Thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường Coffee shop nói riêng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 2023. Tính đến cuối năm 2023, thị trường ăn uống ước đạt 538,5 nghìn tỷ đồng (21,6 tỷ USD), tăng 10,87% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường kinh doanh quán cà phê (coffee shop) ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13.3% (theo tiền đồng).
Theo một khảo sát gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đang tăng chi tiêu cho việc đi ăn ngoài thêm 5-10%. Trên thực tế, 14,9% khách hàng sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng (4 USD) cho bữa tối hàng ngày, cao gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Đồng thời, mức chi tiêu cho cà phê của người Việt cũng tăng nhẹ, với 59,5% khách hàng sẵn sàng chi hơn 41.000 đồng cho hoạt động này. Trong số những người được khảo sát, 42,6% chọn đi chơi một hoặc hai lần một tháng, 30,4% đi chơi một hoặc hai lần một tuần, tăng gần 8% so với năm 2022 và 6,1% số người được hỏi đi chơi hàng ngày.
Với lợi thế về quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực thành thị liên tục tăng, cùng với văn hóa uống cà phê của người Việt, tiềm năng tăng trưởng của thị trường coffee shop luôn được đánh giá cao.
Tuy nhiên cũng chính vì sự hấp dẫn đó, thị trường kinh doanh quán cà phê luôn thu hút nhiều doanh nghiệp và chứng kiến sự mở rộng các mô hình chuỗi của nhiều thương hiệu mới và hiện hữu. Điều này tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng rất sôi động trong thị trường chuỗi đồ uống nói chung và thị trường chuỗi cà phê nói riêng ở Việt Nam.
Nếu giai đoạn trước 2020 là giai đoạn chứng kiến sự gia nhập của nhiều thương hiệu chuỗi mới, thì trong 2 năm qua là giai đoạn các thương hiệu Top đầu củng cố vị thế và gia tăng thị phần. Cụ thể, trong năm 2021, các thương hiệu gồm Trung Nguyên Legend, Highland Coffee, Phúc Long Coffee & Tea House, The Coffee House, Starbucks … chiếm khoảng 33% thị phần kinh doanh cửa hàng cà phê tại Việt Nam. Miếng bánh còn lại là thương hiệu chuỗi nhỏ (Guta, Passio, Cà Phê Cộng, Milano, Effoc, Gemini, Napoli Coffee…), và các quán quy mô hộ gia đình.
Đến cuối 2023, theo ước tính của Vietdata, thị phần của 5 ông lớn trong ngành đã leo lên mức 42%. Trong đó, phần tăng chủ yếu thuộc về Highland Coffee (từ 7,4% lên 11,6%) và Phúc Long Coffee & Tea House (từ 2% lên 4,38%), Starbucks (2,38% lên 3,79%). Và trong hơn 1 năm qua, toàn thị trường có thêm khoảng 143 quán (thuộc chuỗi) mở mới.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là mặc dù doanh số tăng nhanh nhưng lợi nhuận các chuỗi có xu hướng thu hẹp trong năm 2023, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Các chuỗi “đua nhau” chạy các chương trình khuyến mãi nhằm duy trì khách hàng thân thiết, nhiều chuỗi không tăng giá, trong khi giá hạt cà phê (nguyên liệu đầu vào) tăng rất mạnh.
Dưới đây là 1 vài con số điểm qua về hoạt động kinh doanh của các chuỗi.
Trung Nguyên Legend
Trong năm 2023 – 2024, Trung Nguyên Legend tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối chiến lược hiện hữu tại khắp các tỉnh thành ở thị trường tỷ đô Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng cửa hàng của thương hiệu không những không tăng thêm mà có xu hướng thu hẹp, cắt giảm các cửa hàng/quán không hiệu quả, chỉ còn khoảng 600 cửa hàng, trong đó có 480 cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee và 116 cửa hàng Trung Nguyên Legend Café.
Năm 2023, Trung Nguyên Legend vẫn duy trì sự tăng trưởng doanh thu và giữ vững vị thế của mình trong thị trường kinh doanh quán cà phê. Thương hiệu này tiếp tục đứng đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng 20% thị phần về doanh thu. Tuy nhiên, việc đầu tư chi phí mở rộng thị trường tại Trung Quốc đã dẫn đến giảm lợi nhuận liên tục trong 2 năm qua.
Highlands Coffee
Highlands Coffee có sự trở lại hết sức mạnh mẽ sau giai đoạn đại dịch Covid-19 (2021). Doanh thu của Highlands Coffee đạt mức kỷ lục gần 4.000 tỷ đồng, nắm giữ trong tay 12% thị phần của “miếng bánh” tỷ đồng. Thương hiệu tiếp tục củng cố vị thế chuỗi cà phê nhượng quyền lớn nhất Việt Nam, với 777 cửa hàng hiện đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (tính đến 05/2024). Highland Coffee thu hút khách hàng nhờ vị trí các quán đặc biệt, phong cách thiết kế và yêu cầu diện tích mặt bằng (khi nhượng quyền), hương vị cà phê và công thức các loại thức uống phù hợp với nhiều đối tượng, và đặc biệt là mức giá và các chương trình khuyến mãi.
Phúc Long Coffee & Tea
Sau khi đóng cửa các quầy ki-ốt WinMart+ không hiệu quả, Phúc Long Coffee & Tea đã thay đổi chiến lược và tập trung vào việc mở từ 30 đến 60 cửa hàng cà phê mới ngoài hệ thống WinCommerce tại các thành phố chiến lược như Hà Nội và TP.HCM. Tính đến 15/06, Phúc Long có 158 cửa hàng flagship và khoảng 119 ki-ốt tích hợp tại các cửa hàng Winmart/Winmart+.
Sau thương vụ sáp nhập đình đám của Phúc Long và Masan Group (2021 – 2022), doanh thu của thương hiệu này ghi nhận tăng gấp 3,5 lần nhưng chững lại ở mức 1.500 tỷ đồng trong năm 2023, thị phần giảm so với năm 2022 về mức 4,52%. Tuy doanh thu của Phúc Long tăng phi mã sau thương vụ, nhưng lợi nhuận liên tục giảm trong 2 năm, xuống dưới mức 30 tỷ đồng vào năm 2023.
Starbucks Vietnam
Trước sự thất bại của các chuỗi cà phê ngoại tại thị trường Việt Nam, Starbucks đã áp dụng các chiến lược mở rộng thị trường một cách cẩn trọng và phù hợp với văn hóa uống cà phê của người Việt. Trong 2 năm qua, Starbucks Việt Nam đã thực hiện chiến lược mở rộng điểm bán, từ 78 cửa hàng (tháng 6/2022) lên 110 cửa hàng như hiện nay. Nhờ đó, doanh thu cũng tăng nhanh, lần lượt 87% trong năm 2022 và 28% trong năm 2023, lên mức hơn 1.300 tỷ VNĐ. Như vậy, sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam, thương hiệu đã chiếm được một thị phần tương đối lớn, đạt khoảng 4% thị phần về doanh thu.
Tuy nhiên, cũng như các thương hiệu khác, lợi nhuận sau thuế của Starbucks Việt Nam trong năm 2023 cũng bị thu hẹp do bị ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên liệu đầu vào, và biên lợi nhuận của những điểm bán mới còn thấp.
The Coffee House
The Coffee House gây bất ngờ cho thị trường trong năm 2024 khi “lép vế” trước các “ông lớn”. Thị phần giảm so với 2022 và về gần mức của 2021 (2.02%). Số lượng cửa hàng thương hiệu này giảm còn 129 cửa hàng (cập nhật đến ngày 15/06/2024) (so với mức 157 cửa hàng vào ngày 05/02/2023).
Doanh thu của The Coffee House ghi nhận xu hướng biến động liên tục trong giai đoạn 2021 – 2023. Cụ thể, năm 2021, doanh thu của thương hiệu tăng mạnh 67% vào năm 2022, nhưng lại giảm lại 11% và đạt mức 700 tỷ đồng trong năm 2023. Và xét về hiệu quả, thương hiệu này tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế.
Katinat Coffee & Tea House
Katinat Saigon Kafe (sau đây gọi tắt là Katinat) là một thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều thương hiệu chuỗi cà phê trên thị trường hiện nay, nhưng lại tăng trưởng khá ấn tượng. Mới ra đời từ 2020, nhưng đến nay Katinat đã có trong tay 1,35% thị phần toàn thị trường, với doanh thu 2023 đạt gần 470 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2021, Katinat chỉ là một chuỗi cà phê nhỏ với khoảng 10 cửa hàng tại TP.HCM. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng thị trường, đặc biệt là tại các vị trí vàng ở trung tâm, Katinat đã chinh phục được thị trường trà - cà phê tại Việt Nam, và dần “đe dọa” đến các “ông lớn” trong ngành.
Vào tháng 4 năm 2024, Katinat Saigon Kafe đã tái định vị thương hiệu của mình thành Katinat Coffee & Tea House và thực hiện chiến lược phát triển mới, tập trung vào hai dòng sản phẩm chính là Trà và Cà phê. Hiện tại, Katinat Coffee & Tea House sở hữu tổng cộng 73 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (TP.HCM là nơi có số lượng cửa hàng nhiều nhất).
Cà phê Ông Bầu, GUTA Cafe, Cộng Cà Phê
Sau các ông lớn kể trên, một số thương hiệu chuỗi cà phê nhượng quyền như Cà phê Ông Bầu, GUTA Cafe, Cộng Cà Phê, Milano, Napoli hay E-Coffee (Trung Nguyên) thuộc cùng phân khúc (về mức giá, quy mô diện tích cửa hàng, và cách định vị thương hiệu…).
Quy mô doanh thu của các thương hiệu ở phân khúc “cà phê đường phố” này dao động từ 15 tỷ đến trên dưới 50 tỷ đồng mặc dù đã ra đời nhiều năm. Và lợi nhuận của các thương hiệu trong phân khúc này cũng rất khiêm tốn.
Cụ thể, đối với Cộng Cà Phê sau hơn 17 năm phát triển, thương hiệu đã có tổng cộng 64 cửa hàng trên khắp Việt Nam, tuy nhiên doanh thu chỉ mới ở mức 15 tỷ đồng (năm 2023). Và mức doanh thu này đã tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với GUTA Cafe, được thành lập vào năm 2011, đến nay chuỗi này đã phát triển được hơn 100 điểm bán trên toàn bộ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu năm 2023 của GUTA Cafe ước đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước.
Còn đối với Cà phê Ông Bầu, mặc dù với quy mô 173 cửa hàng trải dài từ Bắc tới Nam, và quy mô doanh số có phần vượt trội với GUTA Cafe và Cộng Cà Phê; nhưng thương hiệu chuỗi này đang dần đánh mất vị thế của mình trên thị trường. Doanh thu năm 2023 của chuỗi Cà phê Ông Bầu được ghi nhận đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua (2021 – 2023), đạt khoảng 50 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ 2022. Thương hiệu này cũng liên tục được ghi nhận lỗ, mặc dù mức lỗ hằng năm đã giảm dần.
Nguồn: Báo cáo thị trường chuỗi thương hiệu coffee shop của Vietdata năm 2023
Comments