Hiện nay, hệ thống quản lý tòa nhà đang được triển khai rộng rãi giữa các khu dân cư và tòa thương mại nhằm giám sát, quản lý các hoạt động như: bảo vệ tài sản, bảo vệ an toàn cho cư dân, xử lý an ninh, phòng chống cháy nổ, thực hiện bảo trì và sửa chữa hệ thống điện, nước, bảo vệ cảnh quan,…đem đến môi trường sống an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người đang sinh sống và làm việc tại tòa nhà.
Trên toàn cầu, Thị trường hệ thống Quản lý tòa nhà được định giá 14,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 51,73 tỷ USD vào năm 2029. Sự tăng trưởng của thị trường hệ thống Quản lý tòa nhà toàn cầu được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau, điển hình là sự gia tăng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dẫn đến sự gia tăng thương mại và làm tăng nhu cầu về dịch vụ trong việc bảo trì ở các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng…, do đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Thị trường này đã hoạt động rất sôi nổi trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi. Vào năm 2020, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đóng góp cao nhất vào thị trường dịch vụ Quản lý tòa nhà toàn cầu và được dự đoán sẽ đảm bảo vị trí dẫn đầu trong giai đoạn dự báo.
Với thị trường Việt Nam, lĩnh vực quản lý, vận hành tòa nhà tuy còn khá mới mẻ tại nhưng trong khoảng 5 năm qua đã có những bước phát triển đáng kể. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2022, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự đa dạng loại hình bất động sản như trung tâm mua sắm, văn phòng, khu đô thị, khu công nghiệp, căn hộ... đã mở ra sự phát triển thịnh hành của ngành quản lý bất động sản.
Thống kê từ Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành dịch vụ quản lý vận hành bất động sản ghi nhận có mức tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trung tâm tài chính và các thành phố trực thuộc trung ương được nhắm đến như một vùng đất "màu mỡ" cho các đơn vị quản lý vận hành bởi tốc độ đô thị hóa nhanh. Ở VN có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ nhà chọc trời ở Việt Nam cũng cao ngất ngưởng, đặc biệt ở Hà Nội là 52% và TP HCM 32% tính đến tháng 6/2021.
Tại đây lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản cũng phát triển sớm, với sự góp mặt của các đơn vị tên tuổi như CBRE, Savill, JLL, PMC,... mang đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp quản lý vận hành mới muốn tham gia thị trường này.
Savills Việt Nam
Savills là một trong các công ty quản lý tòa nhà có quy mô toàn cầu với hơn 600 văn phòng đại diện tại hơn 60 quốc gia. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 1995, đến nay Savills đã có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và quản lý đa dạng các loại hình bất động sản rộng khắp Việt Nam, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao cấp tới khu đô thị
Hiện Savills Việt Nam quản lý hơn 8 triệu m2 diện tích bất động sản. Một số tòa nhà nổi tiếng như: PVI Tower, BIDV Tower (Hà Nội), Saigon Pearl, The Vista (HCM),... Ngoài ra, Savills cũng là một trong các công ty chuyên về lĩnh vực bất động sản với đội ngũ nhân viên hùng hậu, chuyên nghiệp sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Doanh thu thuần của Savills Việt Nam có xu hướng tăng trưởng khá ổn định qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt gần 790 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với xu hướng doanh thu thuần, tình hình lợi nhuận sau thuế của công ty có sự dao động nhẹ, quanh mức lợi nhuận 22-23 tỷ đồng mỗi năm..
PMC
Công ty PMC có tên gọi đầy đủ là Công ty CP Quản lý và Khai thác Tòa nhà PMC, được thành lập vào tháng 6 năm 2009, là sự hợp tác góp vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Biken Techno Nhật Bản. Đây cũng là một đơn vị quản lý tòa nhà có tiếng tại Hà Nội.
Với gần 20 năm kinh nghiệm trong các dịch vụ bất động sản, đối với mảng quản lý tòa nhà, doanh nghiệp luôn thực hiện theo triết lý lắng nghe và thấu hiểu khách hàng. Hiện doanh nghiệp này đang quản lý các dự án lớn tại Hà Nội như Ruby GoldMark City, Winhomes Bắc Ninh, SaigonMia,…
Doanh thu thuần thuần và lợi nhuận sau thuế của PMC có xu hướng phát triển khá ổn định trong giai đoạn 3 năm 2020-2022, với mức tăng trưởng dương mỗi năm. Đến năm 2022, PMC đã đem về doanh thu hơn 760 tỷ đồng với mức lợi nhuận gần 14 tỷ đồng.
CBRE Việt Nam
CBRE là công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2003 với sứ mệnh là đơn vị tư vấn chiến lược và cung cấp các dịch vụ về bất động sản hàng đầu trên phạm vi rộng khắp cả nước. Đến nay, sau 18 năm phát triển, CBRE sở hữu hơn 700 nhân viên làm việc tại 3 chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam.
CBRE Việt Nam hiện đang là một trong số các đơn vị quản lý BĐS lớn nhất Việt Nam với khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bất động sản. Các dự án điển hình được CBRE quản lý như: Vincom City Towers, Grand Plaza Hanoi,... tại Hà Nội và The River Thủ Thiêm, Sunshine Venicia,... tại HCM.
CBRE Việt Nam có doanh thu thuần dao động nhẹ qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần của thương hiệu đạt gần 560 tỷ đồng, giảm 1.3% so với năm trước. Cùng với xu hướng doanh thu thuần, tình hình lợi nhuận sau thuế của công ty cho thấy sự dao động mạnh mẽ hơn. Sau khi lợi nhuận tăng gần gấp 2 lần vào năm 2021, con số này có tín hiệu không mấy khả quan vào năm 2022, quay về mức lợi nhuận gần bằng năm 2020.
Doanh thu thuần của một số thương hiệu quản lý tòa nhà tại Việt Nam
Jones Lang LaSalle
JLL là tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại Mỹ. Kể từ khi thành lập năm 2006, JLL Việt Nam đã phát triển thành công ty tư vấn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 450 nhân viên.
JLL sở hữu đội ngũ tư vấn bất động sản thương mại lớn nhất Việt Nam và cung cấp đầy đủ các dịch vụ chuyên nghiệp bao gồm nghiên cứu và thẩm định giá, đại diện chủ nhà và khách thuê, quản lý phát triển dự án, quản lý hành chính kỹ thuật, quản lý tài sản bất động sản.
Jones Lang LaSalle ghi nhận sự phát triển ổn định về doanh thu thuần mỗi năm, đạt hơn 510 tỷ đồng vào năm 2022. Cùng xu hướng tăng trưởng dương, lợi nhuận sau thuế ghi nhận một sự đột phá trong 2 năm 2021 và 2022, gấp 3-4 lần lợi nhuận năm 2020.
PSA
Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tài sản PSA là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco). Với hơn 16 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quản lý và vận hành bất động sản, PSA đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào và quản lý các dự án bất động sản cao cấp như: Tòa nhà PetroVietnam 18 Láng Hạ, Tòa nhà Viện dầu khí Việt Nam, Tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,...
Tình hình kinh doanh của PSA có xu hướng giảm vào năm 2021 về cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế nhưng công ty đã nhanh chóng phát triển ổn định trở lại vào năm 2022, đạt doanh thu gần 490 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 24 tỷ đồng.
VISAHO
Công ty Cổ phần VISAHO là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Được thành lập tại Việt Nam vào năm 2015, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư, quản lý vận hành bất động sản, môi giới bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Sở hữu đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm cùng đội ngũ chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ công việc quản lý vận hành tại các dự án quản lý, VISAHO hiện tại đang nắm trong tay các dự án quan trọng: Summit Building, Viglacera Tower, Khu đô thị Park City, dự án Capital Place,…
Trong giai đoạn 2020-2022, VISAHO đã chứng kiến một xu hướng dao động mạnh về doanh thu thuần. Mặc dù có sự giảm nhẹ vào năm 2022 số về doanh thu thuần so với 2021, đạt hơn 116 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, từ chỉ gần 90 triệu đồng lên hơn 5 tỷ đồng năm 2022, gấp khoảng 60 lần.
Lợi nhuận sau thuế của một số thương hiệu quản lý tòa nhà tại Việt Nam
Asahi Japan
Năm 2019, Công ty Cổ phần Dịch vụ Quản lý tài sản & Đầu tư Asahi Japan chính thức được thành lập dựa trên cơ sở hợp tác vững mạnh giữa tập đoàn uy tín tại Nhật Bản TOYO GROUP và Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc ĐẤT XANH MIỀN BẮC.
Dù chỉ mới gia nhập thị trường quản lý vận hành tại Việt Nam nhưng với đội ngũ nhân sự và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Asahi Japan đã được các chủ đầu tư lớn “chọn mặt gửi vàng” cho các dự án tầm cỡ như: dự án Flora Fuji, Golden Park Tower, Opal Boulevard,…
Asahi Japan (Việt Nam) chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu thuần ấn tượng trong giai đoạn ba năm nhưng lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng tiêu cực. Cụ thể, doanh thu thuần của thương hiệu tăng gần 40 tỷ mỗi năm, đạt gần 110 tỷ đồng năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty không khả quan khi ghi nhận tăng trưởng dương năm 2021 sau đó quay trở lại mức lợi nhuận âm vào năm 2022.
My House
My House là công ty quản lý bất động sản được xây dựng bởi đội ngũ luật sư, kỹ thuật viên,… có chuyên môn cao. Thành lập từ năm 2013 với phương châm “Uy tín – tận tâm – chuyên nghiệp”, công ty luôn mang đến sự hài lòng cho khách hàng khi lựa chọn sử dụng dịch vụ tại My House.
Trải qua hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và tổ chức quản lý vận hành, MY HOUSE đã và đang là đơn vị quản lý những dự án quy mô như: Riva Park, Tô Ký Tower, tòa nhà Sky Center, dự án Viva Riverside,…
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của My House không có sự thay đổi nhiều trong giai đoạn 2020-2022. Tuy nhiên, khác với sự tăng trưởng ổn định của doanh thu thuần với mức tăng khoảng 5% mỗi năm, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu gần như không thay đổi ở mức lợi nhuận 450 triệu đồng..
OCS
OCS là đơn vị quản lý vận hành chung cư, căn hộ cho thuê, văn vòng và các loại bất động sản khác – liên doanh giữa 2 tập đoàn lớn là Comin Asia và OCS UK.
Sự kết hợp giữa hai công ty lớn và uy tín giúp OCS Việt Nam nhanh chóng trở thành đơn vị cung cấp các gói dịch vụ tiện cho tòa nhà, căn hộ, nhà máy… hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, OCS còn là đối tác của các tập đoàn lớn như: ABB, Kimberly Clark…, thực hiện nhiều dự án xây dựng chung cư tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Bức tranh kinh doanh của OCS trong ba năm gần vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần của thương hiệu giảm khoảng 20% vào năm 2021 và 2022 so với năm 2020, đạt khoảng 37 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu không khả quan khi ghi vẫn nhận mức lợi nhuận âm trong ba năm.
Thông thường các dự án thương mại, nhà ở,... được quản lý bởi các công ty có thương hiệu uy tín sẽ chiếm ưu thế hơn trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng. Bởi vậy, nhu cầu lựa chọn các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp đang ngày càng được các chủ đầu tư, cư dân quan tâm. Đây cũng chính là thách thức lớn mà nhiều doanh nghiệp mới phải đối mặt. Do đó, để có thể gia nhập vào thị trường này, các đơn vị cần tạo cho mình một bản sắc văn hóa, dịch vụ khác biệt, đáp ứng đúng tiêu chuẩn và có quy trình vận hành bài bản. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý (proptech)…sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh hơn trong thị trường.
Nguồn: Báo cáo thị trường sản quản lý tòa nhà tại VN của Vietdata năm 2022
Commentaires