn phát triển mới, các KCX – KCN của thành phố sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của thành phố trong vùng Đông Nam bộ, là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo.
Theo ông Nên, thành phố hiện có nhiều thuận lợi trong quá trình hội nhập, vị thế, vai trò, tiềm lực, uy tín ngày càng cao. Thành phố được giao trọng trách tiếp tục là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước và phải tiếp tục tiên phong trong giai đoạn mới. Do đó, trong bối cảnh công nghiệp hiện nay, ông cho rằng các KCX, KCN buộc phải đổi sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Điều này đòi hỏi các KCX, KCN tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các công nghệ già cỗi, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu có mức phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ, vật liệu mới…
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra, theo ông Nên, cần phải tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; mạnh dạn loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch những KCX, KCN không có tính khả thi. Ban quản lý phải đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu của giai đoạn mới.
Trước mắt, ông yêu cầu Ban quản lý các KCX, KCN tập trung thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện mô hình phát triển mới theo hướng tăng cường kết nối các KCN, KCX để hình thành các cụm liên kết công nghiệp. Cùng đó, tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, từng bước hoàn thiện quy hoạch, thể chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện phân cấp, ủy quyền.
(Kinh tế Sài Gòn Online)
Comments