top of page

Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam 2023, FDI là điểm sáng

Kinh tế Việt Nam 2023 bắt đầu với nhiều khó khăn chuyển tiếp từ năm trước. Mặt bằng lãi suất tăng nhanh trong 2 tháng cuối năm 2022 và lập đỉnh vào đầu tháng 2/2023. Thị trường trái phiếu “bế tắc”. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, điện năng lượng tái tạo gặp khó khăn về dòng tiền. Nhưng tình hình đã dần cải thiện với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.


Cùng Vietdata nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam 2023.


Mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM giảm dần từ sau Tết Nguyên Đán 2023, nhưng vẫn neo cao. Lãi suất huy động của các ngân hàng chỉ thực sự giảm nhanh kể từ tháng 6, sau 4 lần NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành. Thậm chí đến nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại một trong 4 “Big4” ngân hàng chỉ còn 1.9%/năm, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. 


Trong ½ đầu năm, bên cạnh lãi suất cao, tình hình sản xuất - xuất khẩu bị đình trệ nhiều, do tổng cầu thế giới suy giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm sút mạnh. Trong nước, các khó khăn liên quan đến trái phiếu và dòng tiền của doanh nghiệp vẫn căng thẳng. Nhưng tình hình cũng đang dần cải thiện về cuối năm.


Theo đó, GDP Việt Nam 2024 đạt 5.05%, dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra hồi đầu năm, nhưng đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm và khó khăn. Mặc dù có nhiều yếu tố khách quan bên ngoài tác động, nhưng GDP Việt Nam cải thiện dần qua từng quý.


Trong đó khu vực sản xuất, ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân 8 tháng đầu năm liên tục tăng trưởng âm, nhưng đã cải thiện dần qua từng tháng và bắt đầu tăng trưởng dương kể từ tháng 9.


Giá trị xuất khẩu hàng tháng cũng liên tục thấp hơn tháng cùng kỳ 2022 trong 8 tháng đầu năm. Tình hình mới chỉ cải thiện hơn và tăng trưởng dương từ Tháng 9 đến nay. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ đạt 355.5 tỷ USD, giảm -4.4% so với 2022.


Tuy nhiên điểm tích cực trong bức tranh xuất khẩu là thặng dư thương mại 2023 đạt mức kỷ lục, 28 tỷ USD. Và các mặt hàng nông sản, rau quả Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt mặt hàng gạo Việt đã xuất bán được đi nhiều thị trường khó tính như EU và Nhật Bản, giá gạo Việt cũng vượt qua gạo Thái sau nhiều năm cố gắng xây dựng thương hiệu và cải tiến chất lượng. 


Đối với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước theo báo cáo công bố của Bộ Công thương vẫn liên tục tăng lên mức kỷ lục mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả nước đạt 6.2 triệu tỷ đồng trong năm 2023, tăng 9.6% so với 2022. 


Nhưng theo thực tế khảo sát của chúng tôi, tình hình bán hàng của nhiều đơn vị bán lẻ vẫn rất chậm và thấp hơn khoảng 10-18% so với cùng kỳ 2022. Các đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ phải thu hẹp quy mô (mặt bằng và lao động) diễn ra phổ biến. Các đơn vị bán lẻ phải chạy nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích nhu cầu. Đặc biệt doanh số bán lẻ xe máy, ô tô vẫn giảm mạnh. 


Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: có tín hiệu tích cực hơn từ cuối Q2 đến nay (kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành). Với sự ra đời của Nghị định mang tính giải pháp tình thế, đã tạo thuận lợi cho các nhà phát hành và trái chủ tự thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu, hình thức thanh toán lãi và gốc trái phiếu… Và việc ra đời hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ từ ngày 19/07/2023 được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tính minh bạch và thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong trung dài hạn.


Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đó những khó khăn, áp lực đáo hạn lớn, nhưng thanh khoản và năng lực chi trả nợ gốc và lãi của nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn rất yếu. Danh sách doanh nghiệp thông báo chậm trả gốc và lãi tiếp tục gia tăng. 


Tăng trưởng Tín dụng: Với những khó khăn của nhiều khu vực doanh nghiệp như vừa nêu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Tăng trưởng tín dụng cả nước trong 3 quý đầu năm tăng rất chậm, và mới chỉ tăng tốc hơn từ giữa tháng 11. Dẫu vậy, tăng trưởng tín dụng cũng mới ước đạt 11%, thấp hơn mức mục tiêu 14%. 


Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tín dụng là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra cho năm 2024. 


Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Việt Nam 2023 là việc thu hút vốn FDI. Tổng vốn FDI đăng ký trên cả nước đạt 28 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 23 tỷ USD, chiếm 82% vốn đăng ký. Đây là một tỷ lệ khá cao so với nhiều năm nay. Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài so với các quốc gia trong khu vực nhờ về tính ổn định và vị thế chính trị, tính hấp dẫn từ lợi thế của các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam có được; chất lượng lao động ngày càng tăng, và quy mô thị trường tiêu thụ nội địa lớn.


Nguồn: Báo cáo Vĩ mô_Điểm tin ngành số Tháng 1/2023 của Vietdata

Komentáře


bottom of page