Ngành công nghiệp chiếu, phát hành và sản xuất phim tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn 2010 - 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của toàn ngành.
Trước khi đại dịch Covid - 19 diễn ra vào đầu năm 2020, Việt Nam có 1.063 phòng chiếu tại 204 cụm rạp, đạt 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), vượt 20% so mục tiêu chiến lược.
Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh, rạp chiếu phim bị thất thu nặng nề khiến tổng doanh thu toàn ngành nửa đầu các năm 2020, 2021 giảm mạnh. Cụ thể, vì phải đóng cửa từ 20/03 - 09/05/2020 nên doanh thu năm 2020 tụt xuống còn 1.660 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 doanh thu năm 2019. Năm 2021 chỉ thu về doanh thu khiêm tốn là 1.156 tỷ đồng. Đây hẳn là giai đoạn khó quên đối với các nhà rạp lẫn nhà sản xuất phim điện ảnh Việt vì các rạp phim buộc phải đóng cửa 2 lần vào đầu tháng 2 và từ ngày 5/5/2021. TP.HCM – địa bàn đóng vai trò đầu tàu của cả nước trong lĩnh vực rạp chiếu đã trải qua 6 tháng đóng băng ở giai đoạn này. Thị phần điện ảnh lớn thứ hai sau TP.HCM là Hà Nội cũng chịu cảnh tương tự. Lúc này, hệ thống rạp đối diện với trăm bề khó khăn.
Việc rạp chiếu không thể tái hoạt động trong thời gian dài đẩy các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu vào thế khó cầm cự, dẫn đến nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các cụm rạp lại gặp phải vấn đề khách hàng không còn muốn đến rạp chiếu phim do tâm lý e ngại nơi đông người sẽ tạo ra dịch bệnh và cũng không có nhiều phim mới để thu hút, hấp dẫn người xem. Nguyên nhân là các bộ phim bị hoãn chiếu nhiều lần do dịch bệnh, dẫn đến nguồn phim mới trở nên hạn hẹp. Trong thời kỳ này, các doanh nghiệp điện ảnh phải chi trả nhiều kinh phí cố định như lương, bảo hiểm xã hội, y tế cho nhân viên, mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện nước duy trì máy móc thiết bị trong khi doanh thu về 0. Nhiều đơn vị cho biết rằng họ phải chịu lỗ trung bình từ 15 - 20 tỷ đồng mỗi tháng vì đóng cửa.
Trong thời kỳ này, các doanh nghiệp điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn khi phải chi trả nhiều kinh phí cố định như lương, bảo hiểm xã hội, y tế cho nhân viên, mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện nước, duy trì máy móc thiết bị trong khi doanh thu về 0. Nhiều đơn vị cho biết rằng họ phải chịu lỗ trung bình từ 15-20 tỷ đồng mỗi tháng vì đóng cửa.
Từ cuối tháng 11 năm 2021, các rạp phim dần mở cửa trở lại. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng với nguồn phim đa dạng từ bom tấn nước ngoài đến các dự án phim nội địa xếp hàng chờ chiếu sau thời gian dài trì hoãn lại mà thời điểm này lại trở thành “vũ khí" của các nhà rạp. Tuy nhiên, rạp chiếu vẫn phục hồi chậm chạp do người xem đã quen với việc xem phim tại nhà trong đợt giãn cách xã hội, cùng với kinh tế, tài chính bị ảnh hưởng nên người xem có xu hướng tiết kiệm và dành dụm nhiều hơn. Do đó, phải mất một khoảng thời gian để người xem quay trở lại rạp. Với thế khó này, nhiều nhà sản xuất phim Việt chấp nhận dời lịch công chiếu sang năm 2022, với hi vọng ngành điện ảnh thời điểm đó sẽ khởi sắc hơn.
Đến đầu tháng 2/2022, Hà Nội bắt đầu cho phép tái hoạt động các rạp chiếu trên địa bàn. Từ đây, công cuộc chấn hưng nền điện ảnh Việt Nam chính thức bắt đầu. Theo đánh giá của đại diện Lotte Cinema, người dân đã bắt đầu quen với cuộc sống bình thường mới, rạp phim có thể phục hồi được khoảng 70-80% so với thời điểm trước dịch vào năm 2019.
Miếng bánh thị phần thuộc về nhà phim nào?
Nhờ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, CGV và Lotte đã mở rộng và trở thành thị trường rạp chiếu phim chính tại Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lotte đã chiếm 30% thị phần rạp chiếu phim. Sau Lotte, CGV cũng nhanh chóng tiến vào thị trường Việt Nam và nắm giữ 43% thị phần. Cụm rạp CGV xuất hiện tại hầu hết các đô thị lớn, tại các khu vực dân cư đông đúc và các đô thị mới đều có cụm rạp của Lotte. Như vậy 73% thị phần rạp phim Việt đã nằm trong tay 2 doanh nghiệp Hàn Quốc và 27% còn lại thuộc về 3 doanh nghiệp khác là Platinum Cineplex của Indonesia và 2 doanh nghiệp nội địa là Galaxy Cinema thuộc Công ty cổ phần phim Thiên Ngân và Star Cineplex thuộc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan.
Thống kê tính đến cuối năm 2021 cho thấy, số lượng cụm rạp chiếu của một số công ty nước ngoài tại Việt Nam là CGV và Lotte, lần lượt chiếm 43% và 30% thị phần, Platinum chiếm 10%. Hai công ty tư nhân của Việt Nam là Galaxy chiếm 9%, BHD chiếm 6%. Hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ chiếm 2%.
CGV Cinemas
CJ CGV là chuỗi rạp chiếu phim multiplex lớn nhất tại Hàn Quốc, có chi nhánh ở Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ. Đây là đơn vị thuộc CJ Group - một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc có mặt tại 21 quốc gia trên thế giới. CJ CGV có trụ sở chính đặt tại Seoul, chiếm hơn 50% thị phần tại xứ sở Kim Chi và 8 năm liên tiếp được người tiêu dùng công nhận là thương hiệu rạp chiếu phim tốt nhất.
Hai năm sau thương vụ chi 73.6 triệu USD nhằm thâu tóm Công ty Envoy Media Partners (chủ sở hữu cụm rạp MegaStar) vào năm 2011, CJ CGV Hàn Quốc đã chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Hiện nay, CJ CGV là một trong top 5 chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu và là nhà phát hành, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam.
Trong giai đoạn 2013 - 2020, CGV chiếm trung bình 50% thị phần tại Hàn Quốc. Chuỗi rạp phim này cũng có thị phần tương tự tại Việt Nam và đang dẫn đầu thị phần cả nước. Hiện CGV Cinemas chiếm lĩnh thị trường rạp chiếu phim với 43% thị phần.
Trước dịch Covid-19, doanh thu của CGV Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định. Theo đó, doanh thu thuần của công ty có sự cải thiện, đạt gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 351 tỷ đồng, báo lỗ 38 tỷ đồng vào năm 2018. Trong năm 2019, doanh thu của CGV tăng trưởng 29%, chạm mức 3.708 tỷ đồng, báo lãi 122 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ khi thành lập.
Tính đến hết năm 2019, hệ thống CGV Việt Nam sở hữu 82 cụm rạp với 475 màn chiếu. Sau khi tăng giá vé trung bình trên 6%, thắt chặt và quản lí hiệu quả chi tiêu kèm theo hoạt động bán hàng khiến lợi nhuận của chuỗi rạp này được cải thiện đáng kể. Với chiến lược kinh doanh hiệu quả khi hoạt động tích cực trên các trang mạng xã hội để cập nhật về bộ phim sắp phát hành. Chiến lược này đem đến cho CGV một lượng tương tác khủng trên các “social media". Tổng tài sản của CGV đạt 3.696 tỷ đồng vào cuối năm 2019, trong đó vốn chủ sở hữu là 627 tỷ đồng, chiếm 17% và nợ phải trả là 3.069 tỷ đồng, chiếm 83%.
Hai năm 2020 và 2021 là thời kỳ đen tối của nhiều rạp phim, bao gồm cả CGV khi đại dịch Covid - 19 diễn ra.
Trong năm 2020, doanh thu của CGV Việt Nam đạt hơn 1.400 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với năm 2019. Chi phí gia tăng khiến khoản lỗ của CGV Việt Nam phát sinh tới 850 tỷ đồng.
Riêng quý IV/2021, nhờ sức hút từ bộ phim Spider-Man: No Way Home, doanh thu của CGV tăng 67.6% cụ thể là gần 1.800 tỷ đồng, vẫn lỗ 860 tỷ đồng trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, mức thiệt hại này chỉ khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2020.
Galaxy Cinema
Galaxy Studio là chủ sở hữu hệ thống rạp chiếu phim Galaxy Cinema, hiện đang xếp thứ 3 Việt Nam về thị phần, sau hai công ty đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte. Theo số liệu từ Statistic năm 2019, nhà rạp Galaxy Cinema thu hút khoảng 13% lượng khách, Lotte 21% và CGV 44%.
Đầu năm 2005, Galaxy bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực rạp chiếu phim. Tháng 5/2005, khu phức hợp vui chơi giải trí thương mại Galaxy Cinema tại Quận 1, TPHCM bắt đầu được đưa vào hoạt động. Galaxy Cinema là hệ thống rạp chiếu phim đầu tiên được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với màn hình cực lớn cùng hệ thống âm thanh kỹ thuật số sống động. Chuyên nghiệp, chu đáo và hoàn hảo là tiêu chí mà Galaxy Cinema hướng tới xuyên suốt quá trình phát triển. Phim hay, rạp tốt, quảng cáo mạnh mẽ là những sự lựa chọn hàng đầu trong các chiến dịch chinh phục người xem. Bằng việc tạo ra lối sống mới trong văn hoá giải trí, Galaxy Cinema đã mở ra xu thế mới trong đầu tư và kinh doanh rạp chiếu theo mô hình cụm rạp phức hợp.
Về doanh thu, thời điểm chưa có dịch, Galaxy Cinema ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2019, lãi gộp 539 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 44%, con số này được đánh giá là tương đối cao. Dù chịu nhiều chi phí, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 70 tỷ đồng.
Những năm trước đó, doanh thu của nhà phim này cũng luôn quanh mức 1.000 tỷ đồng. Năm 2017 thu về hơn 1.050 tỷ đồng (lãi 119 tỷ đồng) và gần 975 tỷ đồng (lãi 49 tỷ đồng) vào năm 2018. Đại diện Galaxy Cinema cho biết lợi nhuận những năm này dùng để đầu tư, mở rộng cụm rạp, tăng số phòng chiếu nhằm đáp ứng nhu cầu người xem.
Năm 2020, đại dịch Covid -19 đã khiến tình hình kinh doanh của Galaxy trở nên u ám. Doanh nghiệp phải đóng cửa hoàn toàn 18 cụm rạp trên cả nước. Bà Mai Hoa, Giám đốc Marketing của Thiên Ngân chia sẻ, công ty phải gồng mình lo rất nhiều chi phí mà không có nguồn thu từ khi đóng cửa. Trong đó, doanh thu năm 2020 đã giảm xuống dưới 500 tỷ đồng, giảm 59,3% so với năm 2019. Lợi nhuận của Galaxy cũng ghi nhận mức lỗ 98 tỷ đồng vào năm này.
Lotte Cinema
Lotte Cinema là một thương hiệu hàng đầu trong ngành rạp chiếu phim Hàn Quốc, đã có mặt tại Việt Nam và chính thức hiện diện từ năm 2008 với việc thâu tóm cụm rạp Diamond DMC. Gần 15 năm thâm nhập thị trường, Lotte Cinema Việt Nam đã mở rộng quy mô hơn 40 cụm rạp chiếu phim tại các khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Bắc, Trung, Nam.
Doanh thu thuần của Lotte Cinema đạt hơn 900 tỷ đồng năm 2019 nhưng cũng là năm lỗ lớn nhất, tới hơn 770 tỷ đồng. Thế nhưng năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu của Lotte Cinema sụt giảm còn 451.3 tỷ đồng, lỗ 668 tỷ đồng.
Đến năm 2021, chuỗi rạp phim này cùng một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành như CGV, BHD, Galaxy,... phải viết đơn cầu cứu lên Thủ tướng chính phủ Việt Nam xin cấp vốn, vay tín dụng ưu đãi, giảm thuế... vì rạp phải đóng cửa do dịch. Trong năm này, Lotte Cinema tiếp tục suy giảm doanh thu xuống dưới 350 tỷ đồng và lỗ hơn 450 tỷ đồng.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính của Lotte Shopping LTD cho thấy, mảng rạp chiếu phim nói chung tại các chi nhánh của công ty, trong đó có Việt Nam có tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Dù doanh thu tiệm cận nghìn tỷ, Lotte Cinema cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bức tranh tài chính có phần ảm đạm khi lợi nhuận ghi nhận toàn lỗ. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Lotte Cinema chưa bao giờ có lãi, các năm đều đua lỗ. Cụ thể, năm 2016, Lotte Cinema báo lỗ trên 60 tỷ đồng; năm 2017 báo lỗ trên 100 tỷ đồng; năm 2018 lỗ gần 270 tỷ đồng; năm 2019 lỗ hơn 750 tỷ đồng; năm 2020 báo lỗ hơn 650 tỷ đồng và năm 2021 báo lỗ hơn 450 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm, Lotte Cinema báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng.
Lotte Cinema cũng là rạp dẫn đầu trong chiến dịch Marketing, gần đây nhất là "Popcorn Beast Bắp Ngon Thỏa Thích". Chiến dịch bắp rang của rạp phim Lotte Cinema bắt đầu vào ngày 24/10/2022. Trong ngày này, chỉ cần mua vé xem phim và mang theo bất kỳ vật dụng nào để chứa bắp rang, thì khách hàng đều được rạp đổ đầy bắp miễn phí. Chương trình được tạo ra nhằm lôi kéo khán giả trở lại rạp sau hai năm ngành điện ảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì “sự chịu chơi” này mà chiến dịch của Lotte tạo được sự bàn tán lớn, hứa hẹn tạo nên thành công về mặt tiếp thị. Tuy nhiên, chiến dịch này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề lãng phí thực phẩm.
Beta Cinemas
Beta Cinemas dẫn đầu trong phân khúc thị trường trung cấp, đồng thời là chuỗi rạp đầu tiên thực hiện hoàn thiện chính sách nhượng quyền thương hiệu với tiềm năng phát triển mạnh nhất thị trường. Beta hướng đến concept rạp chiếu trẻ trung, hiện đại, mức giá phù hợp với trang thiết bị tối tân đạt chuẩn, cơ sở vật chất khang trang và hiện đại; với tệp khách hàng là học sinh, sinh viên và người có thu nhập tầm trung. Ra đời từ năm 2014, đến tháng 6/2022 chuỗi có 15 cụm rạp trải dài các tỉnh thành: TPHCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nha Trang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, và An Giang.
Năm 2019 được ghi nhận là một năm khá thành công với Bata Cinemas khi là năm đầu tiên có lãi trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu đạt mức 156 tỷ đồng, báo lãi hơn 4.000 triệu đồng. Khi đại dịch Covid -19 mới bùng phát, chuỗi rạp chiếu phim phân khúc trung cấp này ngấp nghé phá sản.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Beta Cinemas lại có những bước đột phá khá ấn tượng. Ông Minh - CEO của Beta Cinemas cho biết chuỗi rạp chiếu phim của ông vẫn đang có thể duy trì hoạt động lâu dài nhờ các chính sách tối ưu nhân lực, tối ưu chi phí. Đơn vị này cũng dành thời gian mùa dịch để phát triển các mô hình rạp chiếu mới, hoàn thiện mảng kinh doanh nhượng quyền và tìm cơ hội hợp tác đầu tư với những cụm rạp đơn lẻ hoặc chuỗi rạp để cùng nhau vượt khó. Giữa năm 2020, dịch bệnh có giai đoạn lắng dịu, Beta Cinemas đã đàm phán và hoàn thành thỏa thuận góp vốn trị giá 8 triệu USD từ quỹ đầu tư của Nhật Bản Daiwa Pi Partners và đạt được mức định giá doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng. Trước đó, chuỗi rạp này đã có 2 lần gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư nước ngoài là Vietnam Investment Group và tập đoàn tài chính Blue HK đến từ Hồng Kông.
Trên thị trường rạp chiếu phim, những tên tuổi lớn như CGV, BHD Star Cineplex, Lotte Cinema, Galaxy Cinema đã chiếm lĩnh kha khá thị phần. Do đó Beta Cinemas chọn cách đi riêng là phát triển theo mô hình nhượng quyền. Với mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam, Beta Cinemas có mức đầu tư thấp chỉ từ 3 tỷ đồng một phòng chiếu, giá vé hợp lý. Mô hình này được tối ưu hoá về vận hành và chi phí, nhưng vẫn đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và trải nghiệm điện ảnh cốt lõi.
Năm 2021, thương hiệu này đã ký kết hợp đồng nhượng quyền 2 cụm rạp Beta Premium ở Phú Quốc và Hồ Tràm, sau chuỗi 3 cụm rạp nhượng quyền thành công trước đó.
BHD Star Cineplex
BHD Star Cineplex được biết đến với cụm rạp đầu tiên với 5 phòng chiếu vào năm 2010, tại Maximark 3/2 (nay là Vincom 3/2).
So với 3 “ông lớn” hoạt động trong lĩnh vực rạp chiếu phim là CGV, Galxay Cinema và Lotte Cinema, quy mô của BHD nhỏ hơn khá nhiều, với 10 cụm rạp trên cả nước, đa số ở TP.HCM. Do đó, doanh thu của BHD ít hơn nhiều so với đối thủ cùng ngành.
Năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của BHD giảm từ gần 70 tỷ đồng xuống còn dưới 60 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của hai năm này lần lượt ở mức 22,5 tỷ và 21 tỷ. Doanh nghiệp báo lỗ 100 triệu đồng trong năm 2017 rồi tiếp tục âm 5,3 tỷ trong năm 2018. Sang năm 2019, doanh thu của chủ sở hữu 10 rạp chiếu phim trên toàn quốc này tăng tới 65%, lên 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, BHD lại báo lỗ thêm 1,5 tỷ đồng, lên thành 6,8 tỷ.
Trước khi chưa có dịch, BHD đã gặp rất nhiều khó khăn. Tương tự vấn đề mà Lotte Cinema gặp phải, cụm rạp BHD báo lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2016, BHD báo lỗ hơn 4.5 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 100 triệu đồng; năm 2018 lỗ hơn 5 tỷ đồng; năm 2019 lỗ gần 7 tỷ đồng, năm 2020 báo lỗ 30.8 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 20.9 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm, BHD lỗ tổng cộng gần 70 tỷ đồng. Theo đó, vấn đề lớn nhất của BHD là chi phí và kiểm soát chi phí.
Thời điểm xảy ra dịch Covid - 19, BHD Star Cineplex cũng phải đóng cửa toàn bộ 10 cụm rạp trên cả nước. Áp lực lớn nhất với nhà rạp này là tiền thuê mặt bằng vì các đơn vị cho thuê ít giảm chi phí, trong khi giá thuê cao. Ngoài ra, áp lực lớn còn nằm ở việc trả thuế, nợ ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star Cineplex cho biết: “Ngoài vấn đề tài chính, một khó khăn nữa mà BHD gặp phải là do đóng cửa khá lâu nên một số nhân sự buộc phải đi tìm hướng đi mới, nhân sự mất một số vị trí, và BHD đang phải tiến hành tuyển dụng lại”.
Cinestar
Mở đầu từ 02 cụm rạp chiếu phim Cinestar Quốc Thanh và Cinestar Hai Bà Trưng tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Cinestar đã mở rộng và phát triển 8 cụm rạp trải dài từ Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Mỹ Tho, Kiên Giang, Lâm Đồng đến Huế.
Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Cinestar tăng từ 64 tỷ đồng lên 77.9 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà rạp này ghi nhận toàn lỗ. Cụ thể, năm 2019 báo lỗ gần 15 tỷ đồng, lỗ tăng so với năm 2017 gần 6 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Thành Trung, Trưởng phòng Marketing của hệ thống rạp Cinestar cho biết, đợt dịch hai năm liên tiếp khiến hàng loạt rạp chiếu phim phải đóng cửa. May mắn các cụm rạp của Cinestar trên địa bàn và tỉnh thành khác vẫn còn hoạt động và giữ nguyên chất lượng cho đến nay. Cinestar đề ra mục tiêu đạt mốc 100 cụm rạp trên toàn quốc trong 10 năm nữa.
Bên cạnh đó, Cinestar phải đối diện với vấn đề tài chính vì phải gồng gánh nhiều khoản chi phí, trong khi đó doanh thu đóng băng vì dịch. Tuy nhiên sau khi được hoạt động trở lại, nhận thấy nhu cầu của người xem vẫn cao nên doanh nghiệp vẫn có chiến lược đẩy mạnh, giữ vững chất lượng. Ước tính từ tháng 2 đến tháng 9/2022, toàn cụm rạp đạt doanh thu khoảng 70 - 80% so với thời điểm trước dịch, đây là con số đáng mừng.
Sau đợt “bão giá” xăng dầu và nguyên vật liệu mới đây, Cinestar vẫn giữ nguyên giá vé và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà, voucher nhằm kích cầu khách quay lại rạp. Đặc biệt, tại cụm rạp Nhà văn hóa sinh viên tỉnh Bình Dương, Cinestar áp dụng toàn bộ giá vé 45.000 đồng không kể giờ giấc hay ngày lễ tết. Ngoài ra, Cinestar cũng hỗ trợ tạo điều kiện cho phim nội địa được quảng bá nhiều hơn bằng cách tăng suất chiếu cũng như lịch phát sóng.
Mega GS
Mega GS Cinemas là chuỗi cụm rạp chiếu phim chính thức ra mắt lần đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 8/2015 tại số 19 Cao Thắng Q.3. Với 6 phòng chiếu hiện đại, tổng số ghế gần 1.000, gồm 2 phòng chiếu 3D và 4 phòng chiếu 2D.
Thời điểm chưa có dịch, Mega GS ghi nhận doanh thu đạt 41 tỷ đồng trong năm 2019, lãi gộp 17,3 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 42%. Biên lợi nhuận gộp được đánh giá là tương đối cao.
Sau khi dịch bùng phát, Mega GS đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi doanh thu của chuỗi rạp này tụt từ hơn 40 tỷ đồng năm 2019 xuống dưới mức 15 tỷ đồng vào năm 2020 và hơn 10 tỷ đồng năm 2021. Mega GS cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chỉ ghi nhận toàn lỗ giai đoạn 2017 - 2021. Cụ thể, năm 2017 lỗ gần 5 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 7 tỷ đồng, năm 2019 lỗ hơn 4 tỷ đồng, báo lỗ hơn 5 tỷ đồng đối với năm 2020 và gần 4 gantỷ đồng năm 2021.
Mega GS cũng liên tục đưa ra nhiều ưu đãi cho các ngày trong tuần như “Monday a fun day", “Tuesday a good day",...; các dịp lễ như “Lì xì Tết", “Happy Women's day" và cả những dịp “không là dịp gì cả" như “Member's Day", “Mega Hours",...nhằm kích cầu, đưa người xem trở lại rạp. Tuy nhiên, rạp chiếu này vẫn phục hồi chậm chạp sau đại dịch.
Về mục tiêu trong tương lai, Mega GS sẽ phát triển thêm nhiều cụm rạp tại TP.HCM và trên khắp cả nước. Với phương châm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm điện ảnh khác biệt và chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Cinebox
Cinebox do MCV Network trực thuộc MCV Group bảo vệ bản quyền, quản lý, vận hành và khai thác nội dung. Hệ thống rạp của Cinebox được trang bị các màn ảnh lớn với chất lượng hình ảnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cụm rạp này còn có phòng chiếu phim 2D và phòng chiếu phim 3D được trang bị công nghệ chiếu phim hiện đại được thiết kế đặc trưng phù hợp cho từng tầm nhìn và hệ thống âm thanh hiện đại DOLBY Digital. Bên cạnh đó, chi phí hợp lý cũng khiến người xem chú ý hơn đến cụm rạp này.
Doanh thu thuần của Cinebox trước hay sau dịch đều chưa có sự cải thiện. Cụ thể, Cinebox đạt doanh thu ở mức gần 25 tỷ đồng vào năm 2017, năm 2018 tụt dần xuống còn dưới 18 tỷ đồng và đến năm 2019, doanh thu của rạp này chỉ ở mức 15 tỷ đồng. Đây là thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid - 19, thế nhưng doanh thu của Cinebox sụt giảm hơn 9 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2019. Nhìn chung, doanh thu của Cinebox thấp hơn nhiều so với các “ông lớn" trong ngành kinh doanh rạp phim như CGV, Lotte Cinema, Galaxy Cinema,... Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Cinebox đều ghi nhận lại. Cụ thể, năm 2017 lãi hơn 140 triệu đồng, năm 2018 lãi hơn 160 triệu đồng và tiếp tục lãi hơn 90 triệu đồng năm 2019.
Đến năm 2020. ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu của Cinebox sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020 doanh thu rạp ở mức 6.5 tỷ đồng, chỉ còn một nửa so với năm 2019 và doanh thu năm 2021 lại sụt giảm còn hơn 3 tỷ đồng.
Là ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, song hiện tại, nhận thấy nhu cầu của người xem vẫn cao nên các doanh nghiệp vẫn đang có chiến lược đẩy mạnh, giữ vững chất lượng. Các nhà phim vẫn đang nỗ lực hướng đến sự phát triển hưng thịnh trở lại của ngành điện ảnh toàn cầu. Bước sang 2023, việc kinh doanh rạp chiếu phim được kì vọng khởi sắc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận hoạt động.
Nguồn: Vietdata
Comments