top of page

Doanh thu thị trường rạp chiếu phim Việt có sự phục hồi mạnh mẽ

Rạp chiếu phim là một loại hình giải trí ưa chuộng của giới trẻ Việt Nam, và đang có dấu hiệu phục hồi rất mạnh mẽ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.


Mặc dù các nền tảng chiếu phim trực tuyến VOD có cơ hội cơ hội phát triển và phổ biến rộng rãi giữa lúc hàng loạt rạp chiếu phim bắt buộc bị đóng vì dịch bệnh. Tuy nhiên, rạp chiếu phim truyền thống vẫn là mô hình được ưa chuộng bởi những trải nghiệm mà nó mang lại như: thưởng thức phim ảnh ở không gian rộng, những âm thanh sôi động cùng sự náo nhiệt của đám đông. Do đó, nhu cầu đến rạp gia có xu hướng tăng mạnh, sau khoảng thời gian bị “dồn nén” trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng và giãn cách xã hội.



Doanh thu phục hồi mạnh sau dịch, nhưng hiệu quả kinh doanh của ngành vẫn là câu hỏi lớn.


Thị trường rạp phim từ sau COVID đã phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Tổng doanh thu ngành công nghiệp này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 10% trong vòng 8 năm tới.


Nhu cầu tăng trưởng của các ngành dịch vụ giải trí tại Việt Nam được đánh giá cao nhờ cơ cấu dân số trẻ. Giới trẻ hoặc biệt là thế hệ GenZ có xu hướng quan tâm đến sức khỏe tinh thần hơn các thế hệ trước. Nên nhu cầu về các dịch vụ giải trí lành mạnh của nhóm đối tượng này khá cao. Giới trẻ sẵn sàng chi trả một khoảng tiền để sử dụng những dịch vụ phục vụ cho đời sống tinh thần của họ.


Ngoài những bộ phim bom tấn của nước ngoài gây được tiếng vang khi được du nhập về Việt Nam, phim Việt với sự đầu tư ngày càng chỉnh chu cũng thu hút thêm một lượng lớn khán giả và mang lại nguồn doanh thu đột phá như Bố Già (395 tỷ đồng), Nhà Bà Nữ (465 tỷ đồng), Chị chị em em (61 tỷ đồng),... Tất cả góp phần tạo nên những mùa phim Tết 2022 - 2023 thắng lớn và cơ hội phát triển đầy hứa hẹn dành cho ngành phim chiếu rạp tại Việt Nam.


Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh nói chung của dịch vụ rạp chiếu phim vẫn luôn là bài toán khó. Đặc biệt kể từ đại dịch đến nay, nhiều chuỗi rạp phim trong nước vẫn nối tiếp chuỗi lỗ triền miên mặc dù doanh thu đã phục hồi khá mạnh.


Thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam hiện nay


Theo thống kê mới nhất của Statista hợp tác với Q&M vào năm 2022 về thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam, CGV hiện là cụm rạp thống lĩnh thị trường với 45% thị phần. Tiếp đến là Lotte Cinema với 26% thị phần. Như vậy với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, 2 thương hiệu đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte đã phát triển và gần như thống lĩnh thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam.


Với 29% thị phần còn lại, thị trường rạp chiếu phim Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh sôi nổi giữa các doanh nghiệp trong nước như: Galaxy Cinema, BHD Star, Cineplex, Cinestar, Cinebox, Mega GS, Beta Cinemas. Trong đó, Galaxy nắm giữ 10% thị phần, BHD chiếm 5.5%. Một thương hiệu rạp chiếu phim Việt khác, phát triển trong thời gian gần đây là Beta Cinema với 8% thị phần. Trong khi hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. Các thương hiệu này đang dần thu hẹp khoảng cách so với hai "ông lớn" CGV và Lotte, đồng thời tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho khán giả.


CGV Cinemas


CJ CGV là chuỗi rạp chiếu phim multiplex lớn nhất tại Hàn Quốc, có chi nhánh ở nhiều nơi như: Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ. Đây là đơn vị thuộc CJ Group - một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc có mặt tại 21 quốc gia trên thế giới.


CJ CGV có trụ sở chính đặt tại Seoul, chiếm hơn 50% thị phần tại xứ sở Kim Chi và 8 năm liên tiếp được người tiêu dùng công nhận là thương hiệu rạp chiếu phim tốt nhất. Với thị trường Việt Nam, CGV cũng thống lĩnh thị trường Việt Nam với 84 cụm rạp trên toàn quốc.


Trước đại dịch Covid-19, doanh thu của CGV Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định. Tuy nhiên, hai năm 2020 và 2021 khi đại dịch Covid - 19 diễn ra là thời kỳ đen tối của nhiều rạp phim, bao gồm cả CGV. Doanh thu của chuỗi rạp này đã lao dốc không phanh từ 3,700 tỷ đồng vào năm 2019, giảm xuống còn 1,400 tỷ đồng vào năm 2020 và tiếp tục giảm sâu chỉ còn 900 tỷ đồng vào năm 2021.


Mặc dù, sau thời gian giãn cách xã hội, CGV tăng tốc nhanh và doanh thu đạt gần 2,700 tỷ trong năm 2022, nhưng thương hiệu rạp này vẫn liên tục ghi nhận lỗ lớn kể từ dịch đến nay.


Galaxy Cinema


Thị phần rạp chiếu phim Galaxy Cinema hiện đang xếp thứ 3 Việt Nam, chỉ sau hai công ty đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte. Ra mắt từ đầu năm 2005, Galaxy Cinema là hệ thống rạp chiếu phim đầu tiên được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với màn hình cực lớn cùng hệ thống âm thanh kỹ thuật số sống động. Bằng việc tạo ra lối sống mới trong văn hoá giải trí, Galaxy Cinema đã mở ra xu thế mới trong đầu tư và kinh doanh rạp chiếu theo mô hình cụm rạp phức hợp.


Trong khi doanh thu của hầu hết các hệ thống rạp chiếu phim sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2019 - 2021, Galaxy Cinema lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác biệt. Ghi nhận mức doanh thu gần 500 tỷ đồng vào năm 2020, Galaxy Cinema vẫn kiên trì tăng trưởng trong cả năm 2021 và đạt mức 700 tỷ đồng vào năm 2022. Đáng chú ý, đây là một trong số ít các thương hiệu rạp chiếu phim ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2022, dù ở mức khiêm tốn chỉ 1.8 tỷ đồng.


Lotte Cinema


Lotte Cinema là một thương hiệu hàng đầu trong ngành rạp chiếu phim Hàn Quốc và đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008. Sau gần 15 năm thâm nhập thị trường, Lotte Cinema Việt Nam đã mở rộng quy mô gần 50 cụm rạp chiếu phim trên khắp cả nước.


Sau khi đạt doanh thu hơn 900 tỷ đồng vào năm 2019, doanh thu của chuỗi rạp này giảm mạnh trong hai năm tiếp theo do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù đã có sự phục hồi khá tốt sau đại dịch, nhưng doanh thu vẫn chưa thể quay trở lại mức trước đó. Tình hình kinh doanh khó khăn đã khiến Lotte Cinema đối mặt với khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2,900 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2022.


Beta Cinemas


Beta Cinemas là chuỗi thương hiệu rạp phim với chính sách nhượng quyền tiềm năng nhất thị trường. Dẫn đầu trong phân khúc thị trường trung cấp, Beta hướng đến concept rạp chiếu trẻ trung, hiện đại, mức giá phù hợp với trang thiết bị tối tân đạt chuẩn, cơ sở vật chất khang trang và hiện đại. Ra đời từ năm 2014, đến nay (7/2023) thương hiệu đã có 15 cụm rạp trên toàn quốc.


Nhận thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực rạp chiếu phim với nhiều ông lớn như CGV, Lotte, Galaxy,... Beta Cinemas chọn cho mình cách đi riêng là phát triển theo mô hình nhượng quyền. Với mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam, Beta Cinemas có mức đầu tư thấp chỉ từ 3 tỷ đồng một phòng chiếu, giá vé hợp lý. Mô hình này được tối ưu hoá về vận hành và chi phí, nhưng vẫn đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và trải nghiệm điện ảnh cốt lõi.


Beta Cinemas đã chứng minh được sức mạnh tăng trưởng ổn định ngay từ những ngày đầu ra mắt. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuỗi rạp này đã nhanh chóng phục hồi và đạt được những thành tích đáng nể. Năm 2022, doanh thu của Beta Cinemas đã tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 240 tỷ đồng, cao hơn 50% so với năm trước khi dịch bệnh bùng phát.


BHD Star Cineplex


BHD Star Cineplex là cụm rạp chiếu phim có quy mô nhỏ hơn khá nhiều so với các đối thủ cùng ngành. Ra đời từ 2010, nhưng chuỗi này hiện chỉ có 10 cụm rạp phim trên cả nước, đa số ở TP.HCM. Quy mô doanh thu vào khoảng 130 tỷ đồng năm 2022.


Cinestar


Mở đầu từ 02 cụm rạp chiếu phim Cinestar Quốc Thanh và Cinestar Hai Bà Trưng tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Cinestar đã mở rộng và phát triển 10 cụm rạp trên khắp cả nước. Mặc dù cùng số lượng rạp, nhưng quy mô doanh thu của Cinestar nhỏ hơn một chút so với BHD Star Cineplex, ước khoảng 96 tỷ đồng năm 2022.



Mega GS


Mega GS Cinemas là chuỗi cụm rạp chiếu phim chính thức ra mắt lần đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 8/2015 tại số 19 Cao Thắng Q.3 với 6 phòng chiếu hiện đại, tổng số gần 1,000 ghế ngồi, gồm 2 phòng chiếu 3D và 4 phòng chiếu 2D.


Mặc dù chiếm thị phần nhỏ trong ngành, Mega GS vẫn nuôi dưỡng tham vọng lớn khi đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới rạp chiếu phim tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Với phương châm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm điện ảnh khác biệt và chất lượng dịch vụ tốt nhất. Về quy mô doanh thu, Mega GS ghi nhận hơn 35 tỷ đồng vào năm 2022.


Cinebox


Cinebox do MCV Network trực thuộc MCV Group bảo vệ bản quyền, quản lý, vận hành và khai thác nội dung. Hệ thống rạp của Cinebox được trang bị các màn ảnh lớn với chất lượng hình ảnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cụm rạp này còn có phòng chiếu phim 2D và phòng chiếu phim 3D được trang bị công nghệ chiếu phim hiện đại được thiết kế đặc trưng phù hợp cho từng tầm nhìn và hệ thống âm thanh hiện đại DOLBY Digital.


Chỉ chiếm một “bánh” nhỏ trong thị phần rạp chiếu phim với doanh thu khiêm tốn, so với mức 15 tỷ đồng năm 2019, doanh thu của Cinebox đã giảm xuống còn khoảng 8 tỷ đồng vào năm 2022. Tuy nhiên, Cinebox lại là một trong số ít các chuỗi rạp ghi nhận lợi nhuận dương trong bối cảnh thị trường khó khăn là một thành tích đáng ghi nhận.


Nguồn: Theo báo cáo thị trường rạp chiếu phim 2022 của Vietdata





Comments


vietdata-logo

# Tòa nhà Vietdata,

Số 232 - 234 Ung Văn Khiêm

Quận bình thạnh

Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

+84 8888 337 36

info@vietdata.vn

Theo dõi chúng tôi
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
  • YouTube
  • icon-zalo-chat-white

Liên hệ

Cảm ơn bạn đã gửi! Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay

Giấy phép ICP số 18/GP-TTDT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 18/03/2019

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thúy Hằng

Vietdata. All Rights Reserved.

bottom of page