top of page

Năm 2023, thời cơ cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Bước sang năm 2023, Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu đã giúp nhiều ngành hàng nông sản kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu trở lại vào thị trường này.

Nguồn: Internet


Theo đó, ngay sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới (từ ngày 8/1/2023), nhiều mặt hàng nông sản như gạo, trái cây, thủy sản… đã tăng trưởng mạnh trở lại.


Tại thủ phủ thanh long tỉnh Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng tại vườn đã lên đáng kể, dao động 18.000 - 26.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000 - 42.000 đồng/kg.


Thời gian gần đây giá sầu riêng xuất khẩu (có mã số vùng trồng) liên tục tăng. Nếu như tháng 12/2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với mùa trước, thì hiện tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg.


Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.


"Dự báo năm 2023 là năm “bùng nổ” xuất khẩu rau quả, nếu như năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD thì năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỷ USD", ông Nguyên nói.


Cùng với rau quả, dự báo nhu cầu thủy sản từ thị trường tỷ dân cũng sẽ "bùng nổ" giống như với thị trường châu Âu, Mỹ sau dịch COVID-19 trong các năm 2020, 2021 và bù đắp được lượng đơn hàng sụt giảm từ các nước này.


Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang, cho biết trong năm 2023 sẽ có “điểm sáng”, nhất là khi Trung Quốc đã bỏ các lệnh phong toả, giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này gia tăng.


Ngoài ra, theo ông Văn, sau khi gặp khó khăn trong quí IV/2022 bởi lạm phát trên toàn thế giới, tỷ giá đồng ngoại tệ bị đẩy lên cao cộng với điều chỉnh lãi suất và chính sách “siết” dòng tiền, thì trong quý I và II/2023 sẽ “sáng” lên do lạm phát trên thế giới đã dịu lại.


Dù thị trường chưa trở lại bình thường, nhưng đã dấu hiệu thuận lợi hơn, cho nên, thuỷ sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng ở năm 2023.


Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn đối với doanh nghiệp Việt.


Các công đoạn đánh mã vùng trồng, bao gói sản phẩm chỉ được nước bạn giám sát trực tuyến thì nay họ có điều kiện đi lại để kiểm tra trực tiếp. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào làm ăn thiếu bài bản, thiếu chỉn chu trong tuân thủ các quy định đã giao kết thì rất dễ bị bạn hàng chấm dứt đơn hàng.


Tương tự, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid-19” được, thì họ cũng có thể tái áp dụng, cho nên, nếu Việt Nam không chủ động duy trì, thì sẽ rất dễ bị rủi ro.


“Vì vậy, vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hiện nay, đó là dù có mở cửa hay không thì chúng ta vẫn nên đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của Trung Quốc thì mới hy vọng ổn định xuất khẩu trong năm 2023 được”, ông nhấn mạnh.

(Doanh nghiệp & Kinh doanh)


Kommentare


bottom of page