Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp, thì năm 2022 là năm thứ 2 ngành cao su vực dậy, vượt qua nhiều khó khăn do biến động thị trường, lạm phát kinh tế, sự chậm trễ về hoàn thuế gây thiếu vốn lưu động và biến động tỷ giá, duy trì sự phát triển, mang lại động lực cho người trồng cao su, cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su Việt Nam.
Nguồn: Unsplash
Tăng trưởng nhẹ trước nhiều khó khăn
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 ước đạt 3,31 tỷ USD, sản lượng 2,14 triệu tấn, tăng 2,16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1,08 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng như Trung quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá mủ cao su tăng cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cao su phát triển mạnh mẽ, làm cho ngành cao su khởi sắc sau một năm vừa vực dậy.
Đến quý III/2022, ngành cao su vẫn còn sự tăng trưởng đáng kể; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất cao su Việt Nam là thị trường Trung Quốc, với 453.000 tấn, trị giá 669,14 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Thứ 2 là thị trường Ấn Độ, với 42.000 tấn, trị giá 69,64 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý III/2022. Thế nhưng, giai đoạn 3 tháng cuối năm 2022, những biến động kinh tế, chính trị thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu cao su.
Bên cạnh đó, những biến động về tỷ giá cùng với các chính sách về thuế trong nước đã vô tình gây cản trở cho ngành cao su phát triển. Trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng đô la Mỹ đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng đô la Mỹ tăng mạnh. Hơn nữa, vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp là doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế sau khi xuất khẩu.
Thế nhưng thời gian chờ hoàn thuế quá lâu, khiến doanh nghiệp tồn đọng vốn trong thuế, có doanh nghiệp tồn đọng cả trăm tỷ đồng, không có vốn xoay vòng cho nhập nguyên liệu vào nhà máy, phân bổ sản xuất, chế biến, đáp ứng hợp đồng xuất khẩu tiếp theo. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng, cũng làm chậm thêm hoạt động xuất khẩu, mang về kim ngạch không như kỳ vọng.
Nguồn: baotintuc.vn
Xem thêm: Báo cáo ngành Cao su
BÁO CÁO NGÀNH CAO SU - SỐ THÁNG 12/2022
Comentarios