top of page

Người mua nhà khó tiếp cận vốn vì lãi suất

Ngoài thủ tục pháp lí, việc người mua nhà khó tiếp cận vốn vì lãi suất cao cũng là thách thức lớn với không ít doanh nghiệp bất động sản hiện nay.


Một số ngân hàng bắt đầu cho vay ưu đãi theo gói 120.000 tỉ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) bắt đầu cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Cả hai ngân hàng dành khoảng 30.000 tỉ đồng cho chương trình này.


Vietcombank áp dụng cho vay 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trên thị trường trong từng thời kì. Agribank áp dụng lãi suất ưu đãi đến ngày 30.6.2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1.7.2023, định kỳ 6 tháng/lần Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay ưu đãi.


Photo: Internet


Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất 8,2%/năm dành cho người mua nhà và 8,7%/năm dành cho doanh nghiệp vẫn còn tương đối cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên đó đã là sự cố gắng lớn của các ngân hàng. Lệch pha cung cầu là vấn đề rất lớn hiện tại, kéo theo hệ quả là sức cầu thị trường. Nhu cầu hiện chỉ bằng 20-30% cùng kì năm trước ở hầu hết các phân khúc. Khách hàng có xu hướng chờ thị trường “tạo đáy”, thiếu tự tin quyết định xuống tiền. Chưa kể, người mua mất lòng tin ở một số chủ đầu tư do không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, pháp lí dự án. Đồng thời, với người muốn mua nhà, lãi suất ở mức cao cũng khiến động lực suy giảm.


Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, thị trường bất động sản đang đối diện 4 thách thức tới từ vĩ mô - chính trị; chính sách pháp lí; thị trường vốn; khó khăn thị trường bất động sản. Room tín dụng ngân hàng hiện đã tăng nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp thì điều kiện tiếp cận vốn rất khó. Đặc biệt, lãi suất cho vay dù có xu hướng giảm nhưng hiện vẫn dao động 11-15% cho khoản vay trung – dài hạn.


Khó khăn của thị trường xuất phát từ nguồn cung, sức cầu, mặt bằng giá và tâm lí. Hiện nguồn cung rất khan hiếm trên thị trường, chỉ bằng khoảng 10% so với giai đoạn trước, có những phân khúc lượng cung giảm tới 79%, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng gần như đóng băng nhiều năm nay. Riêng với căn hộ hạng C tại TP Hồ Chí Minh, 3 năm rồi không có dự án nhà ở thương mại có giá 35 triệu đồng/m2. Mức giá thấp nhất phải tầm 40 triệu đồng/m2. Có thể nói căn hộ hạng C tại TP Hồ Chí Minh đã “tuyệt chủng”, ông Thắng cho biết.


TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc DGCapital cho biết, khách hàng đã tích lũy được một phần tiền mua nhà, phần còn lại dự định mua trả góp nhưng không dám vay vì lãi suất phổ biến tại các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 14%/năm. Mức này quá cao nên người mua chùn tay. Chi phí lãi vay lớn khiến người dân phải gác việc mua nhà một phần do công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút khi kinh tế khó khăn, nhưng phần lớn là do lãi suất vượt khả năng chi trả. Thông tin giảm lãi suất thời gian qua thực chất chỉ có tác dụng lớn về tâm lí nhưng chưa đi vào cuộc sống. Quan trọng là lãi suất cho vay cá nhân phải giảm mới góp phần cải thiện đầu ra cho thị trường bất động sản.


(Lao Dong)


Commentaires


bottom of page