Giai đoạn 2017-2022 số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, số lượng người sở hữu khối tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến hơn 1,059 người. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có dân số tương đối trẻ với độ tuổi trung bình là 32.5 tuổi, đây được xem là độ tuổi tiềm năng trong phân khúc tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Chanel,.. đã mở các cửa hàng tại các thành phố lớn ở Việt Nam nhưng số lượng cửa hàng lại không nhiều vì các thương hiệu này chỉ nhắm vào một phân khúc nhỏ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù thời trang xa xỉ không nhắm vào số đông, chỉ một phân khúc khách hàng nhỏ sẵn sàng chi trả cho những mặt hàng xa xỉ này nhưng doanh thu của các mặt hàng xa xỉ này luôn ở mức cực kỳ cao.
Việt Nam đang là thị trường nổi bật tại Đông Nam Á khi sở hữu nguồn cầu mạnh mẽ, khó khăn trong việc di chuyển ra nước ngoài của người Việt cũng một phần nào tác động nên nhu cầu mua sắm trong nước của người tiêu dùng Việt hiện nay. Bên cạnh việc mở cửa hàng tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn ở châu Âu đã hợp tác với các doanh nghiệp phân phối chính cho nhiều thương hiệu cao cấp trong nước.
Mitra Adiperkasa
Mitra Adiperkasa là tập đoàn của Indonesia thành lập công ty tại Việt Nam vào năm 2016 để kinh doanh Zara - một thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng tại Tây Ban Nha thuộc tập đoàn Inditex. Sau Zara Mitra Adiperkasa phân phối thêm các thương hiệu Pull&Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trở thành nhà phân phối chính thức của các thương hiệu thuộc tập đoàn Inditex tại Việt Nam. Ngoài ra, Mitra Adiperkasa đã khai trương cửa hàng Digibox - Đại lý ủy quyền chính thức của Apple trong năm 2022.
Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2021 khiến cho doanh thu của Mitra Adiperkasa sụt giảm nhẹ so với năm trước. Bước qua năm 2022, khi thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ cùng với việc Digibox được ra mắt đã giúp cho doanh thu của công ty này tăng trưởng trở lại. Cụ thể, Mitra Adiperkasa ghi nhận mức doanh thu 1,608 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 67.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng giống với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Mitra Adiperkasa trong năm 2021 cũng sụt giảm khá nhiều chỉ khoảng 18 tỷ đồng. Năm 2022, mức lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng trưởng cực kỳ mạnh, chỉ sau 1 năm từ con số 18 tỷ Mitra Adiperkasa đã thành công ghi nhận mức lợi nhuận đạt hơn 155 tỷ đồng.
IPPG
IPPG được thành lập năm 1986 là tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam và chiếm đến 70% thị trường hàng hiệu quốc tế trong nước. Khởi đầu IPPG đầu tư vào hơn 30 dự án tại Việt Nam như nhà máy sơn, sản xuất dây khóa kéo và xuất khẩu đồ gia dụng, mây tre lá,… IPPG chính thức bước chân vào linh vực kinh doanh hàng hiệu thông qua 2 công ty thành viên là DAFC và ACFC.
DAFC
Đến năm 2005, IPPG chính thức quyết định mở rộng kinh doanh bán lẻ thời trang cao cấp. DAFC được thành lập phân phối cho hơn 50 thương hiệu thời trang, trang sức, đồng hồ cao cấp trên thế giới như: Rolex, Burberry, Armani Exchange,...
Mặc dù trong thời kỳ dịch bệnh DAFC phải đóng cửa nhiều cửa hàng nhưng doanh thu của công ty này vẫn duy trì ở mức ổn định dao động trong khoảng 1,500 tỷ. Sang đến năm 2022, DAFC đã tăng doanh thu của công ty lên 2,189 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng có xu hướng tăng lên và đạt hơn 136 tỷ trong năm 2022.
ACFC
Dựa trên sự thấu hiểu tiềm năng của thị trường bán lẻ và nhu cầu của khách hàng,năm 2009, IPPG tiếp tục mở rộng và dẫn đầu phân khúc thời trang trung cấp với công ty thành viên ACFC. Hiện nay, ACFC phân phối hơn 24 thương hiệu và có hệ thống hơn 270 cửa hàng được đặt ở trung tâm các thành phố lớn. Các thương hiệu ACFC phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam như Nike, Mango, Levi's, Gap, Old Navy, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Mothercare, OVS,...
Tình hình kinh doanh của ACFC có phần hụt lại trong năm 2021 do chịu sự tác động của dịch bệnh, nhưng bước qua năm 2022, doanh nghiệp này đã phục hồi lại thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn và đạt 2,932 tỷ đồng. Mặc dù năm 2021 doanh nghiệp này đã chịu lỗ gần 50 tỷ nhưng qua năm 2022 ACFC đã chuyển mình và ghi nhận mức lợi nhuận 197 tỷ đồng.
Tam Sơn
Công ty Cổ phần Quốc Tế Tam Sơn được thành lập năm 2005, thuộc tập đoàn Openasia. Tam Sơn cung cấp các sản phẩm cao cấp từ thời trang (Hermès, Kenzo, Boss…) tới đồng hồ, trang sức (Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard…) và các sản phẩm phong cách sống (Bang & Olufsen, Lalique, Diptyque…). Tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã sở hữu hơn 70 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh thu của Tam Sơn tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2020-2022 và đặc biệt tăng vượt trội trong năm 2022 đạt 4,745 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận của Tam Sơn trong năm 2022 cũng tăng cực kỳ cao, ghi nhận đạt 849 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước.
MAISON
Công ty cổ phần Maison được thành lập năm 2002 đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty phân phối thời trang lớn nhất trong việc giới thiệu các thương hiệu thời trang cao cấp và sang trọng tại Việt Nam. Maison là nhà phân phối gần 20 thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Puma, Fila, CHARLES & KEITH,...
Năm 2022 tình hình kinh doanh của Maison cực kỳ tốt khi doanh thu cao gấp đôi so với 2 năm trước, đạt 2,785 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Maison tăng trưởng rất cao trong năm 2022. Công ty này đã ghi nhận mức lợi nhuận đạt 554 tỷ tăng gấp 5.5 lần so với năm trước.
H&M
H&M là một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Thụy Điển và có mặt tại Việt Nam vào năm 2017. H&M là một trong những công ty khởi xướng ra phong trào thời trang nhanh để có thể bắt kịp được xu hướng thay đổi của thời trang. H&M được mệnh danh là gã khổng lồ thời trang Thụy Điển khi thương hiệu này đã thống trị thị trường thời trang nhanh trong vòng nhiều năm.
Cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch covid, cả doanh thu và lợi nhuận của H&M trong năm 2021 đều sụt giảm đáng kể, tuy nhiên đến năm 2022 con số này đã khôi phục lại. Cụ thể, doanh thu của H&M trong năm 2022 đạt 1,396 tỷ đồng, tăng 66.7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 118 tỷ đồng, cao hơn 46 tỷ so với năm 2021.
GUCCI
Gucci là thương hiệu thời trang được thành lập tại Ý vào năm 1921 chuyên về các mặt hàng quần áo, phụ kiện và các sản phẩm bằng da cao cấp. Tham gia vào thị trường Việt Nam năm 2007, Gucci đã tạo tiếng vang lớn trong thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam.
Bất chấp tình hình khó khăn của thị trường, hoạt động kinh doanh của Gucci tại Việt Nam vẫn đang phát triển rất tốt. Trong năm 2022, doanh thu của Gucci tại Việt Nam đã đạt mức hơn 1,000 tỷ, trong khi con số này ở những năm trước chỉ trong khoảng vài trăm tỷ. Lợi nhuận sau thuế của Gucci cũng tăng trưởng cực kỳ tốt, đạt 282 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 239.1% so với năm trước.
LOUIS VUITTON
Louis Vuitton gia nhập vào thị trường thời trang xa xỉ vào năm 1854 tại Pháp. Louis Vuitton chính thức đặt chân đến Việt Nam với cửa hàng đầu tiên nằm trong khách sạn Metropole Hanoi từ năm 1997 và vẫn luôn là điểm đến quen thuộc của các tín đồ thời trang.
Hoạt động kinh doanh của Louis Vuitton tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022 đang là khá ổn với mức doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần của Louis Vuitton đạt 2,360 tỷ, tăng 49.6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này cũng tăng trưởng cực tốt, đạt 330 tỷ.
CHANEL
Chanel là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Pháp với các dòng sản phẩm thời trang, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp bậc nhất. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2011, Chanel đã phát triển mạnh mẽ, trở thành thương hiệu cao cấp uy tín và được lòng người tiêu dùng Việt Nam.
2 năm đầu trong giai đoạn 2020-2022 tình hình kinh doanh của Chanel không có quá nhiều thay đổi. Đến năm 2022, khi thị trường các sản phẩm xa xỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ doanh thu của Chanel tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, doanh thu của thương hiệu này đạt 2,186 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 57% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Chanel cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
DIOR
Dior là một thương hiệu thời trang và làm đẹp sang trọng, xa xỉ, uy tín, cao cấp nhất thế giới được thành lập năm 1946. Dior được ưa chuộng bởi rất nhiều người yêu thời trang bởi sự tinh tế, độc đáo trong từng mẫu thiết kế sản phẩm.
Hoạt động kinh doanh của Dior tại Việt Nam đang phát triển rất tốt. Doanh thu của thương hiệu có xu hướng tăng dần qua từng năm. Đến năm 2022, doanh thu của thương hiệu này đã đạt mức 1,718 tỷ, tăng 833 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của Dior trong năm 2022 cũng tăng mạnh, cao gấp đôi so với năm 2021.
ADIDAS
Adidas là một công ty đa quốc gia đến từ Đức, chuyên sản xuất giày dép, quần áo và phụ kiện. Các sản phẩm chính của thương hiệu Adidas bao gồm giày dép, quần áo, mũ, tất, túi xách thể thao… Tính đến năm 2022, Adidas đã có bảy nhà máy sản xuất phụ kiện, 24 nhà máy sản xuất hàng may mặc, cùng 21 nhà máy sản xuất giày dép tại Việt Nam.
Tuy doanh thu và lợi nhuận của Adidas tại Việt Nam có sự giảm sút trong năm 2021 nhưng đến năm 2022, tình hình kinh doanh của thương hiệu này đã hồi phục lại như trước đây. Doanh thu của Adidas trong năm 2022 đạt 1,987 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ.
Có thể nói năm 2022 là một năm khá thành công của thị trường sản phẩm xa xỉ của Việt Nam khi hầu hết các doanh nghiệp phân phối mặt hàng xa xỉ đều có sự tăng trưởng doanh thu cực kỳ tốt trong năm này. Doanh thu của các doanh nghiệp đều không dưới 1,000 tỷ. Theo báo cáo Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ.
Nguồn: Báo cáo ngành kinh doanh hàng xa xỉ của Vietdata năm 2023
Comments