Tiềm năng thị trường thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi gần 8,1 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân là do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, tổng nhu cầu thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi khoảng 33 triệu tấn/năm, trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm. Do đó, thị trường thức ăn chăn nuôi vẫn còn nhiều chỗ đứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới.
Doanh nghiệp ngoại dẫn đầu đường đua
C.P. Việt Nam
C.P Việt Nam là một trong các công ty FDI lớn với doanh thu hàng tỷ USD hiện nay và là một trong những “gã khổng lồ” ngoại đầu tiên, tấn công vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Năm 1993, công ty này đã xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay C.P đã trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy trên toàn quốc.
C.P. Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng đáng nể, tính đến hết năm 2021, doanh thu của công ty này tăng gấp 1,8 lần so với năm 2017. Năm 2020 là năm đặc biệt thành công của C.P. Việt Nam với doanh thu gần 81 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 18,5 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp ngoại quốc này có sự chững lại và lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước. C.P Việt Nam là một trong số những doanh nghiệp lãi tốt nhất Việt Nam.
Cargill Việt Nam
Cargill là tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ tài chính. Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1995, đến nay Cargill có 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Cargill Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và liên tục, nhanh chóng và bền vững để trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với các dòng sản phẩm chất lượng cao, được sản xuất bởi công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Kết quả kinh doanh của Cargill hồi phục vào năm 2020, sau 3 năm sụt giảm liên tiếp nhờ cải thiện doanh số bán hàng, doanh thu Cargill năm 2021 đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 55% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng15% so với năm 2020.
CJ Vina Agri
Công ty TNHH CJ Vina Agri trực thuộc Tập đoàn CJ Hàn Quốc, vận hành theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food) khép kín. Năm 2001, CJ Vina Agri thành lập nhà máy đầu tiên tại Long An. Đến nay, CJ Vina Agri đã hoàn thiện quy trình chăn nuôi khép kín và mở rộng quy mô lên đến 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trải dài khắp Việt Nam với công suất lên hơn 1 triệu tấn/năm.
Theo số liệu từ báo cáo, doanh thu của CJ Vina Agri cũng tăng liên tục qua các năm và đạt mức 17,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp thua lỗ và gặp rất nhiều khó khăn. Công ty CJ Vina Agri cũng không nằm ngoài sức tàn phá khốc liệt của dịch bệnh khi lợi nhuận sau thuế năm 2021 giảm gần 40% so với năm 2020.
Japfa Comfeed Việt Nam
Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam là công ty 100% vốn Indonesia được cấp phép kinh doanh năm 1999 với số vốn đầu tư hơn 20 triệu USD chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức mạng lưới gia công chăn nuôi gia cầm, gia súc và chế biến sản phẩm chăn nuôi để xuất khẩu.
Japfa Việt Nam không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động và hiện tại công ty có 4 trại ấp trung tâm, 7 nhà máy thức ăn chăn nuôi, 40 cửa hàng thức phẩm Japfa Best cùng 1.500 trang trại trên toàn quốc
Tình hình kinh doanh của Japfa Việt Nam khá khả quan, khi doanh thu tăng liên tục trong giai đoạn 2017 - 2021 và chạm mốc 16 nghìn tỷ đồng vào năm 2021.
Năm 2020 cũng là năm khá thành công đối với doanh nghiệp ngoại quốc này khi doanh thu tăng 33% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh, gấp 3,4 lần năm 2019.
De Heus Việt Nam
De Heus Việt Nam được thành lập vào năm 2008, trực thuộc Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô toàn cầu. Cuối năm 2021, De Heus mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Tập đoàn Masan, nâng tổng số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn Việt Nam lên 23 nhà máy.
De Heus Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thị trường độc lập cả về quy mô, sản lượng và doanh thu. Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến bùng phát phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, đình trệ thì De Heus Việt Nam vẫn tất bật với việc tiếp nhận 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi mua lại từ Masan. Được biết, tổng công suất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi này lên tới gần 4 triệu tấn/năm.
Theo số liệu báo cáo, năm 2021 doanh thu của De Heus Việt Nam đạt gần 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi có sụt sụt giảm vào năm 2018, lợi nhuận sau thuế của gã ngoại quốc này cũng tăng trở lại trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, De Heus Việt Nam mang về cho công ty mẹ gần 970 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Doanh nghiệp nội lép vế
GreenFeed Việt Nam
Công ty CP GreenFeed Việt Nam, tiền thân là Công ty TNHH GreenFeed Việt Nam, là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và con giống. GreenFeed đang dần khép kín chuỗi giá trị thực phẩm sạch thông qua mô hình Feed - Farm - Food.
Sở hữu hệ thống 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, GreenFeed có khả năng cung cấp ra thị trường hàng triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm.
Doanh thu tăng trưởng dương trong những năm gần đây, đặc biệt doanh thu thuần năm 2021 của doanh nghiệp này tăng 36% so với năm 2020. Doanh nghiệp này còn lãi sau thuế hơn 635 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 10% so với năm trước.
Dabaco
Dabaco là một Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Dabaco là một trong 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất cả nước với 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trải dài trên nhiều tỉnh thành.
Hiện tại, Tập đoàn có 6 thương hiệu thức ăn chăn nuôi bao gồm: Dabaco, Topfeeds, Kinh Bắc, Khangti Vina, Nasaco và Growfeeds.
Giữa tâm bão dịch bệnh cả trên người và vật nuôi (dịch tả lợn Châu Phi), Dabaco Group vươn lên như một điểm sáng, đánh dấu một mốc son mới ở tuổi trưởng thành 25 năm với những con số ấn tượng nhất từ trước đến nay khi sở hữu hệ thống các đơn vị thành viên trên khắp cả nước, với tổng tài sản đạt trên 10.862 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.152 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.685 tỷ đồng, doanh thu thuần trên 10,8 nghìn tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 829 tỷ đồng.
Con Cò
Công Ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (“Proconco”) được thành lập từ năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Proconco sở hữu thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi cao cấp và lâu đời nhất tại Việt Nam với 7 nhà máy hiện đại, quy trình sản xuất khép kín.
Doanh thu Proconco có sự sụt giảm dần từ năm 2017, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm gần 5%, lợi nhuận sau thuế giảm gần 28% so với năm trước. Song đến năm 2021, tình hình kinh doanh của Proconco có vẻ khả quan hơn khi doanh thu tăng 32%, lợi nhuận sau thuế tăng 96% so với năm 2020.
Tập đoàn Mavin
Công ty CP Tập đoàn Mavin tiền thân là Công ty Liên doanh Austfeed được thành lập năm 2004, là một dự án liên doanh giữa Việt Nam và Australia, khởi đầu từ một nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại tỉnh Hưng Yên.
Từ một dự án liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, đến nay, Mavin đang sở hữu 5 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hiện đại với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn mỗi năm.
Năm 2021, doanh thu của Mavin đạt thấp nhất trong 5 năm gần đây, 1,680 tỷ đồng, giảm 32.7%, lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, giảm 29.2% so với năm trước.
Theo ước tính từ các công ty thuộc tập đoàn Mavin tại Việt Nam (trừ các công ty liên doanh), tổng doanh thu năm 2021 của Mavin khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại chững lại so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty Cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà
Công ty Cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà là Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Hồng Hà có hai nhà máy tại Hà Nam và Bình Định, hệ thống kho trung chuyển phân phối sản phẩm trên khắp cả nước.
Tuy có quy mô nhỏ hơn so với các đối thủ khác nhưng tình hình kinh doanh của Hồng hà khá khả quan khi doanh thu tăng liên tục trong những năm qua và lợi nhuận sau thuế cũng được cải thiện. Cụ thể, trong năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu gần 2,9 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm 2020.
Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu số lượng nhà máy sản xuất nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thị trường thức ăn chăn nuôi hiện vẫn là sân chơi chính của các ông lớn ngoại như C.P, Cargill, De Heus, CJ, Japfa Comfeed… Các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng mới chỉ có Dabaco, Greenfeed đủ tiềm lực tài chính để chen chân vào thị trường tỷ đô này.
Nguồn: Báo cáo ngành Thức ăn chăn nuôi 2022 của Vietdata
Comments