Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam luôn được đánh giá là nhiều tiềm năng. Loại hình này có thể được cung cấp trực tiếp bởi các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống (restaurant delivery), hoặc được cung cấp bởi một nền tảng giao hàng trung gian có liên kết với các đối tác đang kinh doanh dịch vụ ăn uống (platform delivery).
Tính đến nay, Việt Nam có đến 73,2% dân số sử dụng Internet thường xuyên và 53% trong số đó sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến. Năm 2023, số lượng đơn đặt hàng thông qua các nền tảng trung gian giao đồ ăn tăng mạnh, có khoảng hơn 12 triệu người đã tiến hành đặt giao đồ ăn, tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương với 1,8 triệu người. Ước tính bình quân doanh thu trên đầu người năm 2023 là 39,66 USD. Nhóm ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023 – 2027 sẽ đạt khoảng 5,48%.
Sau thống kê về các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến được sử dụng nhiều nhất trong năm 2022, Vietdata nhận thấy, ShopeeFood là nền tảng được nhiều người sử dụng nhất, tiếp đến là GrabFood, Baemin, GoFood, ...
Biểu đồ tỷ lệ sử dụng 1 số ứng dụng giao thức ăn trực tuyến năm 2022
Grab - GrabFood
Ngày 27/02/2014, ứng dụng gọi xe công nghệ Grab lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với tên gọi là GrabTaxi. Đến tháng 6/2018, Grab cho ra đời sản phẩm mới mang tên Grabfood - đây là dịch vụ giao nhận thức ăn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Hiện Grabfood đã có mặt tại 19 tỉnh thành kéo dài từ Bắc xuống Nam. Grabfood đang thử nghiệm tính năng mới, khác biệt với những app giao đồ ăn khác là “Lựa chọn giao hàng”. Cụ thể, người dùng GrabFood có thể lựa chọn một trong ba hình thức giao hàng: Tiết kiệm; Nhanh; Ưu tiên. Các mức độ sẽ giúp tối ưu thời gian giao hàng hoặc chi phí mà khách hàng phải bỏ ra. Đối với việc đăng ký mở nhà hàng, bán hàng trên GrabFood thì hiện tại GrabFood đang thu các đối tác nhà hàng, quán ăn của mình là 25% đến 30%. Có thể năm đầu trả 25% chiết khấu và ở các năm tiếp theo mức chiết khấu sẽ tăng lên 26% đến 30%. Khi đăng ký nhà hàng bên GrabFood cần đóng phí đăng ký gian hàng là 1 triệu đồng. Tháng 6/2023 vừa qua, Grab đã chính thức hợp tác độc quyền với MICHELIN guide. Điều này sẽ giúp GrabFood trở thành kênh quảng bá ẩm thực, hỗ trợ tiếp cận thực khách hiệu quả và tăng thêm doanh thu đối với nhiều đối tác nhà hàng, quán ăn trên khắp Việt Nam.
Doanh thu thuần năm 2020 và 2021 biến động không đáng kể và đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, tăng mạnh trong năm 2022 gần 100%. Lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, giảm gần 230% năm 2021, sang 2022 tăng hơn 200% và đạt khoảng 210 tỷ.
Biểu đồ doanh thu thuần của 1 số công ty giao thức ăn trực tuyến 2020 - 2022
ShopeeFood
ShopeeFood là tên gọi mới của ứng dụng Now (tiền thân là Delivery Now) là một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến tại Việt Nam hiện nay, ra mắt từ năm 2016 bởi Công ty Cổ phần Foody. Công ty mẹ của Shopee là Sea Group đã mua Foody với giá 64 triệu USD vào năm 2017.
Kể từ khi ra mắt, ShopeeFood đã có mặt tại 21 tỉnh thành lớn trên toàn quốc với số lượng hơn 50.000 tài xế. Dựa trên các sự kiện sale có voucher lớn của Shopee đã ăn vô tiềm thức của người tiêu dùng qua các ngày 12/12, 1/1, 2/2, ShopeeFood cũng áp dụng tương tự những khung thời gian trên để tung ra những voucher giảm giá lớn, đó là 1 trong những chiến lược đặc biệt đến từ thương hiệu này. Đối tác khi đăng ký hợp tác mở gian hàng, ShopeeFood sẽ thu mức chiết khấu là 25%. Chi phí mở gian hàng sẽ hoàn toàn miễn phí.
Thương hiệu có doanh thu thuần được ghi nhận tăng trong giai đoạn 2020 - 2022. Cụ thể năm 2020 đạt khoảng 850 tỷ đồng, tăng hơn 40% năm 2021, tiếp tục tăng gần 70% năm kế tiếp. Lãi sau thuế tuy có tốc độ tăng trưởng dương, nhưng vẫn lỗ. Năm 2020 lỗ khoảng 1.500 tỷ, tăng trong 2 năm kế tiếp lần lượt là gần 60% và 70%.
Baemin
Ra mắt vào năm 2019, thương hiệu Baemin thuộc Công ty TNHH Woowa Brothers Việt Nam. Đây là một ứng dụng giao đồ ăn được đánh giá là thân thiện từ hình ảnh, đến các chiến dịch quảng cáo đầy tính sáng tạo, năng động và gần gũi.
Thương hiệu này đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam vào lúc 0h ngày 8/12/2023 vừa qua. Trước đó, hồi cuối tháng 9, Baemin đã thu hẹp hoạt động tại thị trường Việt Nam, dừng hoạt động tại một số địa phương như Hội An, Thái Nguyên, Bắc Ninh, cắt giảm việc làm và bổ nhiệm CEO mới tại khu vực. So với các siêu app "giao cả thế giới" thì app lẻ chỉ giao đồ ăn, ít được đầu tư về ngân sách marketing, trong khi cuộc đua về thương mại điện tử là cuộc đua "đốt tiền". Baemin là một điển hình của app đơn lẻ, chủ yếu khai thác mảng giao đồ ăn với quy mô thị trường giới hạn và đang bị cạnh tranh bởi các siêu app khác nên dòng tiền thu về rất hạn chế. Chưa kể, văn hóa người Việt vẫn chuộng cách truyền thống (ăn tại chỗ), khách mua qua app chuộng ưu đãi khủng, hễ giảm ưu đãi là doanh thu giảm ngay. Tất cả những nguyên nhân trên có thể đã dẫn đến việc Baemin không đạt được mức lợi nhuận mong muốn và phải rút khỏi thị trường.
Doanh thu thuần của Baemin ghi nhận tăng dần từ 2020 đến 2022. Cụ thể tăng gần 70% năm 2021, 8% năm 2022 và đạt khoảng 800 tỷ đồng. Tuy doanh thu thuần tăng nhưng thương hiệu ghi nhận mức lỗ lớn nhất so với các app còn lại trong suốt 3 năm liền và dao động quanh mốc 1.400 tỷ.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của 1 số công ty giao thức ăn trực tuyến 2020 - 2022
GoFood - Gojek
Ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood được chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 11/2018. Go-Food tích hợp ngay trên ứng dụng Gojek (tiền thần là Go-Viet) thuộc sở hữu của Công ty CP thương mại công nghệ Go Việt.
Với hơn 200.000 tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng ở Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, và Đồng Nai. Trong tháng 7/2023, tính năng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood đã được Gojek đưa lên hoạt động trên nền tảng MoMo, tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa Gojek và MoMo. Không cần phải rời nền tảng MoMo mà vẫn duy trì kết nối vào hệ sinh thái Gojek, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các món ăn yêu thích, đặt đồ ăn và thanh toán đơn hàng GoFood bằng MoMo. Khi bán đồ ăn trên GoFood thì chủ cửa hàng sẽ chia sẽ với GoFood mức chiết khấu cho mỗi đơn hàng là 25%, và đăng ký gian hàng là hoàn toàn miễn phí.
Doanh thu thuần của thương hiệu có sự biến động từ 2020 đến 2022. Cụ thể, năm 2020 đạt khoảng 260 tỷ đồng, tăng gần 30% năm 2021, sang 2022 giảm mạnh hơn 70%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức lỗ liên tục 3 năm liền. Năm 2020 lỗ hơn 700 tỷ đồng, giảm gần 40% năm 2021 và tiếp tục giảm gần 30% trong năm kế tiếp.
Be - BeFood
Ngày 8/4/2022, CTCP Be Group - đơn vị sở hữu ứng dụng Be, chính thức mở lại dịch vụ giao đồ ăn BeFood. Trước đó, dự án này đã phải tạm ngưng để tập trung cho mảng cốt lõi là Ride-hailing (gọi xe), nhằm rút ngắn khoảng cách giữa be và đối thủ số 1 - Grab.
Hiện Befood đã có khoảng 300.000 tài xế. Tính đến nay, BeFood đã có mặt tại hơn 28 tỉnh, thành phố. BeFood là đơn vị tiên phong bỏ phụ phí đối với những đơn hàng có tổng giá trị món ăn chưa đến 50.000 đồng. Cụ thể, trước đây ngoài giá trị đơn hàng, khách hàng còn chi trả thêm các danh mục phụ cho đơn đặt đồ ăn gồm phí sử dụng nền tảng, phí đơn nhỏ, .... Tổng cộng, người mua có thể phải chi thêm đến 13.000 đồng mỗi đơn, chưa tính phí giao hàng và các phụ phí đặc biệt khác. Với chính sách mới, người dùng chỉ cần chi trả 3.000 - 5.000 đồng (chưa bao gồm các mục phí đặc biệt khác). Đối với đối tác, BeFood thu mức chiết cho mỗi đơn hàng là 25%, và hoàn toàn miễn phí đăng ký gian hàng trên nền tảng.
Doanh thu thuần giai đoạn 2020 - 2022 có sự biến động, giảm hơn 25% năm 2021, tăng gần 140% năm kế tiếp và đạt khoảng 850 tỷ đồng. Công ty chịu lỗ 3 năm liền. Cụ thể năm 2020 lỗ gần 500 tỷ đồng, năm 2021 tăng hơn 20%, sang 2022 giảm mạnh gần 150%.
Loship
Tháng 11/2017, Công ty CP Lozi Việt Nam cho ra mắt dịch vụ Loship – giao đồ ăn, thức uống đến người dùng.
Loship đã có mặt ở hơn 12 tỉnh thành trên cả nước, với khoảng 50.000 tài xế và 200.000 đối tác là nhà hàng. Nền tảng này đang phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng trên cả nước và có khoảng 70.000 giao dịch mỗi ngày. Năm 2021, Loship hợp tác cùng Viettel Money cho phép người tiêu dùng có thể đặt đồ ăn trực tuyến trên app của Viettel Money. Mức chiết khấu mà Loship đang thu các đối tác nhà hàng của mình là 27,5%. Và phí đăng ký gian hàng cho mỗi khu vực là khác nhau, dao động trong khoảng 550.000 - 1.000.000 đồng.
Đà tăng doanh thu thuần được duy trì trong giai đoạn 2020 - 2022. Năm 2020 đạt khoảng 50 tỷ, tăng mạnh trong năm 2021 gần 200% và tăng không đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, thương hiệu ghi nhận lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp và có sự biến động. Cụ thể năm 2020 lỗ khoảng 100 tỷ, giảm mạnh gần 250% năm 2021 và tăng hơn 40% trong năm kế tiếp.
Đại dịch Covid-19 gần như đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên thị F&B, trong đó có sự chuyển đổi từ hành vi mua hàng trực tiếp sang trực tuyến. Khách hàng đã nhìn thấy được các ứng dụng trực tuyến mang đến sự tiện lợi và mức độ minh bạch cao hơn, khi họ có thể so sánh thực đơn và giá cả của các nhà hàng khác nhau. Cung cấp đa dạng từ các món ẩm thực truyền thống của Việt Nam, đến các loại thực phẩm của phương Tây, ẩm thực Châu Á mà không cần phải di chuyển nhiều nơi. Tuy nhiên, cũng chính vì sự so sánh giá cả đơn hàng, đã tạo ra bất lợi lớn cho những app có thị phần nhỏ và có kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm, vì họ khó có thể thường xuyên tung voucher giảm giá món ăn, giá cước giao hàng để tạo sự cạnh tranh về giá với những đối thủ thêm được nữa.
Nguồn: Báo cáo thị trường năm 2022 của Vietdata về ngành giao đồ ăn trực tuyến.
Comments