Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, doanh thu của top 10 doanh nghiệp dẫn đầu về thị trường cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử chiếm đến 95% thị phần. Trong đó dẫn đầu là Công ty TNHH Shopee.
Theo đó, Top 10 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ TMĐT bao gồm: Shopee, Recess, Grab, Woowa Brothers Việt Nam, TiKi, Go Viet, Sen Đỏ, Foody, Be Group, và Aha Move.
Hàng năm các doanh nghiệp này mang về cho mình mức doanh thu từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng và có đóng góp không nhỏ vào doanh thu của toàn ngành.
Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA và hiện có mặt trên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Shopee chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2016. Đến hiện tại, Shopee đã giữ vị trí top 1 trong bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử.
Shopee là còn trang thương mại điện tử dẫn đầu về lượng truy cập với khoảng gần 89 triệu lượt truy cập trong quý IV/2021, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Xét về mặt doanh thu, Shopee Việt Nam chiếm thị phần cao nhất với mức doanh thu hơn 5,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, tăng hơn 145% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù doanh thu tăng mạnh qua các năm nhưng công ty vẫn chưa có lãi.
Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2012 bởi Lazada Group và hiện đang thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba. Lazada hoạt động bằng cách cung cấp các gian hàng ảo trên trang web của mình và nhận lại hoa hồng từ những đơn hàng từ nhà bán hàng.
Doanh thu của sàn thương mại điện tử này cũng tăng đáng kể, cụ thể năm 2020, Lazada Việt Nam ghi nhận mức doanh thu gần 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, khoản lỗ trước thuế của nền tảng này cũng đang có xu hướng giảm so với những năm trước và đáng ngạc nhiên hơn là ông lớn này đã mang về mức lợi nhuận dương vào năm 2020.
Tiki được thành lập vào tháng 3/2010 với định hướng ban đầu là nhà sách trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Qua 9 năm xây dựng và phát triển, Tiki đã trở thành website thương mại điện tử cung cấp sản phẩm thuộc 15 ngành hàng phổ biến.
Thương hiệu “cây nhà lá vườn này” của Việt Nam cũng chẳng thua kém gì so với các thương hiệu ngoại quốc khi doanh thu tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2020, Tiki ghi nhận mức doanh thu hơn 820 tỷ đồng. Nhưng đáng chú ý hơn là mức lỗ trước thuế của Tiki trong năm 2020 lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng.
Khác với các đối thủ trong ngành, Sendo ban đầu chỉ là một dự án thương mại điện tử do CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT phát triển. Đến năm 2014, CTCP Công nghệ Sendo được thành lập, là đơn vị chủ quản ứng dụng Sendo.
Trong giai đoạn từ năm 2019 -2021, doanh thu thuần và khoản lỗ trước thuế của ông lớn này đều giảm đáng kể. Đây là sàn thương mại điện tử duy nhất trong Big4 có sự sụt giảm về doanh thu.
Việt Nam ngoài là thị trường được các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước săn đón thì đây còn là mảnh đất màu mỡ để các ứng dụng về gọi xe và giao đồ ăn phát triển.
Theo số liệu được công bố, có tới 5.1% doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe công nghệ; 6,2 % doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa và 7,8% doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ giao, đặt đồ ăn.
Grab là một công ty công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển đến từ Malaysia. Grab thực hiện dịch vụ di chuyển của mình trên ứng dụng do chính công ty cung cấp. Năm 2014, ứng dụng đã có mặt tại Việt Nam với tên gọi GrabTaxi và đến năm 2016 đổi tên thành Grab. Và sau gần 2 năm hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt dịch vụ như: GrabTaxi, GrabBike, GrabCar, GrabExpress, GrabFood... và rất nhiều dịch vụ khác ra đời phục vụ cho mọi nhu cầu di chuyển của người dân Việt Nam.
Grab được xem là ông trùm trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe công nghệ, với doanh thu mang về hơn 3,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên trước sự phát triển vượt bậc của các đối thủ trong ngành như Gojek, Baemin, Foody, doanh thu của ông trùm này đã chững lại vào năm 2021.
Về lợi nhuận của Grab có sự biến đổi thất thường. Cụ thể sau chuỗi thời gian lỗ trước thuế thì đến năm 2020, ông trùm này đã thu về hơn 230 tỷ đồng, tuy nhiên một năm sau đó lại ghi nhận mức lợi nhuận âm.
Foody thành lập vào năm 2012, với dịch vụ ban đầu là website cung cấp tìm kiếm các địa điểm quán ăn, nhà hàng. Đến năm 2016, Foody ra mắt DeliveryNow (nay là Shopee Food) với vai trò là ứng dụng đặt món và giao đồ ăn.
Foody.vn tập trung đẩy mạnh cả 4 mảng dịch vụ cùng một lúc là:
Foody.vn: cung cấp những đánh giá, bình luận từ địa điểm ăn uống thông qua website và ứng dụng di động.
Tablenow.vn: dịch vụ đặt bàn trực tuyến.
Deliverynow.vn: dịch vụ giao hàng trực tuyến.
FoodyPOS.vn: dịch vụ cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho các nhà hàng, quán ăn.
Từ năm 2017 - 2021, doanh thu của Foody ghi nhận tăng trưởng tích cực qua các năm, điển hình doanh thu năm 2021 đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng, càng kinh doanh thì doanh nghiệp này càng báo lỗ. Đỉnh điểm là vào năm 2020, mức lỗ trước thuế lên đến 1,5 nghìn tỷ đồng.
Baemin là một ứng dụng đặt đồ ăn đến từ Hàn Quốc, được điều hành bởi Woowa Brothers Việt Nam. Gia nhập thị trường F&B Việt Nam đúng vào thời điểm các ứng dụng giao đồ ăn cạnh tranh thị phần khốc liệt và phải đối mặt với các đối thủ mạnh như Now (hiện nay là Shopee Food), GrabFood, GoFood. Dù vậy, kỳ lân của Hàn Quốc đã dốc hết mình cho cuộc chiến tranh giành thị phần tại Việt Nam. Khi chỉ mới năm đầu ra mắt, mức lỗ đã lên gần 570 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ đạt mức 76 tỷ đồng.
Doanh thu của doanh nghiệp này liên tục tăng nhanh trong 2 năm gần đây và kèm theo đó là mức lỗ cũng tăng nhanh, cho thấy tham vọng của ứng dụng đến từ xứ sở kim chi là rất lớn.
Be là ứng dụng gọi xe công nghệ “Made in Vietnam” được phát triển bởi Công ty cổ phần BE GROUP. Ứng dụng này chính thức ra mắt thị trường vào 2018 tại Hà Nội và Thành phố HCM.
Sau hơn 4 năm hoạt động thì Be cung cấp các dịch vụ chủ yếu như:
BeBike: dịch vụ gọi xe 2 bánh.
BeCar: dịch vụ gọi xe hơi ô tô 4&7 chỗ.
BeDelivery: dịch vụ giao hàng nhanh.
BeRental: Dịch vụ cho thuê xe.
BeFood: dịch vụ giao đồ ăn.
Sau khi đi vào hoạt động, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng liên tục và đạt gần 480 tỷ đồng vào năm 2020 (tăng gấp 100 lần so với năm 2018) và có sự sụt giảm vào năm 2021. Do đó, Be Group liên tục tung ra các voucher khuyến mãi, các chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng mới cũng như giữ chân khách hàng cũ. Từ đó dẫn đến chi phí bán hàng tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lợi nhuận của tay chơi này âm.
Một ông lớn trong ngành phải kể đến là Gojek, là một công ty công nghệ đến từ Indonesia. Công ty bắt đầu bằng dịch vụ gọi xe, sau đó mở rộng các hoạt động khác nhằm trở thành một siêu ứng dụng. Năm 2018, Gojek chính thức gia nhập thị trường Việt Nam dưới tên gọi GoViet. Tuy nhiên, từ ngày 20/07/2020, cái tên GoViet đã bị khai tử để thay bằng Gojek. Đến nay, tại thị trường Việt Nam, các dịch vụ của Gojek bao gồm dịch vụ gọi xe (GoRide, Gocar), giao thức ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend).
Từ sau khi đổi tên thành Gojek, doanh nghiệp thương mại điện tử này mang về mức doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thay vì là vài chục tỷ như trước đây và đạt được mức tăng trưởng gần 30% vào năm 2021.
Cũng giống với các doanh nghiệp TMĐT, việc kinh doanh sao cho có lãi đối với Gojek vẫn là một bài toán khó. Tính đến năm 2021, khoản lỗ lũy kế của Gojek Việt Nam cũng đã lên tới hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Ahamove là ứng dụng gọi xe giao hàng theo yêu cầu với công nghệ hiện đại, thuộc sở hữu của Scommerce – tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam. Ahamove đã hợp tác với các tên tuổi nổi tiếng như Lazada, Phúc Long, Highlands, FPT, Thế giới di động,…
Các dịch vụ của ứng dụng Ahamove bao gồm:
Aha Delivery: dịch vụ giao hàng.
Aha Mart: dịch vụ mua hộ hàng hóa.
Aha Truck: dịch vụ xe tải.
Sau khi có sự chững lại về doanh thu vào năm 2019, thì doanh thu của doanh nghiệp này bắt đầu tăng trưởng trở lại. Xét về quy mô doanh thu, AhaMove có quy mô tương đối khiêm tốn so với những đối thủ khác trong ngành. Có thể thấy lợi nhuận gộp của Ahamove tăng trưởng qua các năm, thế nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức âm.
Thua lỗ hiện vẫn là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam. Thế nhưng, với quy mô không ngừng được mở rộng và tỷ lệ người dùng số mới ngày càng tăng, thì thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử vẫn là một thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp phát triển và chiếm lĩnh thị phần.
Nguồn: Vietdata
Comments