Với mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh khá và cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035, tỉnh Ninh Bình đang triển khai xây dựng các khu công nghiệp trọng điểm, tạo động lực để phát triển kinh tế.
Từ một khu công nghiệp được thành lập vào năm 2004, đến hết năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã có 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích 1.472 ha. Trong đó, 5 khu công nghiệp đã được thành lập đi vào hoạt động ổn định, cơ bản được lấp đầy, đó là: khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp I, Phúc Sơn, Khánh Cư, với tổng diện tích đất quy hoạch là trên 847 ha; đất công nghiệp có thể cho thuê là gần 700 ha.
Theo ông Bùi Duy Quang, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, với đặc thù 3 khu công nghiệp đầu tiên (Gián Khẩu, Khánh Phú và Tam Điệp I) được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chọn giải pháp vừa đầu tư hạ tầng theo phân kỳ vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư. Do đó, các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện kêu gọi, thu hút đầu tư, sớm phát huy hiệu quả.
Bên cạnh 3 khu công nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, khu công nghiệp Phúc Sơn và Khánh Cư được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, là điểm sáng khởi đầu trong thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh. Các chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sự phát triển của các khu công nghiệp đã trở thành đòn bẩy, động lực để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn. Các chỉ số về tốc độ lấp đầy, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án khu công nghiệp ở mức khá so với các trong khu vực và cả nước.
Hiện nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 122 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 65.485 tỷ đồng. Trong đó, có 33 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 635 triệu USD (tương đương trên 13.755 tỷ đồng). Đã có 103 dự án đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 84,4% tổng số dự án), ước tính vốn thực hiện của các dự án đến nay đạt 58.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 88,5% vốn đăng ký).
Một số dự án có quy mô lớn như: Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG; Nhà máy xi măng The Vissai; Nhà máy sản xuất camera môđun và linh kiện điện tử MCNEX VINA, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy HTMV số 2 của Công ty CP sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam...
Đến nay, sau 20 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Năm 2022, doanh thu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 72.860 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 18.917 tỷ đồng (chiếm trên 80% số thu ngân sách toàn tỉnh).
Năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 cũng như bất ổn địa chính trị ở một số nước trên thế giới, tuy nhiên, các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã khắc phục khó khăn, cơ bản duy trì được hoạt động sản xuất. Doanh thu các doanh nghiệp khu công nghiệp đạt 61.787 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.352 triệu USD, nộp ngân sách đạt 13.242 tỷ đồng, tạo việc làm cho 36.385 lao động.
Những con số trên là minh chứng sống động khẳng định các khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Ninh Bình, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực kinh tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương và tạo việc cho người lao động...
Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất
Theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp - xây dựng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ôtô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Hình thành cụm liên kết trong sản xuất một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cả nước.
(Công luận)
Comments