Nội dung này được công bố trong ấn phẩm “Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021” của Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Internet
Năm 2021, trong 6 vùng kinh tế - xã hội có 2 vùng có tỷ suất di cư thuần dương là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Do có sức hút lớn về việc làm nên Đông Nam Bộ là vùng có số người di cư thuần dương cao nhất trong cả nước, hơn 290,1 nghìn người. Đồng bằng sông Hồng có số người di cư thuần dương, gần 81,0 nghìn người. Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là vùng dẫn đầu trong cả nước về số người xuất cư, hơn 214,2 nghìn người.
Khoảng cách địa lý cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến di cư bên cạnh yếu tố sức hút về việc làm. Đa số những người di cư chọn điểm đến là những địa điểm gần với nơi thực tế thường trú trước đây. Khoảng 99,5% những người xuất cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long chọn điểm đến là Đông Nam Bộ, còn những người từ Trung du và miền núi phía Bắc chủ yếu chọn điểm đến là Đồng bằng sông Hồng (88,0%).
Theo kết quả điều tra, trong số 63 tỉnh có 14 tỉnh có tỷ suất di cư thuần dương, 49 tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm.
Bắc Ninh với tỷ suất di cư thuần là 41,7‰ đã thay Bình Dương 30,8‰ trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ di cư thuần. Bắc Ninh cũng là tỉnh có tỷ suất nhập cư cao nhất cả nước (45,7‰), xếp trên Bình Dương (35,6‰).
Đứng ở vị trí thứ ba là Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần dương 21,8‰. Có thể thấy, những tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao vẫn là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, các trường đào tạo. Điều này chứng tỏ việc làm, đào tạo, học tập đã ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề di cư.
Đồng Bằng sông Cửu Long tiếp tục là khu vực xuất cư cao nhất cả nước, với 12/13 tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm, duy nhất 01 tỉnh là Long An có tỷ suất di cư thuần dương (2,1‰). Ba tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất cả nước cũng thuộc khu vực này, Đồng Tháp (-23,7‰), An Giang (-22,9‰), Sóc Trăng (-20,9‰).
Nguồn: CafeF
Bình luận