top of page

Ngành hàng đồ gia dụng tại Việt Nam: Xu hướng và Triển vọng

Ngày nay, đồ gia dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Từ những thiết bị gia dụng cơ bản trong nhà bếp cho đến những thiết bị thông minh hiện đại, đều góp phần làm tăng chất lượng cuộc sống và giúp việc nhà trở nên dễ dàng hơn. Thiết bị gia dụng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức, mà còn mang lại sự tiện nghi và thoải mái cho người dùng.


Thị trường đồ gia dụng hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá cả, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của nhiều người. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, mà còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của thương hiệu. Điều này đã tạo ra một xu hướng mới trong việc mua sắm đồ gia dụng, khi mà sản phẩm chất lượng cao và có sự cam kết từ những thương hiệu uy tín đang được ưa chuộng hơn. Điều này cho thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh và biết cách lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.





Theo báo cáo phân tích từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, mỗi hộ gia đình ở Việt Nam dành trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho việc mua sắm các thiết bị gia dụng. Đây là một yếu tố đáng kể thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện tử gia dụng tại Việt Nam, đặc biệt khi xét đến việc dân số của nước ta đã vượt qua mốc 100 triệu người và nhu cầu tiêu dùng liên tục tăng lên.


Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, thị trường ngành hàng gia dụng tại Việt Nam có quy mô ước lượng từ 12,5 đến 13 tỷ USD. Ngành hàng gia dụng chiếm tới 9% tổng chi tiêu cá nhân của người dân Việt Nam. Trong 11 nhóm ngành hàng chính, ngành hàng gia dụng xếp thứ tư về quy mô tiêu dùng. Điều này phản ánh triển vọng phát triển lớn của ngành hàng này, đặc biệt khi thu nhập người dân tăng lên và nhu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng đa dạng.


Bộ Công Thương cũng nhận định rằng, ngành hàng gia dụng có tiềm năng lớn nhưng cũng đầy rẫy thách thức. Một trong những nguyên nhân chính là dân số trẻ, chiếm 57-60% trong độ tuổi từ 18-45, dẫn đến nhu cầu về hàng gia dụng ngày càng lớn. Thu nhập tăng (trên 2,000 USD) cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng đồ gia dụng chuyển dịch từ phổ thông sang các dòng cao cấp, thông minh, đồng thời nhu cầu về chất lượng, mẫu mã cũng ngày càng phong phú hơn.


Thị trường cạnh tranh trị giá hàng tỷ đô la hàng năm này đang chào đón nhiều “đối tác” mới, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam. Cơ hội phát triển các sản phẩm gia dụng, đặc biệt là phân khúc cao cấp, vẫn còn rất lớn.


Sau thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam có tâm lý dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và cuộc sống tại nhà. Điều này đã tạo ra một xu hướng mới: họ muốn cải thiện và làm đẹp ngôi nhà của mình hơn. Do đó, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, chúng ta có thể thấy nhu cầu và chi tiêu cho các thiết bị điện tử gia dụng ngày càng tăng lên.


Sự chuyển mình sang công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng trong việc sử dụng các thiết bị gia đình là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường đồ gia dụng. Thị trường này được phân thành hai nhóm chính:


Nhóm thiết bị cơ bản bao gồm: tủ lạnh, tủ đông, máy rửa chén, máy giặt, bếp, lò vi sóng, máy lạnh,… Nhóm thiết bị phụ trợ bao gồm: máy hút bụi, máy sấy tóc, bàn ủi, lò nướng bánh,…


Các thiết bị thuộc nhóm cơ bản thường có giá thành cao và ít khi được thay thế. Ngược lại, các thiết bị hỗ trợ có giá thành và tuổi thọ thấp hơn, người tiêu dùng thường sẵn lòng thay thế chúng với các mẫu mới hơn, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. 


Sunhouse


Tập đoàn Sunhouse được thành lập từ ngày 22/5/2000. Vào năm 2004, SUNHOUSE đã hợp tác với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc để thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam và xây dựng nhà máy sản xuất đồ gia dụng.


Qua hơn 20 năm phát triển, Sunhouse đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và gia nhập nhóm doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ. Tập đoàn Sunhouse hiện tại bao gồm 7 công ty thành viên và cụm 8 nhà máy, với tổng diện tích hơn 100,000 m2 và hơn 2,500 cán bộ công nhân viên, đã thành công trong việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia dụng.


Sunhouse đã không ngừng phát triển và mạnh mẽ với mạng lưới phân phối rộng lớn gồm 60,000 điểm bán, sản xuất và kinh doanh hơn 600 nhóm sản phẩm gia dụng thiết yếu, sản phẩm của Sunhouse đã có mặt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, và các cửa hàng truyền thống trên toàn quốc. Sản phẩm của Sunhouse còn được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và Mexico.


Năm 2022, doanh thu thuần của Sunhouse không có nhiều sự thay đổi so với năm ngoái vẫn duy trì ở mức hơn 4 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, lợi nhuận sau thuế lại của Sunhouse lại cho thấy một viễn cảnh không mấy tươi sáng khi lợi nhuận ròng liên tục sụt giảm qua các năm. Cụ thể, Sunhouse chỉ thu về gần 55 tỷ đồng vào năm 2022, giảm hơn 70% so với con số đạt được vào năm 2020.


Midea Việt Nam


Midea là một thương hiệu nổi tiếng từ Trung Quốc được thành lập vào năm 1968. Tuy nhiên, công ty này chỉ bắt đầu chuyên tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm điện gia dụng từ năm 1980. Với đội ngũ hơn 100,000 nhân viên và hoạt động ở hơn 200 quốc gia, Midea đã xác lập vị thế của mình trên thị trường toàn cầu. Midea được biết đến với việc sản xuất một loạt các sản phẩm điện gia dụng, từ máy điều hòa không khí, máy lọc không khí, đến ấm đun nước và nồi cơm điện. 


Vào năm 2007, Midea đã mở rộng thị trường của mình đến Việt Nam và đã xây dựng 2 nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương. Midea cũng đã mở 3 showroom tại Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội. Các sản phẩm chính của Midea tại Việt Nam bao gồm máy điều hòa, quạt mát, tủ lạnh, máy giặt và máy nước nóng. Với khẩu hiệu "Make yourself at home", Midea luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng những giải pháp tối ưu và thân thiện, nhằm cải thiện không gian sống của họ.


Nếu như năm 2022 là một năm kinh doanh tương đối ảm đạm với Sunhouse thì Midea Việt Nam lại cho thấy đây là một năm ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong tình hình kinh doanh của thương hiệu này. Sau sự sụt giảm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế vào năm 2021 thì sang năm 2022, Midea Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện khi doanh thu thuần tăng gần 7% so với năm 2021, đạt hơn 3 nghìn đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.


Kangaroo 


Kangaroo, một thương hiệu điện gia dụng hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2003. Đây là một sản phẩm của Công ty Điện lạnh điện máy Việt Úc, có trụ sở tại Hà Nội. Kangaroo chuyên về việc sản xuất và phân phối một loạt các sản phẩm gia dụng, bao gồm thiết bị nhà bếp, sản phẩm năng lượng và nhiều thiết bị điện tiêu dùng khác. Một số sản phẩm tiêu biểu của Kangaroo bao gồm máy lọc nước, hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp và năng lượng.


Với mạng lưới phân phối rộng lớn, Kangaroo duy trì hơn 40,000 điểm kinh doanh, 8 chi nhánh trong và ngoài nước, cùng với 2 nhà máy tại Việt Nam. Trong năm 2021, Kangaroo đã hợp tác với Tập đoàn Nortiz, một tập đoàn hàng đầu trong ngành gia dụng tại Nhật Bản với hơn 70 năm kinh nghiệm cho sự xuất hiện với cái tên mới là Công ty cổ phần liên doanh Kangaroo Quốc tế (Kangaroo Group). Sự hợp tác này đã giúp Kangaroo nâng cao chất lượng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế.


Doanh thu thuần của Kangaroo tăng trưởng đều đặn qua các năm trong khi đó lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận nhiều sự biến động. Cụ thể, năm 2022 tiếp tục là một năm chứng kiến sự tăng trưởng ổn định của Kangaroo khi doanh thu thuần đạt hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm ngoái. Sau khoản lỗ vào năm 2021 thì bước sang năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Kangaroo đã được cải thiện trở lại có lãi hơn 14 tỷ đồng.



Doanh thu thuần của các doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam
Doanh thu thuần của các doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam

Hafele Việt Nam


Häfele, một thương hiệu danh tiếng trên toàn cầu về giải pháp dự án và nhà ở thông minh, đã được sáng lập vào năm 1923 tại Đức. Häfele đã mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam từ năm 1998.


Häfele Việt Nam là nhà phân phối chính thức các thiết bị nhà bếp và đồ gia dụng của Häfele tại Việt Nam. Tất cả sản phẩm do Häfele Việt Nam phân phối đều được nhập khẩu và bảo hành chính hãng từ Häfele.


Danh mục sản phẩm của Häfele bao gồm nhiều thiết bị nhà bếp như bếp từ, máy rửa bát, máy hút mùi, lò nướng, lò vi sóng, tủ lạnh, máy xay ép, nồi chiên không dầu, chậu rửa và các phụ kiện tủ bếp. Häfele cũng cung cấp các giải pháp cho phòng tắm, cửa, nội thất gỗ và dự án. Với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Đức, Häfele đã nhận được sự tin tưởng từ các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà thầu và người tiêu dùng.


Tình hình kinh doanh của Hafele Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực khi kết thúc năm 2022. Doanh thu thuần của thương hiệu này đã tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ của hai năm trước, đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, Hafele Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong khoản lợi nhuận ròng của mình sau giai đoạn chỉ quanh quẩn ở mức dưới 100 tỷ đồng thì đến năm 2022, thương hiệu này đã bức phá đạt gần 150 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021.


Lock&Lock Việt Nam


Lock&Lock, một thương hiệu đến từ Hàn Quốc, chuyên về các sản phẩm gia dụng, đã được thành lập vào năm 1978 và hiện đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.


Thương hiệu này nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường. Sản phẩm của Lock&Lock rất phong phú, bao gồm hộp đựng thức ăn, dụng cụ nấu ăn, cốc và bình đựng nước, đồ dùng nhà bếp, gia dụng và phụ kiện cá nhân.


Ở Việt Nam, Lock&Lock đã xây dựng các nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên sản xuất các mặt hàng phổ biến như hộp bảo quản thực phẩm, bình giữ nhiệt, chảo chống dính. Thương hiệu này luôn nỗ lực nghiên cứu và cải tiến công nghệ để tối ưu hóa chức năng và tính năng của sản phẩm, nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.


Cùng xu hướng phục hồi như các thương hiệu khác, Lock&Lock Việt Nam cũng cho thấy bức tranh kinh doanh đầy triển vọng của mình khi doanh thu thuần của thương hiệu này lấy lại đà tăng trưởng hơn 20% so với năm ngoái, đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng khi kết thúc năm 2022. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của Lock&Lock Việt Nam cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, đạt con số là gần 160 tỷ đồng. 


Goldsun


Công ty Cổ phần gia dụng Goldsun, tiền thân là công ty TNHH Nhật Quang được thành lập vào năm 1996, là một trong những nhà sản xuất và lắp ráp hàng đầu các sản phẩm gia dụng tại Việt Nam sau hơn gần 30 năm phát triển. Sản phẩm của Goldsun bao gồm nồi inox, bếp gas, nồi cơm điện, nồi áp suất điện tự động, lò vi sóng, máy hút bụi, bếp điện từ,..


Goldsun đã xây dựng một mạng lưới phân phối rộng lớn với các chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, và sản phẩm của họ được phân phối tại các cửa hàng trên toàn quốc. Không chỉ nổi tiếng trong ngành hàng gia dụng tại Việt Nam, sản phẩm của Goldsun còn được biết đến trên phạm vi rộng lớn nhờ vào việc xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.


Ngoài ra, Goldsun còn hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Jiplai, Lock&Lock, SUNHOUSE, Panafresh, và Philips. Goldsun cũng có các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu từ Châu Âu.


Goldsun được đánh giá là một công ty có tình hình kinh doanh ổn định nhất khi doanh thu thuần tăng trưởng đều đặn và lợi nhuận sau thuế được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Cụ thể, doanh thu thuần mà Goldsun đạt được trong năm 2022 là hơn 900 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với năm 2020. Đặc biệt, sau hai năm không có lợi nhuận thì Goldsun đã bắt đầu có lời vào năm 2022 với con số hơn 5 tỷ đồng.


Philips Việt Nam


Philips, một tập đoàn toàn cầu chuyên về điện tử và đồ gia dụng, có trụ sở chính tại Amsterdam, Hà Lan. Từ khi ra đời vào năm 1891, Philips đã không ngừng mở rộng và phát triển, hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.


Tại Việt Nam, Philips đã có mặt từ năm 1993 và nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu đồ gia dụng được người tiêu dùng yêu thích. Sản phẩm của Philips tại Việt Nam rất phong phú, bao gồm máy lọc không khí, nồi cơm điện, ấm đun siêu tốc, bàn ủi, đèn, máy xay sinh tố, máy nướng bánh mỳ,...


Năm 2022 là năm chứng kiến sự tăng trưởng trong doanh thu thuần của Philips Việt Nam cùng với đó lợi nhuận sau thuế của công ty cũng lần đầu ghi nhận khoản lợi nhuận ròng dương. Cụ thể, Philips Việt Nam đã cho thấy sự cải thiện về mặt doanh thu thuần trong năm 2022 khi đạt gần 900 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của thương hiệu này ghi nhận mức lời gần 9 tỷ đồng trong khi trước đó vào năm 2021, Philips Việt Nam ghi nhận mức lỗ lớn hơn 70 tỷ đồng.



Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam

Elmich Việt Nam


Elmich, một thương hiệu hàng đầu trong ngành đồ gia dụng, ra đời vào năm 1995 tại Cộng hòa Séc và sau đó gia nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2011. Elmich chuyên về việc sản xuất và phân phối một loạt các sản phẩm gia dụng, bao gồm chảo, nồi, ấm đun nước, bình giữ nhiệt, nồi áp suất, dụng cụ nhà bếp, máy xay, máy ép, bếp từ, và nhiều thiết bị điện gia dụng khác.


Tháng 9/2015, Elmich đã khánh thành nhà máy mới tại Hà Nam, với diện tích hơn 5ha và công suất thiết kế hơn 7 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy này sở hữu một trong những hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất Đông Nam Á. Đây là bước tiến quan trọng trong sự phát triển của Elmich, thể hiện chiến lược phát triển bền vững của thương hiệu tại Việt Nam. Hiện nay, với mạng lưới phân phối rộng lớn, Elmich duy trì hơn 10 showroom tại các tỉnh thành phố lớn và hơn 10,000 đại lý bán hàng trên toàn quốc.


Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của Elmich Việt Nam đã giữ vững đà tăng trưởng ổn định với con số đạt được là gần 800 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Elmich Việt Nam lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể khi chỉ chạm mức hơn 16 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. 


Junger Việt Nam


Junger Việt Nam, một thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm nhà bếp và tiện ích gia đình cao cấp, mang đậm phong cách Đức. Thương hiệu này đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2009. Các sản phẩm tiêu biểu của Junger bao gồm máy rửa chén, bếp điện, máy hút mùi, lò vi sóng và các loại xoong nồi cao cấp. 

Với mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, Junger đã thành công trong việc phát triển thương hiệu của mình, bao gồm cả việc hợp tác với các đối tác lớn như Poongsan và Manulife Việt Nam. Junger Việt Nam không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng cho khách hàng mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.


Kết quả kinh doanh của Junger Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn trong doanh thu thuần và được cải thiện đáng kể về khoản lợi nhuận ròng của công ty. Với sự tăng ổn định qua các năm, doanh thu thuần của Junger Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt hơn 500 tỷ đồng vào năm 2022, tăng gần 60% so với năm 2021. Đáng chú ý, Junger Việt Nam ghi nhận mức lợi nhuận ròng âm qua cả ba năm dù khoản lỗ này đang được cải thiện nhưng công ty vẫn chưa thu được lời khi kết thúc năm 2022.


Thói quen tiêu dùng của người dân, từ nông thôn đến thành thị, đã có sự biến đổi đáng kể. Khi thu nhập tăng, cùng với sự quan tâm ngày càng cao đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, người tiêu dùng không ngần ngại chi tiêu cho những sản phẩm chất lượng hơn. Các thiết bị gia dụng đa chức năng ngày càng trở thành trung tâm của căn bếp trong mỗi gia đình Việt Nam. Theo Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam (AVR), phân khúc cao cấp trong thị trường bán lẻ đang tăng trưởng nhanh chóng, gấp đôi so với các phân khúc khác. Đặc biệt, trong giai đoạn diễn biến của dịch Covid-19, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thiết bị gia dụng cao cấp ngày càng tăng. Thị trường đang cần những thương hiệu mới mạnh mẽ, hiểu rõ thói quen tiêu dùng của người Việt, và cung cấp các sản phẩm chất lượng, bền bỉ và lâu dài.


Nguồn: Báo cáo ngành hàng gia dụng năm 2022 của Vietdata.


Comments


bottom of page