top of page

Năng lượng tái tạo tăng cao, làm sao giảm áp lực cho hệ thống điện?

Trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự gia tăng của tỷ trọng nguồn phát năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) đã gây ra một số thách thức trong việc vận hành của hệ thống điện…


Tại hội thảo kỹ thuật “Chuyển đổi năng lượng – Vai trò của hệ thống điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hitachi Energy phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức chiều 7/12/2022, các chuyên gia cho rằng một trong các thách thức là lưới điện hiện hữu có thể không được chuẩn bị tốt để đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại các địa điểm xa các trung tâm phụ tải. Khả năng hiện tại của các đường dây truyền tải dài có thể nhanh chóng bị bão hòa dẫn đến tắc nghẽn lưới điện, buộc phải cắt giảm nguồn tái tạo và làm tăng chi phí năng lượng.


Nguồn: Internet

Tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng


Nếu như năm 2018 tổng công suất năng lượng tái tạo chỉ có 350 MW, thì đến thời điểm hiện tại đã lên tới 16.500 MW điện mặt trời và 5.000 MW điện gió (chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống). Đây là nguồn bổ sung có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải cao, với mức tăng trưởng cao, trung bình xấp xỉ 10%/năm.


Trong thời gian tới, theo dự thảo Quy hoạch điện 8 chuẩn bị được Chính phủ ban hành, nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được phát triển. Trong đó, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ được bổ sung thêm 16.000 MW vào hệ thống điện quốc gia.


“Tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến các chế độ vận hành hệ thống điện. Do đó, thời gian tới, EVN sẽ chú trọng đến các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện”, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.


Theo quy hoạch mà Bộ Công Thương đang trình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 16.000 MW điện gió trên mặt đất, 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên lần lượt là 56.000 MW và 64.000 MW. Đối với điện mặt trời phải có đến 87.000 MW vào năm 2045…Dự kiến, đến năm 2050 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.


Giải pháp giảm áp lực cho hệ thống điện


Bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, nhận định rằng hệ thống điện của Thụy Điển có thiết kế tương tự như hệ thống điện Việt Nam. Lãnh thổ đất nước có hình dáng hẹp, dài nên các nhà máy thủy điện nằm chủ yếu ở phía Bắc, trong khi các trung tâm phụ tải chính nằm ở phía Nam. Thụy Điển đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2045. Chính vì vậy, trong hệ thống điện cũng có sự gia tăng nhanh chóng các loại năng lượng tái tạo có đặc điểm không liên tục.


Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật số như hệ thống giám sát diện rộng và chương trình khắc phục sự cố có thể giúp phát hiện hiệu quả các nhiễu động nguy hiểm, nhanh chóng đánh giá rủi ro an ninh có thể xảy ra đối với nguồn cung cấp và phản ứng tức thời theo kịch bản đã được lập trình, ví dụ ngừng cấp hay ngừng phát điện.


Công nghệ lưu trữ năng lượng như pin và thủy điện tích năng cũng đang trở thành một công nghệ hỗ trợ quan trọng cho các hệ thống điện tái tạo. Pin có thể cân bằng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo thay đổi trong thời gian ngắn bằng cách cung cấp phản ứng tức thời đối với sự mất cân bằng cung cầu đột ngột và duy trì sự ổn định tần số.


Theo các chuyên gia, việc tăng thị phần các nguồn điện không ổn định như năng lượng tái tạo đòi hỏi cơ quan quản lý phải lập kế hoạch và triển khai vận hành hệ thống một cách cẩn trọng, bao gồm duy trì dự trữ ổn định, mua bán điện với các nước láng giềng cũng như giám sát chặt chẽ và phản ứng tức thời nếu có bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hoạt động điều độ hoặc nếu có sự cố trên lưới điện truyền tải.


Nguồn: VnEconomy

Commentaires


bottom of page