top of page

Ngành điều nỗ lực nắm thế chủ động ở vị trí số 1 thế giới

Sau nhiều năm luôn chịu thế bị động cả về giá nguyên liệu nhập khẩu và giá điều nhân xuất khẩu, ngành điều Việt Nam đang nỗ lực xoay chuyển tình thế bằng cách điều chỉnh lại các kế hoạch nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu.

Nguồn: Unsplash


Hiệu quả không tương xứng

Câu chuyện vị thế của ngành điều là một trong những chủ đề được quan tâm đặc biệt tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành điều năm 2022 diễn ra mới đây.


Theo đó, dù nắm giữ vị trí số 1 thế giới cả về nhập khẩu điều thô, sản xuất và xuất khẩu điều nhân, nhưng Việt Nam lại không thể nắm thế chủ động về giá điều thô nhập khẩu và giá điều nhân xuất khẩu. Chính điều này đã dẫn tới tình trạng bất hợp lý về giá cả của thị trường điều thế giới.


Cụ thể, trong năm 2022, tất cả các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành điều đều suy giảm cả về lượng và đặc biệt là giá. Điều đáng chú ý là giá điều thô vẫn ở mức cao, trong khi điều nhân lại giảm rất mạnh.


Bên cạnh đó, việc chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống cũng khiến các DN điều Việt Nam luôn ở thế bị động và bị các thương lái, nhà trung gian, nhà môi giới ép giá.Phần lớn mặt hàng điều xuất khẩu vẫn ở dạng sơ chế hoặc đã qua chế biến, bóc vỏ lụa, sấy khô, hút chân không, đóng gói… ở dạng thô.


Một hạn chế nữa là số lượng DN đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu vẫn còn hạn chế. Chỉ có số ít DN có cớ sở chế́ biến đạt tiêu chuẩn cao như: BRC, SMECTA, HACCP...


Nỗ lực xoay chuyển tình thế


Phân tích về tình hình thị trường điều thế giới hiện nay, ông ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Chính sách của VINACAS cho biết, với việc gia tăng diện tích trồng điều tại các nước trong những năm qua, hiện nguồn cung điều thô rất dồi dào. Cách đầu cơ điều thô như những năm trước đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các nước châu Phi là không đáng kể nên đầu ra cho điều thô vẫn chủ yếu trông chờ vào Việt Nam và Việt Nam cũng nắm giữ hầu hết nguồn cung điều nhân của thế giới. Việc điều chỉnh lại kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp các DN điều Việt Nam thay đổi được vị thế trên thị trường.


Cụ thể, chỉ cần Việt Nam tạm ngưng mua, cung cầu trên thị trường điều thô sẽ lập tức bị tác động, kéo giá đi xuống. Tương tự, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm bớt lượng cung để kích giá điều nhân trên thị trường tăng lên.


Cùng chung nhận định này, nhiều DN lớn trong ngành điều đang có những đối sách để xoay chuyển tình thế. Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 đặt vấn đề, Việt Nam đang sở hữu công nghệ chế biến điều hàng đầu thế giới. Đây chính là thế mạnh về khả năng sản xuất nhanh, công suất lớn. Trong đó, trong tình hình hiện nay, ông Huyên cho rằng cần thực hiện “vườn không nhà trống”, tức là không duy trì tồn kho nữa. Khi nào ký được hợp đồng thì mới mua điều thô về sản xuất, thay vì ôm một đống điều nhân rồi lo ngay ngáy khi mà lãi suất đang tăng rất cao.


Tương tự, tại Công ty Hanfimex, ông Phùng Văn Sâm cho biết, sau tết Nguyên đán, thị trường điều nhân hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, do đó công ty cũng sẽ chờ có đơn hàng mới mua nguyên liệu và sản xuất. Hiện tại Hanfimex chỉ tập trung cho việc tham gia hội chợ Quốc tế thực phẩm và đồ uống Gulfood Dubai - hội chợ lớn nhất trong lĩnh vực thực phẩm tại khu vực Trung Đông, vào cuối tháng 2 tới với mong muốn gặp gỡ và giữ chân các khách hàng truyền thống của công ty. Đồng thời nắm bắt tình hình cung cầu cũng như yêu cầu của thị trường để có sự điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm chế biến sâu cũng là giải pháp để mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn và mở rộng cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới.


Về phía Hiệp hội, để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành điều, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Trưởng ban Kiểm tra VINACAS đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều. Cùng với đó, Văn phòng SPS Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các DN ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ.


(VCN)



Commentaires


bottom of page