Thị trường bao bì nhựa tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thực phẩm, y tế, hóa chất, công nghiệp và nông nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đầu tư và phát triển sản xuất bao bì nhựa tại Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh, đa dạng về chất lượng và giá cả.
Thị trường bao bì nhựa toàn cầu
Vietdata ước tính, quy mô thị trường bao bì nhựa toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 99,92 triệu tấn vào năm 2023 lên 119,02 triệu tấn vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 3.56% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Nhiều động thái hướng đến việc sử dụng nhựa tái chế tốt nhất từ cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Điển hình trong việc chai PET đã phổ biến ở nhiều phân khúc, đồ uống, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh và chất tẩy rửa, trước kia chủ yếu được bán trong chai polyetylen (PE). Công ty Coca-Cola dự định sử dụng 50% PET tái chế trong các thùng chứa của mình vào năm 2030. Ngoài ra, Unilever cam kết làm cho 100% bao bì nhựa của mình có thể tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2025.
Thị trường bao bì nhựa Việt Nam
Việt Nam hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì. Trong đó, bao bì nhựa khoảng 9.200 doanh nghiệp.
Chúng tôi ước tính, tăng trưởng của mảng bao bì nhựa trong năm 2023 ở Việt Nam sẽ nằm ở việc tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống không cồn. Theo đó, phân khúc đồ uống không cồn sẽ đạt mức doanh thu 10,22 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn 10,4% so với năm 2022 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2028 đạt 6,28%/năm. Thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm. Thị trường bao bì nhựa Việt Nam có CAGR lần lượt lên tới 8,39% trong giai đoạn 2023-2028.
Nếu dựa vào loại nhựa chính, các công ty sản xuất bao bì nhựa được chia ra thành 2 nhóm chính:
Nhóm sản xuất bao bì nhựa PE: Nhựa PE có tên nguyên bản là Polyethylen. Nhựa PE còn được biết đến với tính chất “3 KHÔNG”: không dẫn điện, không thấm nước và không dẫn nhiệt. Có khoảng thời gian chịu nhiệt khá ngắn nhưng độ chịu nhiệt lại tương đối ấn tượng, lên tới 230 độ C.
Nhóm sản xuất bao bì nhựa PP: Nhựa PP là từ viết tắt của Polypropylen là một loại polymer có độ bền cơ học cao. Có độ bóng bề mặt tốt, với khả năng chống thấm nước và thấm khí, không dễ bị oxy hóa. Nhựa PP có tính bền nhiệt cao nhất, tức khả năng chịu nhiệt cao, với giới hạn nhiệt lên tới 130 - 170 độ C.
.
Nhóm sản xuất bao bì nhựa PE:
An Phat Bioplastics
Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh có tiền thân là Công ty TNHH Anh Hai Duy được thành lập vào năm 2002.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các loại bao bì nhựa. Công ty là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong ngành với 07 nhà máy sản xuất bao bì có tổng công suất 108.000 tấn/năm và 01 nhà máy sản xuất phụ gia CaCO3 An Phát - Yên Bái có công suất 222.000 tấn/năm. Sản xuất chính sản phẩm túi nhựa PE.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2020 đạt khoảng 7.400 tỷ, tăng gần 70% trong năm 2021, sang 2022 tăng hơn 15%. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60% trong năm 2022. Nguyên nhân chính là do giá hạt nhựa giảm khiến hoạt động thương mại giảm và đồng thời trích lập dự phòng cho hàng tồn kho để tránh biến động giá thị trường.
HPC
Thành lập năm 1974, Công ty CP Nhựa Hưng Yên tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Cho đến nay, HPC đã phát triển lên đến 10 nhà máy đặt tại Hưng Yên, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, với tổng sản lượng bình quân 6000 sản phẩm/tháng. Chủ đạo chính là dòng sản phẩm bao bì PE, trong đó có 75% sản phẩm túi siêu thị, 24% sản phẩm túi rác, 1% sản phẩm màng stretch film. Đồng thời là nhà cung ứng cho các các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, sản phẩm của HPC có mặt trên nhiều cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn như Family Mart, Super Mart, Aeon.
Năm 2020-2021, doanh thu thuần của HPC gần bằng nhau khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng gần 30% trong năm 2022. Lãi sau thuế giảm gần 20% năm 2021, tăng mạnh trong năm 2022 khoảng 90% và gần 10 tỷ.
Tapack
Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Tấn Tiến có tiền thân là Việt Nam Nhựa Dẻo Công Ty, được thành lập vào năm 1966.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và mua bán sản phẩm bao bì và vật tư, nguyên phụ liệu ngành nhựa. Tapack chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2004. Công ty có 01 nhà máy chế bản, 02 nhà máy bao bì và 01 chi nhánh tại Hà Nội. Sản phẩm chủ yếu của Tapack là bao bì nhựa phức hợp gia công cho các đơn vị sản xuất khác, trong đó bao bì thực phẩm và hàng tiêu dùng chiếm 80%. Ngoài ra, công ty triển khai in gia công cho một số đơn vị khác. Công ty đã xây dựng và duy trì được mối quan hệ khách hàng lớn như Unilever Việt Nam, Ajinomoto, Vedan, Miwon, Acecook, Trung Nguyên, Kinh Đô, Bayer Vietnam, Vinamilk.
Công ty có doanh thu thuần tăng từ 2020 đến 2022 quanh mốc 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế có sự biến động mạnh. Cụ thể năm 2020 đạt khoảng 140 tỷ, giảm gần 100% năm 2021 và đến 2022 tăng hơn 500%.
Duy Tân
Được thành lập vào năm 1987, Duy Tân là thương hiệu có tiền thân là Tổ hợp sản xuất Nhựa Duy Tân.
Nhựa Duy Tân hiện có 5 nhà máy, trong đó có 1 nhà máy tại Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An là nơi đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ “bottle to bottle”- mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa để dùng làm đầu vào sản xuất những chai nhựa mới, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Bên cạnh sản phẩm chính là bao bì hóa phẩm nhựa PE, Duy tân còn sản xuất thêm chai nhựa PET.
Duy Tân được ghi nhận mức doanh thu thuần biến động quanh 5.000 tỷ đồng từ 2020-2022. Lãi sau thuế có sự sụt giảm lần lượt qua các năm. Cụ thể năm 2020 lãi khoảng 500 tỷ, sang 2021 giảm hơn 15%, tiếp tục giảm hơn 40% trong năm 2022.
Nhóm sản xuất bao bì nhựa PP:
Thuận Đức
Được thành lập năm 2007, tại tỉnh Hưng Yên bởi một nhóm cổ đông đứng đầu là Ông Nguyễn Đức Cường.
Có 6 nhà máy sản xuất, gồm 4 nhà máy tại Hưng Yên, 2 nhà máy tại Thanh Hóa. Đội ngũ nhân sự hơn 1.800 người. Chuyên sản xuất túi siêu thị PP.
Doanh thu thuần tăng trưởng mạnh trong năm 2021 khoảng 80%, sang 2022 tăng hơn 30% và gần 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế biến động quanh mốc 80 tỷ.
Trung Đông
Công ty Cổ Phần Trung Đông được thành lập từ năm 1990. Công ty có trụ sở chính tại cụm Công Nghiệp Tam Phước, Đồng Nai.
Có 2 nhà máy sản xuất với công suất lần lượt là: 28 triệu bao/tháng và 10 triệu bao/tháng. Chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bao bì PP.
Trung Đông có doanh thu thuần biến động quanh 2.000 tỷ đồng từ 2020 đến 2022. Lãi sau thuế biến động tương tự và quanh mốc 50 tỷ.
Batico
Công ty Cổ Phần Bao Bì Tín Thành, thành lập năm 1995, là một trong những công ty bao bì nhựa tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Có 2 nhà máy sản xuất nằm tại khu vực Đức Hòa - Long An. Batico tập trung sản xuất các loại bao bì dạng túi, năng suất cắt sản phẩm làm túi đạt 3.000.000 m2/tháng.
Doanh thu thuần dao động khoảng 1.300 từ 2020 đến 2022. Lãi sau thuế có sự sụt giảm mạnh gần 65% trong năm 2021, sau đó tăng hơn 20% và đạt khoảng 30 tỷ đồng.
Phú Mỹ
Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ, tiền thân là Nhà máy Sản xuất bao bì Hương Phong được thành lập và đi vào hoạt động năm 2004. Năm 2008, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động dưới dạng là Công ty Cổ phần.
Với vốn điều lệ hiện tại 42 tỷ đồng, công ty tập trung vào ngành kinh doanh chính là sản xuất và mua bán các sản phẩm bao bì PP, là đơn vị thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa Chất Dầu Khí, được sự hỗ trợ của Tổng Công ty về vốn, chiến lược kinh doanh, đầu ra tiêu thụ, có một nhóm khách hàng có sản lượng ổn định. Năng lực sản xuất đạt 45 triệu bao/năm. Phân phối chủ yếu sang các thị trường lớn như: Italia, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước Châu Á khác.
Năm 2020 doanh thu thuần của công ty đạt khoảng 400 tỷ đồng, tăng mạnh gần 50% năm 2021 và sang 2022 giảm hơn 5%. Lợi nhuận sau thuế duy trì đà tăng ổn định quanh mốc 6,5 tỷ.
BBS
Công ty Cổ phần Vicem Bao bì Bút Sơn có tiền thân là Công ty Bao bì Xi măng Nam Hà được thành lập vào năm 1996. Năm 2003, công ty được cổ phần hóa.
Công ty là đơn vị chuyên sản xuất vỏ bao xi măng với công suất từ 75 - 80 triệu sản phẩm/năm. Sản phẩm vỏ bao xi măng của công ty đã được các khách hàng đánh giá là sản phẩm có chất lượng cao và ổn định trên thị trường. Hiện nay công ty đã và đang cung cấp vỏ bao xi măng cho các nhà máy xi măng lớn trong nước như Công ty xi măng Bút Sơn tiêu thụ trên 70% sản lượng của công ty, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Hoàng Mai, Công ty Xi măng Nghi Sơn.
Doanh thu thuần của thương hiệu có sự biến động nhẹ qua các năm, đạt khoảng 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 50% trong năm 2021 với con số ghi nhận hơn 10 tỷ đồng, sau đó giảm gần 25%.
VBC
Công ty Cổ phần Nhựa - Bao bì Vinh, tiền thân là Nhà máy Nhựa Bao bì thuộc Công ty Hợp tác kinh tế - Quân khu 4 được thành lập năm 1996. Năm 2003 công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Sản phẩm chủ yếu của công ty bao gồm: bao xi măng các loại, bao phân bón, bao lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc và manh thương phẩm được tiêu thụ trên thị trường cả nước. Hiện công ty là đơn vị cung cấp vỏ bao KP, KPK, bao Jumbo, Sling lớn cho các nhà máy sản xuất xi măng như: The Vissai; Xi măng Nghi Sơn;.... Sản lượng từ 100 - 120 triệu vỏ bao xi măng/năm và 2.400.000 bao Jumbo, sling/ năm.
Doanh thu thuần tăng hơn 10% trong năm 2021 và giảm không đáng kể vào năm kế tiếp, đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Lãi sau thuế biến động không đáng kể, dao động quanh mốc 28 tỷ.
Bao bì nhựa Việt Nam có ưu thế cạnh tranh tốt hơn so với nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc và Thái Lan nhờ việc bãi bỏ thuế chống bán phá giá lên sản phẩm Việt Nam khi xuất sang Châu Âu. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty trên thị trường thế giới là các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay nhà nước Trung Quốc đã cấm sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa siêu mỏng. Do đó các khách hàng cũ của các doanh nghiệp này đang dần chuyển hướng sang các công ty sản xuất bao bì nhựa tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện sản xuất, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp nhựa đều phải sử dụng đến nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Việc vay vốn của ngân hàng không hoàn toàn dễ dàng cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, đến 95% doanh nghiệp nhựa Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Thêm nữa, đặc thù nổi bật của ngành nhựa Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa nói riêng là phải nhập khẩu đến 85 – 90% nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. Do đó, tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vừa qua, tỷ giá được neo ở mức cao, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngành nhựa trong quý 4 năm 2023.
Nguồn: Báo cáo thị trường của Vietdata năm 2022 về ngành sản xuất bao nhựa Việt Nam
Comentários